Cứ để sự thật xù xì,
không cần đẽo gọt
không cần đẽo gọt
Vũ Thư Hiên - Đàn Chim Việt
DCVOnline - Phỏng vấn Vũ Thư Hiên (1), Lã Mạnh Hùng thực hiện Đàn Chim Việt (ĐCV) : Là người thường xuyên theo dõi và tham gia vào cuộc vận động dân chủ, xin ông nhận định về ảnh hưởng của Tuyên ngôn Tự do Dân chủ 2006, gọi tắt là Tuyên Ngôn 2006 với sự phát triển của phong trào dân chủ (như một phong trào, không phải như một tổ chức). Vũ Thư Hiên (5/2006) — Nguồn: DCVOnline Vũ Thư Hiên: Trong câu hỏi của bạn đã có sẵn câu trả lời. Bạn ra câu hỏi như thế là tôi biết bạn nghĩ không khác tôi: ảnh hưởng của Tuyên ngôn Tự do Dân chủ 2006 là lớn. Lớn lắm. Nó là một bước tiến vọt của phong trào dân chủ. Tôi chờ bước tiến này từ lâu. Tôi biết nó sẽ có, tôi chờ. Sốt ruột chờ. Nay thì sự chờ đợi ấy đã được đền bù. Sướng nhất là khi tôi được thấy ở dưới Tuyên ngôn có hơn 100 người ký tên. Không sướng sao được? Hơn 100 con người là con số không lớn, đúng thế, cho dù lớn và nhỏ là những khái niệm tương đối, tuỳ theo quan niệm của mỗi người vào mỗi lúc mỗi nơi, nhưng trong một thời gian ngắn kỷ lục, vẻn vẹn có mấy ngày, tính từ khi Phương Nam hoàn tất bản thảo theo ý kiến của tập thể rồi gửi cho mọi người đọc lại góp ý kiến, mà có được bằng ấy người ký là con số lớn, rất lớn đấy. Con số ấy nói to rằng cái sự sợ hãi mà Đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) dày công vun xới đã bắt đầu hết linh. Bắt đầu thôi, nhưng là sự bắt đầu có sức lôi cuốn mạnh mẽ. Đấy là ý nghĩa trọng đại của nó. Trước đó không thể có con số ấy, mặc dầu con số ẩn thì lớn vô cùng, chỉ có thể phỏng đoán mà không thể nói chắc. Có nhiều chuyện vui dính dáng đến con số nọ, tôi xin kể một chuyện làm thí dụ. Ngay lập tức khi bản Tuyên ngôn vừa được công bố, có hai công an viên đến nhà một người ký tên, một anh bạn tôi. Anh mời họ vào nhà. Hai người khách được mời vào nhà, được mời hút thuốc, uống trà. Vào đề, khách nói tràng giang đại hải không cần biết chủ có nghe hay không về vai trò và sứ mệnh của Đảng cộng sản, rằng Đảng dù cho có không muốn cũng phải giữ cho chặt vị trí độc tôn lãnh đạo đất nước, chứ không ấy à, nước Việt Nam ta đã rã bành tô như mấy nước Đông Âu khốn khổ khốn nạn từ lâu rồi, nhân dân ta đã nheo nhóc, đã không cơm ăn, không áo mặc từ lâu rồi. Đại khái cũng giống như lời cảnh báo của ông cựu đại sứ Nguyễn Trung ấy. Ông Trung gọi sự thay đổi sang thể chế dân chủ ở mấy nước đó là “hiểm hoạ đen”, ông ấy thấy thế lấy làm lo cho Việt Nam lắm, ông vội khuyên đảng cộng sản lấy đó làm gương, chớ để đất nước đi vào vết xe đổ. Anh bạn tôi khiêm tốn gật gù. Hai anh công an ân cần khuyên: thôi, đã trót dại ký rồi thì cứ việc tuyên bố rút ra là xong, chuyện ấy là khuyết điểm nhất thời, đảng cho qua, không tính. Anh bạn tôi lịch sự đáp: “Các anh ạ, thấy người ta nói phải thì tôi nghe, tôi ký, chứ nếu Đảng cộng sản của các anh cũng nói phải như họ thì tôi cũng ký ngay”. Hai anh công an ngao ngán cáo lui. Lạ một cái là lần này họ không gây gổ, không doạ nạt. Hiền lành, lễ độ. Nếu không vận cảnh phục chưa chừng hai anh này dám nói khác cũng nên, ai đời có một bài đảng vĩ đại mà nhai đi nhai lại hết năm này sang năm khác, hết đời cha đến đời con, đứa chó nào không ngán, anh bạn tôi nhận xét thế. Đọc Tuyên ngôn 2006, tôi ứa nước mắt. Không phải những câu chữ trong bản Tuyên ngôn làm tôi xúc động đâu, những câu chữ ấy, những chữ ấy, chúng ta đã từng biết, chúng ta đã từng đọc, chúng không mới, không lạ. Không, không phải vì cái đó. Tôi xúc động là vì sự ra đời của bản Tuyên ngôn kia, vì chữ ký của những con người can đảm kia. Mừng lắm lắm. ĐCV: Phong trào dân chủ ảnh hưởng thế nào khi có một hay nhiều bản tuyên ngôn khác theo sau? Vũ Thư Hiên: Tôi hiểu bạn muốn hỏi gì. Thì cứ nói toạc ra với nhau cho tiện. Tức là đã có bản Tuyên ngôn Tự do Dân chủ 2006, sao lại còn có sự ra mắt một bản Tuyên ngôn Dân chủ khác, bản thứ hai? Chuyện này có chút rắc rối thật, không phải là không có. Bạn đã đọc bức thư đầy nhân ái của ông Nguyễn Chính Kết gửi ông Nguyễn Khắc Toàn chưa? Gọi là gửi cho ông Toàn, chứ thực ra ông Kết muốn gửi cho tất cả mọi người. Trong bức thư ông Kết cố giải thích nguồn gốc sự trục trặc liên quan đến bản Tuyên ngôn 2006, để nói rằng không có mâu thuẫn gì trầm trọng trong hàng ngũ dân chủ đâu, chẳng qua có sự hiểu nhầm, là do có sự chật chưỡng về thời gian soạn thảo, lấy ý kiến, và cả trong mấy ngày sau đó, lại cũng là chuyện vặt vãnh thôi. Tất cả những gì ông Kết nói trong bức thư đều có thật, theo chỗ tôi được biết, nhưng bức thư không có sức thuyết phục đối với những người quan tâm. Sự thật lằng nhằng hơn, rối rắm hơn, kể ra cho hết đầu đuôi mọi sự thì dài dòng văn tự lắm, tôi xin phép không nói ở đây, nó lạc đề. Với tất cả mọi người, chuyện đã rồi là chuyện đã rồi, người ta không cần biết chi tiết. Người ta chỉ ghi nhận cái sự thật hiển hiện: ấy là Tuyên ngôn Tự do Dân chủ 2006 đã ra đời. Nó xuất hiện như một văn kiện lịch sử. Lịch sử đã ghi nhận cái thứ nhất, thì cái thứ hai chỉ là một phó bản muộn màng. Tôi xin nói thêm: Tuyên ngôn Tự do Dân chủ 2006 có thể chưa toàn bích, có thể ở chỗ này chỗ kia chưa chỉnh về câu chữ, nhưng nội dung của nó có đủ những gì tôi muốn thấy, thì tôi ủng hộ nó, tôi mong mọi người ủng hộ nó, ủng hộ hết lòng. Cần phải thấy rằng cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ là cuộc đấu tranh giữa hai thế lực không thể cộng tồn, không thể hoà giải hoà hợp. Đâu có phải là cuộc thi Tuyên ngôn, để chờ quần chúng chấm cho cái nào đỗ. Không, cái sự loạn tuyên ngôn chẳng mang lại điều gì tốt đẹp cho phong trào dân chủ đâu, các bạn ơi, ngược lại thì có. Tôi đồng ý với bạn – phong trào mà ta đang nói tới ở đây có nghĩa một cuộc vận động lớn, một trào lưu lớn, trong đó có tất tần tật những nhóm, những cá nhân, có chung một đồng thuận – xoá bỏ chế độ độc tài, xây dựng thể chế dân chủ. Không phải một tổ chức. Chưa phải một tổ chức. Tuyên ngôn 2006 là tài sản của cái phong trào như thế. Nó chẳng là của riêng ai. Không có cái Tôi ở đây. Chỉ có cái Chúng ta. Tuyên ngôn Tự do Dân chủ do sự đóng góp của nhiều người mà thành, kể từ bản phác thảo của Hoàng Minh Chính, cuộc đi từ Sài Gòn ra Hà Nội của Trần Khuê và Phương Nam để nghe ý kiến của anh em dân chủ ở Hà Nội, đến bản thảo đầu tiên của Phương Nam được gửi đi để anh em hai miền Trung và Nam đóng góp thêm. Tôi có trong tay hầu như đầy đủ mấy bản ấy, tôi dám nói câu khẳng định rằng đúng nó là như thế. Lại nói chuyện một tổ chức dân chủ thống nhất. Trong giai đoạn này cái đó chắc chưa thể có. Từ cái phong trào dân chủ rộng rãi ấy sau này ta sẽ thấy xuất hiện một số tổ chức của những người dân chủ, đại diện cho những nhóm khác nhau về giới tính, về quyền lợi, về niềm tin, về phương pháp đấu tranh…: Phụ nữ Dân chủ, Thanh niên Tự do, Công đoàn Đoàn kết, Phật tử Truyền thống, Giáo dân Vì nước chẳng hạn. Trong điều kiện chính quyền độc tài ra sức ngăn chặn, cắt đứt liên lạc, xé lẻ những nhóm dân chủ trên địa bàn cả nước để họ không thể kết lại với nhau thì có nhiều tổ chức không phải là xấu. Ngược lại, còn tốt nữa. Nó sẽ làm cho tính năng động, tính tự quyết của các tổ chức nhỏ được nâng cao, gộp tất cả lại sẽ có một sức mạnh tổng thể liên tục lấn sân, giành giật các quyền dân chủ về tay, liên tục mở rộng các thành quả đã đạt được để mau chóng đi tới mục tiêu xoá bỏ độc tài. Nhiều tổ chức dân chủ không phải là điều đáng sợ. Đáng sợ là khi các tổ chức ấy không biết đoàn kết với nhau để làm công việc chung. Mà cái công việc ấy khó khăn lắm, gian nan lắm, đâu có dễ dàng. Bây giờ không phải lúc cãi nhau, không phải lúc xưng cái Tôi đáng ghét ra, làm thiệt hại cho cái mà chúng ta đang ra sức đấu tranh để có. ĐCV: Trong phong trào dân chủ hiện nay có hai khuynh hướng về chữ ký trên tuyên ngôn 2006: một cho là cần để học hàm, học vị, nghề nghiệp bên cạnh chữ ký, hai cho là mọi chữ ký của mọi công dân Việt Nam đều có ảnh hưởng đến phong trào như nhau. Ông quan niệm thế nào và tại sao? Vũ Thư Hiên: Cái chuyện ấy mà dùng chữ khuynh hướng thì hơi to đấy, không nên. Nói về khuynh hướng thì nó thế này: quả là trong phong trào dân chủ có hai khuynh hướng thật, nhưng là ở lĩnh vực khác kia. Tình hình là thế này: giữa những người dân chủ có sự đồng thuận hoàn toàn về mục tiêu, nhưng về sách lược thì còn đôi điểm chưa nhất trí. Sự không nhất trí ấy, hay gọi là bất đồng cũng được, nhưng hơi to, nằm ở chỗ: một bên muốn lôi kéo những người cộng sản có xu hướng ly khai với nhà nước độc tài về với mình, kêu gọi sự hợp tác của họ. Bên kia, chủ trương ngược lại – cộng sản là cộng sản, chấm hết, không thể trông cậy bất cứ điều gì tốt lành ở những người cộng sản, họ chỉ muốn cải tiến chế độ độc tài của đảng cộng sản cho nó trường tồn mà thôi. Cả hai khuynh hướng, theo tôi nghĩ, đều có cái không có lý của họ. Đây là vấn đề sách lược đồng minh trong bất kỳ cuộc đấu tranh nào, trong chuyện này phải tuỳ thời điểm cụ thể mà lấy quyết định thích hợp. Tôi không nghĩ cái đó là điểm bất đồng nặng nề, nó chỉ là vấn đề đặt nặng vế này hay vế kia trong sự nhận định vai trò đồng minh. Đặt nặng trọng tâm vận động vào những người cộng sản là sai, họ chỉ là một bộ phận của khối nhân dân đông đảo cần vận động; nhưng gạt họ hoàn toàn cũng không đúng, nằm trong hệ thống quyền lực họ có thể có tác động tốt cho vận động dân chủ lắm nếu họ nghiêng về phía dân chủ. Trong thực tế sự suy nghĩ khác nhau này chưa có gì sâu sắc đâu, chưa có gì trầm trọng đâu. Khốn nỗi trong khi ý kiến về chuyện đó chưa được thống nhất thì có người thích làm ầm lên, bé xé ra to. Nguồn gốc chuyện lủng củng này là do tính tự cao tự đại, không biết khiêm cung, tính ông tướng, óc lãnh tụ ở người này người kia, lúc hăng máu vịt lên, họ không còn thấy cái đại đồng ở đâu nữa, chỉ thấy có cái tiểu dị lồ lộ, cái ấy cũng có đấy. Từ chỗ thích làm ông tướng đi đến chỗ chia rẽ, công kích nhau, chửi bới nhau, tự quyền loại nhau ra khỏi hàng ngũ, chẳng phải là bước dài lắm. Nói là nói phòng xa thế thôi, chứ trong cuộc đấu tranh này kẻ nào làm bậy, kẻ đó tự khai trừ mình khỏi hàng ngũ dân chủ. Còn chuyện trưng học hàm học vị hoặc không trưng học hàm học vị thì chẳng có thể gọi được là bất đồng giữa hai khuynh hướng. Chẳng qua là chuyện giữa mấy ông mấy bà có những quan niệm, những ý thích khác nhau thôi. Ông A khoái trưng học hàm học vị thì bảo: trước khi tham gia quần chúng cần được biết có những ông nào bà nào đã có mặt, họ danh tiếng đến thế mà họ vẫn đấu tranh cho dân chủ, thì ta nên đi với họ. Dân mình lại vốn sính học hàm học vị, chiều họ tí đã sao? Ông B không thích cái cách trưng học hàm học vị thì bảo: làm như thế quần chúng sẽ coi cuộc đấu tranh cho dân chủ là của bọn giáo sư, tiến sĩ… không phải việc của tụi dân đen ta, chờ xem đám dân chủ cổ cồn kia làm được gì cái đã, chẳng đi đâu mà vội. Lại một lần nữa, cả hai đều có cái lý của họ. Cũng có lúc phải gắn học hàm học vị vào, khi ông A bà B thuyết trình trong giới chuyên môn của họ, hoặc để biết ai là ai nếu có sự trùng tên. Chứ còn trong cuộc đấu tranh cho dân chủ cụ thể đang diễn ra hôm nay, ngay bây giờ đây, thì trưng học hàm học vị ra để mà làm gì? Để khoe mẽ rằng trong hàng ngũ dân chủ ta nhiều bậc chức sắc à? Quan điểm của tôi là như vậy. Vị thế công dân (hay vị thế con dân của đất nước, tôi muốn nói trong thời kỳ nước ta còn bị đô hộ) là vị thế cao nhất trong trách nhiệm của con người trước vận mệnh đất nước. Thay vì phải trưng học hàm học vị ra, trong bản Tuyên ngôn chẳng hạn, ta cứ để ông này bà kia, ở đâu, làm nghề gì. Bác sĩ, kỹ sư, nông dân, công nhân, thương gia không phải là học hàm, học vị, chỉ là nói về nghề nghiệp thì cứ để, nhưng đừng tâng một anh mới tốt nghiệp đại học luật lên thành luật sư, nghe chướng lắm. Cứ giở sách sử ra mà xem, những anh hùng liệt sĩ của đất nước trong thời kỳ thuộc Pháp chẳng là giáo sư, tiến sĩ gì hết. Nhưng sử sách vinh danh họ. Chúng ta đều biết họ là ai. Bởi lòng yêu nước của họ. Bởi đức hy sinh của họ. Nào có phải họ là giáo sư hay tiến sĩ. ĐCV: Tình hình thực tế của phong trào dân chủ Việt Nam khiến Tuyên Ngôn 2006 thiếu chữ ký của một số người đang vận động dân chủ và tự do tín ngưỡng trong và ngoài nước. Theo ông, liệu những người thuộc các nhóm dân chủ này sẽ ký tên vào bản Tuyên Ngôn 2006 trên web hay trên giấy trong nước trong tương lai gần, và đây có phải là điều cần thiết hay không? Vũ Thư Hiên: Tôi không thấy có gì quan trọng lắm trong sự thiếu vắng chữ ký của một số người mà chúng ta thường được nghe tên. Bản Tuyên ngôn 2006 ra đời, theo tôi biết, đúng là trong sự vội vã. Có cần vội vã thế không là chuyện khác, có những nhận định khác nhau trong vụ này. Vì sự vội vã ấy, số chữ ký ta muốn được thấy chưa đủ. Trong một thời gian gấp rút như thế rõ ràng không thể có sự thông tin rộng khắp cho mọi người đều biết để ký. Lại trong điều kiện phải giữ bí mật nữa chứ. Thôi thì ai tán thành sau này ký cũng chẳng muộn. Nhưng cũng có những trường hợp khác. Chẳng hạn, có người do tính cẩn trọng thái quá, có còn cẩn trọng đến mức xét nét nữa, họ thấy chưa hài lòng với những câu chữ nào đó trong Tuyên ngôn ấy thì họ không ký. Lại có người không ký chỉ vì thấy trong số người đã ký có tên những người mà họ không ưa. Lôi thôi lắm. Bạn hỏi tôi: vậy thì liệu rồi đây họ có ký không? Làm sao tôi trả lời được. Tôi không thể trả lời thay cho bất cứ ai. Tôi không có cái quyền ấy. Trong sự trả lời phỏng vấn này cũng vậy, tôi chỉ đại diện cho chính tôi mà thôi. Tôi nghĩ sự ra đời của bản Tuyên ngôn 2006 là tất yếu, sự kiện ấy tất phải xảy ra vào một lúc nào đó, nó không thể không xảy ra, nhưng trong đó cũng có yếu tố ngẫu nhiên, tại sao nó lại xảy ra đúng vào ngày 8 tháng 4, mà không phải sớm hơn một hôm hay muộn hơn một hôm. Trường hợp ra đời của nó cũng giống như bất cứ văn kiện lịch sử nào khác, nó là nó, vừa đủ, vừa chưa đủ, đẹp rồi đấy mà xem kỹ vẫn thấy có chỗ chưa chỉnh, nói nó chưa toàn bích là như vậy. Tôi ủng hộ Tuyên ngôn 2006 ngay lập tức dù nó chưa toàn bích vì tôi thấy nội dung nó như thế là đủ những cái tôi muốn rồi, cứ thế đã là tốt rồi, tôi không cần cái tốt hơn. Nhưng người khác thì không, họ muốn nó phải được viết lại cơ, cứ là phải theo ý họ cơ, mới thật là tốt. Rồi đây những nhóm, những cá nhân không hài lòng ấy có ký hay không, là chuyện của họ. Có chữ ký của họ thì tốt, không có cũng không sao. Mong sao đừng vì thế mà họ xa rời cuộc đấu tranh chung. Có người từng đóng vai trò que diêm nhóm lên ngọn lửa dân chủ. Nhưng khi đã có cả đống lửa rồi mà vẫn cứ loay hoay với sự tự khoe vai trò que diêm của mình thì buồn cười lắm. Nói tóm lại, trong mọi cuộc đấu tranh, không phải ai đã lên đường thì người đó sẽ đi tới đích. Cái sự nửa đường đứt gánh là chuyện bình thường. Sự rơi rụng trên đường cũng là chuyện bình thường. Đừng chạy sang phía bên kia là được rồi. ĐCV: Mới đây DCVOnline, trong loạt bài về Tuyên ngôn 2006, đăng bài “Tranh nhau miếng bánh Nhà Dân Chủ Lớn” của Lưu Vũ và “Tuyên ngôn 2006 và não trạng sứ quân” của Trần Trung Việt gây khá nhiều tranh luận cả bên ngoài (trên diễn đàn DCVOnline) và cả ở bên trong phong trào nhất là bài “Tranh nhau miếng bánh Nhà Dân Chủ Lớn”. Ông nhận xét thế nào về quan điểm của tác giả trong hai bài vừa nêu? Có bánh nhà dân chủ lớn và có não trạng sứ quân trong phong trào dân chủ không thưa ông? Vũ Thư Hiên: Tôi có đọc hai bài của anh Lưu Vũ và của anh Trần Trung Việt. Tôi thấy gì trong hai bài ấy? Tôi thấy được tình cảm thiết tha của tác giả đối với phong trào dân chủ, cảm giác đau xót của họ trước những lủng củng trong đó. Không có sự công kích phong trào dân chủ đâu, hoàn toàn không. Cái đó rõ lắm, đáng quý lắm. Họ trong sáng trong khi cầm bút viết hai bài đó, tôi nói khẳng định. Đấy là về nội dung. Tôi chỉ đặc biệt khó chịu với bức hình con khỉ minh hoạ cho bài của anh Lưu Vũ. Thật quá tệ, ai lại đi làm như thế cơ chứ! Tấm hình đó gây ngay phản cảm và đã đưa đến sự ngộ nhận của nhiều người, mặc dù khi hỏi, tôi được người biên tập ảnh cho hay rằng, anh ấy làm cái hình ấy chỉ để nhắm vào kẻ “Ngụy Dân Chủ”, chứ hoàn toàn không có bất kỳ ý gì xúc phạm đến những nhà dân chủ chân chính. Những nhà dân chủ trong nước có thể kém hiểu biết về mặt nào đó do thiếu thông tin, họ có thể mắc sai lầm này sai lầm khác, có người lại còn bị mắc độc kế của chính quyền nữa, nhưng đó là những người đang đứng đầu sóng ngọn gió trong cuộc đấu tranh của cả dân tộc, họ cần đến sự ủng hộ, sự đồng cảm, cả tình yêu nữa, nếu có thể nói như thế, của tất cả chúng ta. Giễu cợt - thậm chí vì vô tình hay do thiếu thận trọng, thiếu khéo léo trong việc chuyển tải thông tin mà gây nên điều này - là việc rất không nên. Việc đặt tên cho bài viết cũng không đạt. Tôi nói thế với tư cách độc giả thôi, tôi nói cảm tưởng của tôi thôi, tôi không phải nhà phê bình nói về nghiệp vụ báo chí, cảm tưởng thế nào tôi nói thế ấy, mong hai tác giả không giận. Tên bài thì kêu, nhưng không thích hợp, các bạn ạ. Làm gì có miếng bánh Nhà dân chủ Lớn để người ta tranh nhau cơ chứ? Chưa đến lúc ấy đâu. Nếu bây giờ đã có miếng bánh ấy rồi thì nó đang ở đâu nào? Trong Bắc bộ phủ chăng? Không phải. Trong những nhà tù, trong những phòng thẩm vấn, vâng, ở những chỗ ấy. Làm gì đã có những vùng dân chủ cát cứ với những sứ quân cân đai mũ áo để mà có não trạng sứ quân? Nguyên nhân những lủng củng ấy ở chỗ khác kia, bạn ơi, không phải ở miếng bánh mà anh Lưu Vũ chỉ ra đâu, cũng không phải ở những sứ quân đâu. Giá mà ở nước ta bây giờ có được thập nhị sứ quân dân chủ nhỉ? Thì rồi sẽ có một Đinh Bộ Lĩnh dân chủ thâu gồm họ lại, khỏi lo. Những sứ quân dân chủ có thể gây lộn với nhau, nhưng chỉ trong những cuộc chiến tranh nước bọt thôi, có gì đáng sợ. Dân chủ lủng củng vẫn còn hơn độc tài toàn trị không lủng củng, nó hơn hẳn, hơn không so sánh được. Anh Trần Trung Việt rất sắc sảo khi miêu tả tình trạng: “Cờ phe tao đẹp hơn cờ phe mày. Lãnh tụ của chúng tôi xứng đáng hơn lãnh tụ của các anh. Tuyên ngôn chúng tôi ngon lành hơn tuyên ngôn của các anh. Sáng kiến của chúng tôi tuyệt vời hơn sáng kiến của các anh. Chữ nghĩa của chúng tôi hùng hồn hơn chữ nghĩa của các anh. Cương lĩnh của chúng tôi đúng đắn hơn cương lĩnh của các anh. Và hàng trăm cái để hơn thua khác. Đó là chưa kể đến những cáo buộc ác ý, chụp mũ nếu không công khai thì cũng được rỉ tai trong nội bộ của các tổ chức, các nhóm”. “Chúng ta quý những anh hùng, nhưng họ phải là anh hùng không có rận”,Erich Maria Remarque (1898-1970) — Nguồn: cdhm. de Tình hình phong trào dân chủ ở trong nước, theo chỗ tôi được biết, không đến nỗi tệ đến thế đâu. Tình hình mà anh Việt miêu tả giống ở hải ngoại nhiều hơn. Ở trong nước, ngoài mấy người có thể đếm trên đầu ngón tay còn thừa, chỉ có mấy người ấy thôi, là hăng hái tán phát những bản photocopy (không nhiều lắm vì khá tốn kém), bằng cách gửi lên internet (rẻ rề) những lời mạ lị nhau, bới móc đời tư của nhau, bằng nhiều thủ đoạn, không từ cả bịa đặt trắng trợn. Thậm chí người ta bịa chuyện ông Trần Khuê ăn chặn tiền giải thưởng của tổ chức Quan sát Nhân quyền (HRW) tặng bà Nguyễn Thị Thanh Xuân. Chuyện này hoàn toàn không có. Tôi có đủ chứng cứ để nói rằng nó là chuyện bịa đặt. Ai không tin có thể hỏi thẳng HRW. Hay là chuyện ông Nguyễn Thanh Giang nhận tiền ủng hộ anh em dân chủ để xây nhà nữa. Cũng lại bịa nốt. Những người này không tranh luận về cách thức đấu tranh, mà chỉ trích, chửi bới nhau, chỉ vì thái độ đối xử của anh này đối với anh kia trịch thượng, vì những tự ái vặt. Không, đại đa số những người dân chủ không sa lầy trong vũng bùn ấy. Họ vẫn đoàn kết trong cuộc đấu tranh nhiều tai vạ hơn là giành được “miếng bánh Nhà dân chủ Lớn” hoặc cái danh vọng lãnh tụ hão huyền. Làm sao được, những người thích cãi nhau nọ cũng là những con người mà, với tất cả những chỗ yếu thường có. Ta phải thừa nhận sự thật ấy thôi, phải chịu nó thôi, không thừa nhận nó vẫn cứ tồn tại. Lại có một sự thật này nữa, như là một nghịch lý: mấy ông chửi nhau ấy, vâng, chính những ông ấy, vẫn là những người đấu tranh cho dân chủ, mới buồn, tôi biết họ cả mà. Cái sự cãi nhau rất tầm phào ấy làm cho họ xuống giá thê thảm trong con mắt quần chúng, làm cho những việc họ làm mất hết tác dụng. Mà say máu cãi nhau, họ nào có biết. Đành phải thừa nhận sự thật này với niềm mong ước tình trạng ấy chóng qua. Nhân vô thập toàn, cổ nhân đã dạy. Tôi chợt nhớ đến một câu thật là hay của Erik Maria Remark trong cuốn “Biểu Tượng Đen”: “Chúng ta quý những anh hùng, nhưng họ phải là anh hùng không có rận”. ĐCV: Được biết ông vừa tham dự một hội nghị của Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế (ISHR) tại Đức, xin ông trình bày sơ qua về hội nghị, thành quả và những điểm thú vị, tích cực có thể phát triển và sử dụng trong cuộc vận động, đẩy mạnh phong trào dân chủ Việt Nam. Huber Matos: 2006, người vận động dân chủ;
1959 Comandante chống nhà độc tài Fulgencio Batista
Nguồn: DCVOnline & dicrystal. com Vũ Thư Hiên: Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế là một tổ chức phi chính phủ và bất vụ lợi. Như tên gọi của nó, hiệp hội này được thành lập chỉ để bảo vệ nhân quyền. Nó bảo vệ bất cứ ai, ở bất cứ đâu, là nạn nhân của sự chà đạp nhân quyền, không trừ cả người cộng sản bị chế độ thần quyền truy bức. Nó không nhận bất cứ tài trợ nào của các chính phủ, giữ tư cách độc lập với các chính quyền, chỉ tồn tại bằng các khoản ủng hộ của các hội đoàn phi chính phủ và cá nhân. Mà tồn tại được từ năm 1972 tới giờ, vẫn vững vàng, vẫn hoạt động có hiệu quả, mới tài. Đại hội đồng của ISHR họp năm nay có mời khách. Lần đầu tiên tôi được đến dự để tham gia đề tài “Bảo vệ quyền tự do ngôn luận và báo chí”. Cựu tổng thống Tiệp, ông Vaclav Havel không tới dự được vì sức khoẻ kém có gửi tới lời chào mừng bằng videomail. Tôi được thấy hình hai ông Havel, một ông tù trong bộ áo sọc với hai công an viên kẹp hai bên, một ông tổng thống khi nền dân chủ thắng lợi. Cũng như ở mọi cuộc hội thảo quốc tế, trong các forum mỗi diễn giả nói về tình hình nhân quyền nước người ấy. Tôi được gặp nhiều khách mời từ Trung Quốc, Cuba, Albania, Croatia… Người Trung Quốc đông hơn cả, có cả người Hoa Lục, người Đài Loan. Những người thuộc giáo phái Pháp Luân Công hoạt động mạnh nhất. Họ tranh thủ từng phút để tố cáo sự đàn áp nhân quyền, đàn áp tự do tín ngưỡng của Bắc Kinh, trên bục diễn giả, trong những cuộc gặp riêng với các đoàn. Họ chiếm lĩnh cả những phút giải lao bằng cách cống hiến những tiết mục đặc sắc: một giáo sư nhạc viện Bắc Kinh thổi tiêu, các cô gái trình diễn các màn múa hoa sen, múa lụa… Cứ như là văn công chuyên nghiệp. Hăng hái lắm. Đáng để chúng ta học tập. Đoàn phụ nữ mặc đồ trắng trên đường đến trụ sở nghiệp đoàn ký giả báo nhà nước
tại thủ đô Havana (18/3/2005) — Nguồn/Ảnh: canf. org & AP Photo/Jorge Rey Ấn tượng mạnh hơn cả đối với tôi là cuộc gặp gỡ với hai người. Một là nhà cách mạng Huber Matos của Cuba. Ông này chống chế độ Batista từ năm 1952, sống lưu vong ở Costa Rica để tiếp tế súng đạn cho chiến khu Sierre Maestra, sát cánh cùng Fidel Castro, Che Guevara, Raul Castro… trong cuộc cách mạng lật đổ chính quyền Batista để xây dựng một nước Cuba mới. Nhưng nước Cuba mới này vừa thanh toán xong độc tài Batista thì lại thành độc tài cộng sản. Van nài “đồng chí Fidel, đồng chí đừng thiêu rụi cuộc cách mạng” không được, ông bị Fidel Castro cho 22 năm tù. Chịu án xong ông ra nước ngoài, viết cuốn “Đêm Đã Đến Cách Nào” kêu gọi người Cuba chống cộng. “Một nhà cách mạng kiên cường” theo chính lời Fidel Castro nói về ông trở thành “tên phản động nguy hiểm”. Bây giờ Matos là một ông già hiền từ, ít nói, nhưng ngọn lửa yêu nước tiếp tục sáng rực trong ánh mắt. Hai là cuộc gặp gỡ với Yolanda Huera Madenha – một người đàn bà nhỏ nhắn, xinh đẹp, một trong những người khởi xướng phong trào “Những người đàn bà vận đồ trắng” (Women in White). Họ là những người mẹ, người vợ của những người đàn ông chống Castro rồi bị Castro cầm tù. Họ xuống đường biểu tình đòi thả chồng con họ, bắt đầu bằng vài chục người, rồi đông lên hàng trăm người, kéo theo cả những người không có chồng con ở tù. Gặp hai người từ Cuba ấy, tôi có cảm giác xấu hổ. Tôi thấy tôi, chúng tôi, những người từng sống ở miền Bắc Việt Nam kém họ. Kém xa. Chúng tôi biết cả đấy, như họ, hoặc chẳng kém gì họ, nhưng chúng tôi cam chịu. Cam chịu dài dài. Đoàn khách từ Croatia đến cũng để lại ấn tượng mạnh – những người bảo vệ nhân quyền (họ xưng là human rights defenders chứ không thích ai gọi họ là chiến sĩ nhân quyền) trẻ măng, có một người ngồi xe lăn, rất quan tâm đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Họ đề nghị một cuộc gặp riêng trước giờ tôi lên tàu trở lại Paris để hỏi về số phận những người bảo vệ nhân quyền Việt Nam. Hoá ra họ biết về Việt Nam nhiều, hơn là tôi hình dung. Thật cảm động. Nhưng thôi, tôi nói đã dài về cuộc họp mặt này. Chỉ xin thêm một câu: trong tổ chức của ISHR có một người Việt Nam rất năng động, hoạt động rất hiệu quả là anh Vũ Quốc Dụng. Xin các bạn liên hệ với anh ấy trong các công việc liên quan tới nhân quyền. ĐCV: Trước những phát triển chung, cả tích cực và tiêu cực, trong tiến trình vận động dân chủ những ngày gần đây, và kết quả (không nổi cộm) từ Đại hội X của ĐCSVN, ông hình dung phong trào dân chủ những ngày sắp đến sẽ ra sao? Vũ Thư Hiên: Nước ta là nước nhỏ. Vận mệnh của Việt Nam lệ thuộc khá nhiều ở những biến chuyển trên trường quốc tế. Nếu không có sự sụp đổ của Liên Xô và gần hết phe xã hội chủ nghĩa, chắc Việt Nam không thay đổi được như ngày nay. Phải thừa nhận rằng ở Việt Nam đã có những thay đổi về mặt đời sống theo chiều hướng tốt lên, tốt là một khái niệm tương đối, tôi nhắc lại, nhưng có tốt. Trong tình hình chế độ độc tài vẫn còn đó, các quyền tự do cơ bản cho con người vẫn chưa có. Các chính sách kinh tế thay đổi đã thay đổi bộ mặt xã hội, nhưng không có gì do định hướng xã hội chủ nghĩa sinh ra như người ta quảng cáo, cái định hướng lẩm cẩm ấy chỉ làm cho sự phát triển chậm hơn thôi, vì thế trong sự giàu lên của xã hội, thu nhập quốc dân tăng, thì bất công xã hội và chênh lệch giàu nghèo còn tệ hơn bất cứ lúc nào trong thời kỳ trị vì của đảng cộng sản… Đảng cộng sản có biết thế không? Biết đấy, biết tốt, nhưng nó chỉ cần giữ chặt sự ổn định vị thế kẻ cai trị độc tôn, cho nên trong chính trị không có gì thay đổi cho phù hợp với phát triển kinh tế. Từ đây tất yếu sẽ sinh ra những mâu thuẫn không thể giải quyết nổi. Cũng nhờ những biến chuyển của tình hình thế giới trong đó Việt Nam bắt buộc phải hội nhập và tìm cách thích ứng, đã có sự cởi mở hơn thời cực thịnh của chế độ toàn trị. Vào thời cực thịnh ấy những người ký tên dưới bản Tuyên ngôn Tự do Dân chủ 2006 chắc chắn bây giờ đang ở trong các trại tập trung. Nhưng đó là những bước lùi bắt buộc, không thể cưỡng lại, chứ ý chí của nhà cầm quyền thì rắn lắm - trong chính trị thì bất di bất dịch, họ không nhả ra cho ai cái gì đâu. Chỉ có thể đấu tranh mà giành lấy thôi. Tôi không theo chủ nghĩa vô chính phủ, nhưng tôi chán cái chính trị xơ cứng cố thủ của đảng cộng sản lắm. Cho nên chẳng phải bây giờ, các thứ Đại hội của đảng cộng sản trước đây cũng vậy, chúng chẳng có ý nghĩa gì với tôi hết. Tôi chẳng chờ đợi bất cứ điều gì mới mỗi lần đảng cộng sản họp Đại hội. Đại Hôi X thì cũng thế. Nó chẳng là cái gì, nó chẳng mang lại cái gì mới cho đất nước ta đâu. Chẳng có chuyện phe siêu bảo thủ thắng lớn, phe cấp tiến đại bại đâu. Họ đều là một đồng một cốt, nếu tiếng chập choeng của dàn nhạc bị lỗi nhịp thì không phải là giữa họ với nhau có mâu thuẫn. Tôi chờ đợi sự thức tỉnh của nhân dân. Chỉ có cái đó mới mang lại sự thay đổi. Kẻ nắm quyền cai trị chẳng bao giờ tự nguyện rời bỏ ngai vàng, chân lý này xưa như trái đất. Con đường dân chủ đã được khai phá, chỉ còn cách tiến lên thôi, bạn ơi. Chẳng có cách nào khác. Không lùi được nữa rồi. Lùi là chấp nhận cái nguyên trạng tồi tệ làm cho đất nước lụn bại bên cạnh nhân loại đang đi nhanh vùn vụt. Cũng không thể chần chừ. Chấp nhận hy sinh mà tiến. Thời gian ủng hộ chúng ta. Montréal - Paris, 14/05/2006 Copyright © 2006 DCVOnline (1): Vũ Thư Hiên — Sinh năm 1933 tại Hà Nội. Sau năm 1954, ông đi học về điện ảnh tại Liên Xô và trở về nước năm 1959 làm việc cho Xưởng phim Việt Nam tại Hà Nội. Năm 1960, ông sang làm biên tập viên và phóng viên báo ảnh Việt Nam. Năm 1967, ông bị bắt trong vụ án “vụ nhóm xét lại chống Ðảng” và bị giam chín năm (1967-1976), qua các nhà tù Hỏa Lò, Bất Bạt, Tân Lập. Vụ án không xét xử kết thúc vào năm 1976 với người tù cuối cùng được tha là ông Vũ Thư Hiên Năm 1993 Vũ Thư Hiên đi Nga phiên dịch cho một công ty thương mại. Ông bắt đầu viết cuốn hồi ký Ðêm Giữa Ban Ngày về chín năm bị giam cầm và những suy nghĩ về mô hình nhà nước chuyên chính vô sản. Ðến cuối năm 1995, không thể ở Moskva lâu hơn nữa, Vũ Thư Hiên tìm cách qua Ba Lan. Ðến cuối năm 1996, ông quyết định qua tỵ nạn tại Pháp và đã hoàn thành tập hồi ký Ðêm Giữa Ban Ngày, xuất bản tháng 4/1997. [ Trở lại ] Ý kiến Bạn đọc (DCVOnline không chịu trách nhiệm về nội dung của những ý kiến đóng góp từ bạn đọc)
2006-05-15 00: 37: 36 TranVietNam
California, USA Nếu bạn là những kẻ đang nắm quyền hành, và hưởng quá nhiều những đặc quyền, đặc lợi bạn có chịu từ bỏ những điều bạn đang có hay không? Vả lại đã nằm trong guồng máy độc tài như CSVN, tách ra là tự sát. Đừng chờ đợi sự thay đổi của những cộng sản trung kiên với quyền lợi. Điều đó không bao giờ xảy ra!!»” ! 2006-05-15 00: 49: 55 PhilSydney, Australia “… ‘Tôi chờ đợi sự thức tỉnh của nhân dân. Chỉ có cái đó mới mang lại sự thay đổi…” Và để nhân dân thức tỉnh nhanh//mạnh thì cần có những bài viết hay đầy tâm huyết như bài viết này của nhà văn VU THU HIEN. Xin cám on DCV cho đăng bài này và qua diển đàn này xin ki’nh chúc sức khoẻ nhà văn VU THU HIEN. Kính 2006-05-15 05: 08: 16 berlin, de hoàn toàn đồng ý với PhilSydney, lâu nay toàn thấy những bài viết hoặc phỏng vấn mang tính chất “cãi nhau” nay đọc bài này tôi cảm thấy như được cốc nước mát giữa trưa nắng. 2006-05-15 18: 35: 09 Ngoc Minh, Sydney Tôi tin rằng những phát biểu bình tỉnh và rỏ ràng này của nhà văn VTH sẽ giúp cho phong trào dân chủ trở nên mạnh mẽ hơn. Cám ơn nhà văn và DCV. 2006-05-15 01: 05: 55 congtran, usa Tôi cũng đồng ý vối nhận định của ông Vũ thư Hiên về bài viết của ông Lưu Vũ. Cái nhan đề “Chia nhau chiếc bánh dân chủ”, đọc lên đã thấy có ý mỉa mai. Theo tôi, những người ở trong nước trên đe dưới búa, bị kìm kẹp hết sức gắt gao, nếu họ chưa đoàn kết được với nhau, dù do hiểu lấm hay vì mổi người một quan điểm khác nhau, như ông Hiên đẵ trình bày: “Ông A muốn liên kết cả với những người gốc đảng viên, ông B lại không đồng tình” vấn đề này những người ỏ nước ngoài không nên phê phán nặng, rất là không có lợi.
Còn việc ông HIên nói về tin Ông Khuê ăn chặn tiền thì tôi nghĩ tin về ông Khuê cũng như ông Giang, là do bọn Văn hoá tư tưởng vc phịa ra để bôi nhọ 2006-05-15 04: 37: 15 Lưu Vong trên quê nhà, Thành hồ Xin mời ông Luu Vũ cùng về VN hiệp lực đấu tranh cùng các NHÀ DÂN CHỦ để chia cái bánh vẻ như ông mơ tưởng!!»” ! Sự vô ơn của Lưu Vũ thật rõ nét! Hãy tạ tội đi ông Lưu Vũ ạ. Rất tán đồng ý kiến của nhà văn chống độc tài VŨ THƯ HIÊN. 2006-05-15 05: 15: 15 Trung Kiên, Vn, thành Hồ Đúng như ông V. T. Hiên nhận xét, đọc lại kỹ toàn bài của ông Lưu Vũ tôi thấy toát lên một ý thức xây dựng rất cần thiết trước những lủng củng mất đoàn kết hiện nay trong PTDC. Thậm chí một Tuyên ngôn như vậy mà cho đến nay hơn 1 tháng rồi vẫn chưa không hề thấy tên những người đã trung kiên chống lại chế độ độc tài Hà Nội như Nguyễn Thanh Giang, TD Bảo Cự, Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Mai Thái Lĩnh, Dương Thu Hương, vân vân. Có một cái gì đó chưa ổn lắm, nhưng điều mà ông VTH đã phân tích làm chúng ta nhẹ nhõm hẵn và tin tưởng hơn ở phong trào chung. Bài viết của ông Lưu Vũ, theo tôi cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh trước một tình thế “loạn Tuyên Ngôn “có thể xảy ra. Cả bài viết của Lưu Vũ không có chỗ nào đề cập đến “miếng bánh” cả. Nhà văn VTH đã rất khách quan khi chê bài tên của bài viết. Tôi cho rằng thâm ý của Lưu Vũ là nói về chuyện đôi co nhau giữa một vài người trong việc giành “bản quyền” tuyên ngôn, chính bản, phó bản, công bố trước, công bố sau… - chữ “nhà dân chủ Lớn” chắc chắn gắn cho hiện tượng này. Một người có trình độ như ông Lưu Vũ không thế nào nói đến “cái bánh” mà nó chưa có. Đây là sự mỉa mai cho cái việc ai cũng muốn công mình nhiều nhất, “lớn” nhất, được mọi người biết đến nhiều nhất. Ông Lưu Vũ hay Trần Trung Việt cũng như cả ban biên tập DCV là những người dũng cảm, dám nói. Rất đáng được hoan nghênh. Còn về biện pháp, như ông VTH đã nói, nên rút kinh nghiệm. 2006-05-15 01: 55: 54 S-37, Adelaide, Ozland Bài viết của nhà văn Vũ Thư Hiên có lý luận thật xác đáng, lập trường rõ ràng và vững vàng quả là người đã từng trực tiếp nếm mùi CS. Chúng ta không mong chế độ hiện nay tự rời bỏ quyền lực nhưng cá nhân tôi vẫn có đôi chút hy vọng vào cái nhân bản của con người: Hy vọng ở chỗ những cán bộ/nhân viên thừa hành trong bộ máy chính quyền: công an, an ninh vvv khi có phải thừa hành lệnh trên đàn áp anh em dân chủ đối kháng, làm gì thì làm, cũng nên nhìn vào lương tâm của chính mình. Kinh nghiệm cá nhân tôi khi ở VN nhiều khi tiếp xúc với cán bộ công an (cấp thấp) thì cũng thấy nhiều người họ còn có tình người, đơn giản ở chỗ, phần lớn cũng như anh em chú bác của mỗi chúng ta thôi, do điều kiện cuộc sống đi vào nghành công an và phải làm theo guồng máy độc tài. Mong nước ta sớm có cải cách dân chủ để công an, cảnh sát thực sự được coi là lực lượng phục vụ và bảo vệ nhân dân, được dân quý mến. 2006-05-15 02: 31: 43 Chau anh Chuong, California, USA Bai phan tich cua ong VU THU HIEN that la chuan xac. Mong rang nhung nha tranh dau cho DAN CHU cung nhu moi nguoi co long voi dat nuoc, nen co cai tam vi tha, dung de y den viec nho, ma hay nghi den viec lon la lam the nao de doan ket, xoa bo di biet de lam sao cho dan VIET duoc tho khong khi tu do nhu dai da so cac dan toc khac tren the gioi. Mong rang cac tu tuong cua ong VU THU HIEN co tac dong manh tren lanh vuc dau tranh. Kinh chuc ong VU THU HIEN co day du suc khoe de thuc hien duoc nhung dieu ong hang mo uoc. Tran trong kinh chao ong. 2006-05-15 18: 09: 51 Ong Gia Ba Tri, Ben Tre Thân mến gởi: Phù Đổng Thiên Vương (Pháp) và Châu Anh Chương CA. USA Thưa 2 bạn, Vừa mới đây, trên diễn đàn có xuất hiện 1 người tên Tommy (Texas. USA). Cái anh nầy lập lờ “đánh lận con đen” Cái vỏ mỏng bên ngoài là quốc gia, cái ruột bên trong là…. chắc các bạn đã biết anh ta là ai rồi. Già Ba Tri đề nghị anh em ta hãy sốt sắng, tích cực tham gia tranh luận bằng mọi phương tiện, mọi cách, mọi nơi để làm sáng tỏ quan điểm lập trường của chúng ta. Thân mến Ông Già Ba Tri 2006-05-15 03: 39: 24 Lãng Tử, ĐBSCL VN Cám ơn bạn Vũ Thư Hiên đã nói lên được những điều mà số đông anh em trong cũng như ngoài nước mong muốn và đồng tình. Lãng Tử xin gởi đến anh và tất cả anh em trong ĐCV một bài thơ. GỬI CÙNG AI
Bạn Bắc tôi Nam chẳng biết nhau,
Cũng một màu da khác chi nào.
Cũng lắm gian nan bao tù tội,
Cũng đời trôi nổi khác chi nhau?
Khác chi nhau chung một niềm đau,
Hơn sáu mươi năm bao lệ trào.
Hơn nưả đời người sao hoang phí,
Càng tôi càng luyện chí thanh cao.
Chí thanh cao hào khí Rồng Tiên,
Uy thiêng un đúc khắp ba miền.
Xoay chuyển thế cơ liên kết lại,
Hùng Vương trăm họ phải hoàn nguyên.
Phải hoàn nguyên tranh thủ dân quyền,
Bắc Nam lương giáo xoá tình riêng.
Tự tình dân tộc nguyền vẹn giử,
Thống nhất một lòng sự định yên.
Sự định yên tình nghiã đồng bào,
Liệu liệu lo lo bớt máu đào.
Trọn vẹn đượm màu tình dân tộc,
Gìn giử sao chớ nhuộm máu đào.
Nhuộm máu đào ruột thắt lòng đau,
Thế hệ qua rồi chẳng đủ sao?
Kiên trinh bền chí nào lùi bước,
Phất cờ dân chủ lướt vượt cao.
Lứơt vượt cao vùng vẩy trời Đông,
Đất nước cha ông giống Lạc Hồng.
Núi xương sông máu công khai mở,
Muôn thưở Hoàng Sa khắc chạm lòng.
Khắc chạm lòng khóc hận Nam Quan,
Trời Nam riêng cõi điểm rõ ràng.
Mong đợi ngày kia trông tạn mặt,
Cờ reo trống giục khúc trùng hoan.
Khúc trùng hoan hoà sóng Trường Sa,
Trổi giọng hùng phong luà khí tà.
Xua loài khấu tặc ra biên ải,
Đọc tiếp ý kiến này… 2006-05-15 04: 29: 47 Phan Đức, Sydney, Australia Tôi hoàn toàn tán thành ý kiến phê phán của nhà văn Vũ Thư Hiên. Trước đây, khi góp ý về bản Tuyên Ngôn, tôi cũng đã nói ra sự bất mãn khi Lưu Vũ đưa ra tấm hình có ý nhạo báng các nhà tranh đấu dân chủ bằng một tấm cạc không giống ai. Khuôn mặt gì như mặt khỉ! Bố láo đến thế là cùng! 2006-05-15 05: 43: 36 PHẠM VĂN ĐIỆp
CHLB Nga Kính thưa ông Vũ thư Hiên Tôi đồng ý với ông Vũ thư Hiên và rất tâm dắc với câu nói của ông: “Tất cả những gì ông Kết nói trong bức thư đều có thật, theo chỗ tôi được biết, nhưng bức thư không có sức thuyết phục đối với những người quan tâm”. Đây là nỗi đau đớn, phũ phàng, và vô ly của một thói quen đang tồn tại trong đa số người Vietnam. Người quan tâm mà không để tâm đến điều có thật. Thế mà gọi là người quan tâm. Chẳng lẽ chỉ có sự giả dối, lưu manh. hào nhoáng của của Lý Thông mới có sức thuyết phục đối với người quan tâm? ? ? ? ? ? ? ? ? ? ? ? ? ? ? Nghĩ đời mà ngán cho đời
Thật thà chịu báng, gian thời tôn vinh
Người trung thì đứng một mình
Kẻ nịnh xúm xít đồng tình đủ đông.
Bao giờ mới được yên lòng? ? ? ? ? ? ? ? ?
Trân trọng Phạm văn Điệp 2006-05-15 06: 05: 11 hd, dublin usa.. Tuy chi moi lan dau doc bai ong viet, toi phai cong nhan tac gia la nguoi sang suot. Bai nay co gia tri rat cao cho trao luu dan chu hien tai. Toi rat yen tam vi chung ta dang co nhung chien huu nhu ong. Cam on tac gia va DCV ve su dong gop to lon cua quy vi trong cong cuoc dau tranh chung cho to quoc VN. 2006-05-15 06: 46: 49 Lâm Vũ, Australia Tôi xin đồng tình với tất cả những nhận định của nhà văn Vũ Thư Hiên. Chỉ riêng về nhận xét về bài “Miếng bánh dân chủ.. “. (? ) của anh Lưu Vũ thì tôi xin có thêm một y kiến như sau. Ngoài sự mất thiện cảm với những tước hiệu được dùng trước những tên người ký (mà tôi cũng cho rằng đa số là thừa thãi và không đúng cách: “linh mục” là một “tước” thì để đàng trước tên thì đúng, nhung “kỹ su*”, “nhà văn” là một nghề thì chi nên để ở đàng sau), anh Lưu Vũ có vẻ lo sợ có sự hiện diện của một vài người không thành phải là “một trăm phần trăm” vì dân chủ tự do mà tranh đấu! Câu hỏi đặt ra là: nếu một người tham gia ký tên vào bản tuyên ngôn dân chủ, chỉ có 50% vì dân chủ, còn 50% vì cá nhân mình (thích đưọc nổi, hy vọng mai đây khi đất nước có dân chủ thì có cơ hội tham gia vào quyền bình chẳng hạn) thì sự tham gia ký tên biểu dương sự đồng tình đó có hại gì cho phong trào dân chu không? Câu trả lời của tôi hoàn toàn rõ ràng là KHÔNG HẠI gÌ CẢ, vẫn có lợi như thường! Chúng ta vẫn thường có lối suy nghĩ “lý tưởng” là một “nhà cách mạng” (hay “nhà dân chủ”) thì phải hoàn toàn hy sinh bản thân, tất cả chỉ vì dân vi nước. Đi chân đất (hay nhiều lắm là.. dép râu), nằm nhà sàn (dù mình làm chủ.. Bắc Bộ Phủ), không được có gia đình vợ con (dù thực tế lúc nào cũng có hàng tá gái đẹp hầu hạ) v. v. Lối suy nghĩ như vậy không thực tế, hoặc ít nhất không hợp thời nữa rồi, chỉ tổ để cho những tay “cáo già” chính trị lừa bịp mà thôi! Huống hồ chi, trong một xã Đọc tiếp ý kiến này… 2006-05-15 07: 42: 56 Đặng Ngọc Thanh, Darwin - Australia 1. Tôi đã đọc hết bài của nhà văn Vũ Thư Hiên. Tôi cũng đã đọc hết tất cả các ý kiên của các Bạn. Thật tuyệt vời…. Ôi sung sướng và đầy hy vọng! . Xin Ơn Trên ban phúc cho nước Việt chúng con. ! 2. Tôi thích nhất (đây là lần thứ 2) bài thơ của Lãng Tử (Đồng Bằng Sông Cửu Long), và có một ý tưởng ngộ nghĩnh vui vui: Sau nầy nếu nước ta có dân chủ, Lãng Tử sẽ ra một tờ báo toàn về thơ không thôi. Lúc đó đọc mới đã. 2006-05-15 07: 45: 04 Ngo-An, paris Tôi đồng ý với ông VTH ở chổ “Chuyện đã rồi là chuyện đã rồi”, chúng ta không cần tìm hiểu tại sao, vì đâu có hai bản Tuyên Ngôn (thật ra chỉ có 1 bản TN và 1 lời kêu gọi đại đoàn kết vì 1 nền dân chủ thực sự cho VN). Sự ra đời của (2) bản TN trước sau 1 tuần do những tình cờ đưa đến đã gây ra rất nhiều tranh cãi, giả dụ như bản TN (hay lời kêu gọi) của ông Trần Khuê xuất hiện sau bản TN 8406 một tháng hoặc 1 năm thì tôi nghĩ sẽ không có nhiều tranh cãi, bởi vì bất cứ một tổ chức, đoàn thể nào cũng có quyền có lời kêu gọi hay TN cho tổ chức họ cả. Làm gì có nạn tranh dành kêu gọi Dân Chủ hay loạn Tuyên Ngôn? ? ? ? Riêng tôi, tôi ủng hộ tất cả mọi TN hay lời kêu gọi, mỗi bản TN hay lời kêu gọi Dân Chủ đều là những ngọn gió nhỏ góp thành cơn bảo lớn cả. Tôi nghĩ là ông VTH biết rất rõ về quá trình hình thành của bản TN 8406 này, bản ra mắt chính thức khác với bản thảo đầu tiên như thế nào và những điều xảy ra đằng sau bức màn nhung của bản TN đó, nhưng ông đã không nói lên hết những điều ông biết và ông nghĩ, tôi hiểu cho cái sự tế nhị bất đắc dĩ của ông! Trong bài viết của ông VTH có đề cập đến bài “Tranh nhau miếng bánh Nhà Dân Chủ Lớn” của Lưu Vũ nên tôi cũng xin mạn phép góp ý đôi điều. Một số hội đoàn ở hải ngoại đều lấy những cái tên như “Cộng Đồng người Việt tị nạn CS tại A, B, C...”, “Mạng Lưới E, D, F…. “. “Tổ Chức G, H, I…” vv…. và…. vv…. Mặc dù hội đoàn đó hay tổ chức đó chẳng đại diện cho tất cả người Việt nơi đó vì… Đọc tiếp ý kiến này… 2006-05-15 07: 55: 38 GÓP Ý KIẾN TRONG BÀI NẦY BAN TUYÊN NGÔN’ Phong trào về bản “TNTDDC” nầy sẻ mang đến một ý nghỉa rộng lớn cho toàn dân cả nước sẻ ủng hộ, phải có nhiều tổ chức cạnh tranh cùng một sự đấu tranh chung một ý nghỉa cũa “bản tuyên ngôn” trên đã phổ biến rộng trong nước là ở hải ngoại được đón nhận tin nầy trong tương lai sẻ được thay đổi, Tất cả những suy luận hy vọng nó sẻ không mang đến để mất đi niềm tin. Chúng ta hảy nghỉ rằng sự đấu tranh còn đang là phía trước, trong nội bộ có điều gì không ổn đó cũng là gặp khó khăn rồi sẻ khắc phục được. Điều mà chúng ta nghỉ đến tranh giành nhau thì sẻ mang đến mau thành công hơn. Kính chào đến nhà văn Vũ Thư Hiên và DCV cùng tất cả các bạn 2006-05-15 08: 34: 38 hd, dublin usa Toi vua doc them ve tac gia VTH va duoc biet ong la nha van noi tieng voi tac pham “Dem Giua Ban Ngay” noi ve tham cung bi su cua trieu dai HochiMinh va toi se co tim doc quyen sach nay de biet them ve su that. 2006-05-15 08: 51: 17 Lâm Hồng Việt, Việt Nam -thành phố Nam định CHIM KHÔN NGHE TIẾNG BIẾT NGAY… Tôi chỉ là người dân bình dị, đã và đang sống trong lòng chế độ CSVN, tôi theo dõi cuộc đấu tranh cho Việt Nam phải có DÂN CHỦ thực sự rất đều đặn và khá lâu rồi. Tôi chờ đợi va nghe ngóng. Tôi rất mừng vì “Cái gì phải đến cũng đã đến”. PTDC VN sẽ phat triên nhanh, vì trong lòng ngay cả những chiến sỹ CAND của Nhà nước CSVN cũng có rất nhiều sự phân hoá. Chẳng qua họ phải làm việc theo lệnh để tồn tại và chờ thời. Chứ ngay trong ngành CA cũng nhiều mâu thuẫn, bất bình lắm… Tôi đã nói chuyện trực tiếp, chụp ảnh kỷ niệm với ông Trần Khuê, cũng đã đọc cả cuốn sách dầy của ông Nguyễn Thanh Giang, va nhiều bài viết của cac nhà DÂN CHỦ va BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN khác, Nhưng dân mình lại thích nghe nói thật giản dị, cụ thể dễ hiểu như kiểu NÓI TOẠC MÓNG HEO mà trung tá Trần Anh Kim gần đây nói trên mạng mấy bài rồi. Dân Việt Nam cần hiểu để tự giác hành động thì mọi cuộc CM lớn mới thầnh công.Bao giờ mới được yên lòng? ? ? ? ? ? ? ? ?
Xin cam ơn ông Vũ Tư Hiên, cảm ơn DAN CHIM VIỆT, về bài P/v rất hay này. 2006-05-15 09: 34: 01 Thanh, Hà Nội Dân chủ và tự do là quyền căn bản của con người. Nhân dân VN đã bị đảng Cộng Sản VN tước đi những quyền căn bản của con người và với những trò lộng ngôn xảo trá, Đảng CSVN đã biến nhân dân VN thành những nô lệ, hay tệ hơn là những con vật chỉ biết một điều là tuân lệnh Đảng. Nhân dân VN từ hơn 60 năm qua đẫ không có quyền tự do bầu cử để bầu lên người đại diện mình trong chính quyền, các cuộc bầu cử chỉ là “Đảng cử dân bầu”, bịp bợm, không có quyền tự do báo chí để nhân dân có thể nói lên tiếng nói trung thực của mình. Cũng giống như các đảng CS khác, CSVN cai trị nhân dân một cách độc tài, hà khắc còn hơn cả thực dân phong kiến khi xưa. Sau khi Liên Sô - thành trì của CS - sụp đổ, CSVN đã hoàn toàn dựa theo Trung Quốc, kể cả việc nhượng đất, nhượng biển cho Trung Quốc để củng cố cho sự tồn tại của chúng. Những cán bộ cộng sản cao cấp hiện nay ở VN đã và đang hiện mình như nhưng con ròi đỏ, đang đục khoét tài nguyên quốc gia để làm giàu cho bản thân chúng, cho gia đình và phe cánh của chúng. Nhân dân đại đa số rất nghèo khổ, còn bọn chúng, những tên CS gộc thì sài tiền như nước, đua con đi ngoại quốc du học, mua tài sản và dấu tiền của mà bọn chúng vơ vét được. Chúng cố gắng đàn áp các phong trào dân chủ để báo vệ các quyền lợi và địa vị bất chính của chúng, nhưng VN và 3 nước CS còn lại trên thế giới sẽ bị tan rã một ngày gần đây vì ngày nay ý thức dân chủ của nhân dân VN đang lên… Đọc tiếp ý kiến này… 2006-05-15 11: 09: 43 trananam, usa Cái anh chàng lấy tên Viêt Phạp này chính thị là công an mạng. Được ăn lương hạng bét mà bưng bợ chủ nghĩa lỗi thời cộng khỉ thì thật tối ngu. Việt cộng bây giờ tham nhũng quá nhiều, tiền ăn cướp đầy túi quá, bày ra cái trò cho đảng viên làm kinh tế. Đây là một hình thức Rửa tiền kiểu mới. Số tiền tham nhũng đem lập cộng ty để hợp thức hoá. Việt Pháp biết chưa?
Nghe cái câu 'kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa “nó hơi hướng mùi mắm tôm Nghệ an (! ) 2006-05-15 12: 11: 42 Kinh Kha, Cali Rất tâm đắc với những ý kiến của NV Vũ Thư Hiên, đồng thời cũng hoan nghênh tinh thần truyền thông của BBT DCVOnline: Mổ xẻ mọi vấn đề và tôn trọng quyền tự do ngôn luận.
Tôi nghe một vài lời than: DCV lúc nầy đã thay đổi, không chống Cộng như xưa, hoặc vỏ đoán hơn: đã lộ mặt tuyên truyền cho CS. vân vân. Đấu tranh với độc tài là đấu tranh cho một xã hội dân chủ tự do, trong đó có quyền được ăn nói, quyền chọn lựa. Quyền ăn nói phải đi đôi với việc trách nhiệm người nói. Người khác có quyền nói, mình cũng có quyền chọn lựa: đọc hay không đọc. Không hợp ý mình không có nghĩa người ta làm chưa đúng. Ăn pizza không nên đòi hỏi phải có nước mắm. Tốt nhất nên tập nhiều kiểu ăn. Theo suy nghĩ của tôi, tuyên ngôn dân chủ vừa thừa vừa thiếu. Thừa một tuyên ngôn, tức là nên chỉ có một và cần có tất cả những chữ ký các nhà dân chủ mọi người biết tiếng. Các nhà dân chủ sẽ biết cách đoàn kết để tồn tại trước đàn áp của chính quyền, thay vì mất thời giờ vào những tranh cãi nội bộ chưa cần có trong thời điểm nầy. 2006-05-15 14: 06: 31 ngưoi săn tin, Nhatrang Chúng tôi là một số người dân yêu chuộng tự do dân chủ Vietnam xin trình bày sự việc và quan điểm của mình qua sự việc của hai bản tuyên ngôn. Chúng tôi khẳng định linh mục Nguyễn văn Lý là một người cơ hội, không chính ngôn và có ý thức độc tài và hãm hại người lành. Linh mục Lý mặc dù có thành tích trong công cuộc đòi tự do dân chủ cho Vietnam nhưng chỉ qua sự việc giành quyền tuyên bố bản Tuyên ngôn tự do dân chủ vietnam 2006 của 118 nhà đấu tranh cho tự do dân chủ trong nước. Các kết luận về các hành vi của linh mục Nguyễn văn Lý được dựa trên các thực tiễn sau đây: 1. Ngày 16-4-2006 lời minh định của Linh mục NV Lý là một văn bản phủ nhận vai trò tích cực của PTDC VN, ngang nhiên gọi tuyên ngôn khác là dạng lá cải, tiếp tay cho chính quyền CS. Mà chính linh mục biết ngoài Tuyen ngôn Danchủ 2006 ra thì không có bản nào khác để phục vụ cho khái niệm rừng tuyên ngôn. Thực tế đến nay không hề có chuyện này. Trước sự nhường nhịn cho mục đích đoàn kết của các nhà dân chủ trong nước, linh mục NV Lý đã công kích PTDC VN. Cang ngày càng thể hiện cái tính tự cao tự đại, không biết khiêm cung, tính ông tướng, óc lãnh tụ, lúc hăng máu vịt lên, không còn thấy cái đại đồng ở đâu nữa, chỉ thấy có cái tiểu dị lồ lộ. Từ chỗ thích làm ông tướng đi đến chỗ chia rẽ, công kích nhau, chửi bới nhau, tự quyền loại nhau ra khỏi hàng ngũ, chẳng phải là bước dài lắm. 2. Hành trình ra đời của bản TUYÊN NGÔN DÂN CHỦ VIETNAM 2006 của anh Đỗ nam Hải biên soạn thảo đến ngày 7 thang Tư 2006 là một quá trình tập hợp các ý tưởng xuất phát từ bản phác thảo của Hoàng Minh Chính, cuộc đi từ Sài Gòn ra Hà Nội của Trần Khuê và Phương Nam để nghe ý kiến của anh em dân chủ ở Hà Nội, đến bản thảo đầu tiên của Phương Nam được gửi đi để anh em hai miền Trung và Nam đóng góp thêm. Chính thức bản thảo chỉ được xong lúc 9 giờ ngày 7 tháng Tư 2006. và anh Đỗ nam Hải mới gửi đi xin ý kiến đóng góp thêm. Mục đích của anh Hải là hy vọng mọi ngưoi sẽ có ý kiến đóng góp phản hồi của các nhà dân chủ trong thời gian vài ngày để mọi người có thời gian suy nghĩ chín chắn để đóng góp ý kiến. Nếu anh Hải đã suy nghĩ cả tháng trời mới xong phần dự thảo thì người khác (các nhà dân chủ) kể từ lúc nhận đến lúc kiểm tra lại các ý và suy nghĩ bổ xung theo khả năng của mình thì cũng mất một vài ngày. Nhưng điều chắc chắn là anh ĐN Hải gửi bản thảo với hy vọng là mọi người sẽ có ý kiến đóng góp trực tiếp với anh Hải để một lần nữa anh Hải chắp bút lại thành bản TUYÊN NGÔN DÂN CHỦ VIETNAM 2006. Anh Hải yên tâm để cho CA bắt vì tin chắc bước một anh đã hoàn thành, mọi người đang tiếp tục nghiên cứu bản thảo. Trong khi những nhà dân chủ khác đang nghiền ngẫm cho kỹ bản thảo để góp ý kiến thì Linh mục Nguyễn văn Lý đã tự ý sửa đổi, thay đổi ba chi tiết quan trọng của anh Đỗ nam Hải (sau này quan điểm này trùng hợp với quan điểm trong bài kêu gọi của PTDC VN do ông Trần Khuê soạn thảo) để cho lên nét theo ý mình. Khi anh ĐN Hải bị câu lưu ở CA 30 giờ, linh mục NV Lý đã không tôn trọng thiện ý của anh ĐN Hải là ngưoi có quyền thu các ý kiến đóng góp và duyệt lần cuối để viết hoàn thiện ra bản tuyên ngôn. Lý do vội vàng trong vòng 24 giờ vì anh Đỗ nam Hải không biết nội dung mới bài của Linhmục Lý là bẵng chứng cụ thể là bản tuyên ngôn 8406 không theo ý của anh ĐN Hải. Cha lý không có cơ sở gì để nói là anh Đỗ nam Hải đồng ý với nội dung bản tuyên ngôn 8406 nên càng không thể nói là người ký tên đã được thông qua hoặc đã thống nhất gì đó với các nhà dân chủ khác. Các nhà dân chủ khác nếu có góp ý cho bản thảo thì đúng ra là họ phải có trách nhiệm gửi bản góp ý cho anh Hải. chứ không thể gửi vu vơ đi nới khác, kể cả gửi cho linh mục NVLý. Trông tuyên ngôn 8406 có mấy ý chính của anh Hải bị xóa a) tên bản tuyên ngôn là TUYÊN NGÔN DANCHỦ VIETNAM 2006. nó có ý bao gồm cho toàn thể tinh thần của các nhà dân chủ của trong và ngoài nứớc. một cái tên ngắn nhưng có ý nghĩa rộng. Nếu tuyên ngôn hoàn thiện thì nó được đọc ngay trong nước, đó là một thành công vô cùng có ý nghĩa cho phong trào dân chủ. Trong cái lớn lao đó, linh mục Nguyền văn Lý không nhận ta đã tự ý sửa đổi tên đó thành TUYÊN NGÔN TỰ DO DÂN CHỦ VIETNAM 2006 CỦA 118 NHÀ ĐẤU TRANH DÂN CHỦ QUỐC NỘI VIETNAM, một cái tên dài mà ý lại ngắn, nó tước đi cái sức mạnh tổng hợp của hàng triệu người đang đấu tranh cho dân chủ qua cái con số 118 và trình tự hình thành đáng lẽ cần có để chứng nhận cho tâm huyết của mọi người đều có đóng góp cho một bản tuyên ngôn lịch sử khởi đầu. Tại thời điểm đó nếu không phải vội vã chụp giật thì đã có hàng trăm người ủng hộ từ tất cả các thành phần khác nhau trong Vietnam và hàng ngàn người đang ở hải ngoại. Trong trường hợp này anh Đỗ nam Hải không có ý định đem số lượng chữ ký làm chi tiết cho TUYÊN NGÔN DÂN CHỦ VIETNAM 2006. Đó là sự khác biệt thứ nhất. b) Anh Đỗ nam Hải viết trong bản tuyên ngôn có ý mà ông Trần Khuê cũng dùng cho bản tuyên ngôn (lời kêu gọi đoàn kết) liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến mệnh đề cảnh báo cho mọi người: CNCS, CNXH sụp đổ vì họ theo mot&. chủ thuyết Macle sai. Cho nên ai đó nhanh ý là hiểu ngay là để xã hội và chế độ không bị sụp đổ thì phải bỏ ngay lập tức cái chủ thuyết Maclenin sai trái đó. Ca^u đó được viết qua lời của anh H ải trong bản thảo và của PTDC VN trong lời kêu gọi. Cái quan điểm tiến bộ này nó khác hẳn với quan điểm của linh mục Nguyễn văn Lý đang cho rằng: chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản không sai về lý tưởng. Câu này được Linh mục Nguyễn văn Lý nói lại ngày 13-5-2006 trên diễn đàn Pal talk quốc tế cho hàng ngàn người nghe. Anh Hải và PTDC VN thì cho rằng chủ nghĩa CS là sai và phải loại bỏ nó ra khỏi đầu, không thể công nhận là lý tưởng đúng như Linh mục NV Lý. Cho nên quan điểm nói về lý tưởng là trái hẳn nên linh mục Nguyễn văn Lý cho rằng anh Hải đồng ý vứt bỏ thể hiện lý tưởng của mình trong một bài tuyên ngôn quan trọng là không có cơ sở, lúc đó anh Hải đang bị công an câu lưu. Linh mục Nguyễn văn Lý không thể giải thích để anh Hải hiểu để từ bỏ lý tưởng để công nhận cùng linh mục NV Lý. Đây là sự không đồng thuận thứ hai. c) Việc công bố bản tuyên ngôn DÂNCHỦ VIETNAM 2006 (sau khi hoàn thiện) để tiến tới một bản tuyên ngôn chung cho phong trào dân chủ Vietnam là ý nguyện của anh Hải và những người gửi gắm tâm huyết cùng anh với các nhân vật cụ thể từ bản phác thảo của Hoàng Minh Chính, cuộc đi từ Sài Gòn ra Hà Nội của Trần Khuê và Phương Nam để nghe ý kiến của anh em dân chủ ở Hà Nội, đến bản thảo đầu tiên của Phương Nam. Trong đó không hề có tâm huyết của linh mục Nguyễn văn Lý. Chính linh mục N V Lý đã tách không cùng chung với các công việc của PTDC VN mà ông Hoang Minh Chính tổ chức từ cuối năm 2005 (qua lời minh địng của L: M ngày 16-4-2006) nên dĩ nhiên TUYÊN NGÔN DÂN CHỦ VIETNAM 2006 anh Hải soan phải trả về cho chủ phát minh của nó là ông Hoang Minh Chính hoặc hai đại diện trong và ngoài nước của ông nếu anh Hải không có cơ hội nhận lại công việc hoàn thành vào giờ phút chót. Linh mục Nguyễn văn Lý phải đóng góp ý kiến cho chủ biên soạn là anh Đỗ nam Hải hhoặc những người thuộc sự sắp đặt của ông HMC. Nhưng linh mục không làm điều đó đã tự ý sửa đổi mà không báo lại cho những ngưỡi liên quan mà đưa lên mạng, tiền trảm hậu tấu trong khi những ý kiến đóng góp của các nhà dân chủ khác chưa được tập hợp để hoàn thiện cho TUYÊN NGÔN DANCHỦ VIETNAM 2006. Không những thế ý đồ cho một bản tuyên ngôn 8406 là duy nhất nên linh mục đã thẳng tay gạch vứt ngay ý nguyện sẽ có một tuyên ngôn chung mà anh Hải và mọi người mong muốn sau này. Đó là sự không đồng thuận thứ ba. Với ba điều không đồng thuận trên Linh mục NV Lý không thể mựon danh người gần gũi nhất và có trách nhiệm nhất với bản tuyên ngôn là anh Đỗ nam hải để cho rằng khi Bản TN 8406 là đã đồng ý. Còn bao nhiêu người khác chưa kịp góp ý thì sự việc đã rồi. Khi cho lên Internét là coi như không thể sửa lại được, Cha Lý hiểu được điều này nhưng vì tham danh, tham tiếng mà bây giờ để lại một hậu quả vô cùng to lớn. Có một thông tin cho biết sau khi ổn định nhân sự trong chính phủ Vietnam, chính quyền sẽ có cớ đàn áp tất cả các nhà đấu tranh cho dân chủ Vietnam ĐÃ KÝ TÊN vào bản tuyên ngôn 8604 vì chính trong bản tuyên ngôn có một lời nhận định Thực trạng của Việt Nam 1- Trong cuộc Cách mạng tháng 8-1945, sự lựa chọn của toàn Dân tộc ta là Độc lập Dân tộc, chứ không phải là chủ nghĩa xã hội. Bản Tuyên Ngôn Độc Lập ngày 2-9-1945 chẳng nhắc đến một từ nào về chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản cả. Hai nguyên nhân chính làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng ấy là Khát vọng Độc lập Dân tộc và Khoảng trống quyền lực lúc bấy giờ ở Việt Nam (quân Nhật đã đầu hàng phe Đồng minh ngày 15-8-1945 và thực dân Pháp đã bị quân Nhật đảo chính cướp quyền từ ngày 9-3-1945) là một nhận định bôi nhọ lịch sử, hạ thấp vai trò và công lao của nhân dân và tổ chức Vietminh. Việc nhân dân và tổ chức Vietminh không chấp nhận hợp tác với chính phủ Trần trọng Kim (chinh phủ tay sai tiếp tay cho phatxit Nhật tạo ra vụ đói chết hàng triệu người) là một việc chính đáng. Tổ chức giành chính quyền là một quá trình đầy gian khổ và hy sinh của toàn dân tộc. Đây là cái cớ để sau này họ xét sử linh mục Nguyễn văn Lý và những người cùng với ông khi không tôn trọng lịch sử và dân tộc VN. Không những thế mà chính linh mục Nguyen van Lý còn thể hiên tính cách độc quyền, tư tưởng độc tài, bá vương khi linh mục nói với mọi người ngày 13-5-2006 rằng: linh mục có quyền tự ý không cần phải tham khảo bất cứ ý kiến của ai (tự nhận trách nhiệm với lịch sử) để gạch tên bất cứ ai nếu ai đó có biểu hiện không trung thành với bản tuyên ngôn 8406. Đây là một lời tuyên bố đầy tính độc tài và chúng tôi rut ra kết luận:
Trước khi chính quyền cộng sản tổ chức đàn áp vì liên quan đến bôi nhọ lịch sử, công lao của nhân dân. Chúng tôi kính mong mọi người hãy quan tâm tổ chức lại cơ cấu và phương thức duy trì phong trào trước khi bị đàn áp, tránh tan vỡ hoàn toàn mà rất lâu khôi phục lai. Một sai phạm nhỏ cũng phải uốn nắn kịp thời vì đối với một cá nhân là một sai phạm nhỏ, nhưng đối với một dân tộc trên 83 triệu người nó lại là lớn vô cùng. Một con mèo đánh vỡ một lọ hoa trong nhà chỉ thiệt hại vài đồng tiền lẻ, nhưng không đem ra ánh sáng làm bài học thì nó sẽ dạy cho toàn xã hội một bài học dối trá. Đó là một tai hại vô cùng cho dân tộc. Từ đó chúng tôi cũng đề nghị các quý đại trượng phu hãy kêu gọi các nhà dấn thân cho tự do dan chủ tinh thần công khai minh bạch trong tất cả các hành động để làm gương cho toàn nhân dân soi thấy. Cộng sản hoạt động bí mật đã làm cho nhân dân nhầm tin vào các hành động và bản chất, mục đích của họ thì ngày nay, bài học này không nên lặp lại. Nhân dân cần những người chính ngôn, thẳng thắn và can đảm trước mọi tình huống trong đất nước. Đó cũng tạo cho nhân dân kiểm chứng các hành vi chuẩn mực của các nhà dân chủ để họ chọn măt. gửi vàng mà không bị nhầm lẫn trong tương lai.. Vài lời tâm huyết kính gửi đến các đai, trượng phu để hy vọng có sự xem xét thấu đáo và có biện pháp phù hợp. Kính chúc các đại trượng phu sức khỏe và thành công. Trân trọng 2006-05-15 14: 41: 41 Nguyễn Khánh Đăng, California, USA Thưa bạn ngưoi săn tin: Chúng tôi rất ngại phải đọc những lá thư nặc danh, không ghi tên và điạ chỉ người gởi, mà lại bàn những vấn đề nhạy cảm, liên quan tới uy tín và mạng sống cuả nhiều người, như lá thư này. Vấn đề chính, là sự khả tín cuả lá thư. Khi đánh giá sự khả tín cuả một bằng chứng, chúng tôi dưạ vào những yếu tố sau đâu:
- Người viết thực sự là người đáng được tin cẩn? - Đâu là bằng chứng những nhân vật trong lá thư đã thực sự tuyên bố, hay hành động như lá thư đã kỹ lưỡng tường thuật? - Đâu là bằng chứng, là người viết lá thư biết mọi dữ kiện, biết đến tận tâm trạng cuả những nhân vật được nhắc tới trong lá thư? - Đâu là bằng chứng, là người viết có một trí nhớ hoàn hảo, đã thực sự nhớ những chuyện xảy ra như đã viết xuống trong lá thư? Và chúng tôi thấy những dữ kiện bạn kể trong lá thư, hầu hết đều không đáng tin. Còn những ý kiến riêng cuả bạn, bênh vực ông này hay bài bác ông kia, thì hãy cứ để đấy. Chúng tôi chỉ nhận định về những dữ kiện bạn đưa ra. 2006-05-15 15: 52: 07 Nguyễn Minh Kha, Cali Gởi người săn tin, Nha Trang. Chuyện trục trặc chắc là chuyện nhỏ. Hiện nay, những người trong PTDC chịu tai vạ nhiều hơn quyền lợi. Nếu ai đó làm chuyện chưa đúng, họ sẽ tự chấn chỉnh lại đoàn kết để đẩy mạnh phong trào tiến lên. 2006-05-15 15: 18: 25 lt, us Nếu phải tìm người làm tiếng nói thay mặt cho đảng dân chủ thì chắc chắn phải chọn ông Vũ Thư Hiên. Lời phát biểu của ông trung thực, nhẹ nhàng và nhất là gây dựng lại niềm tin cho người nghe. Không biết bao nhiêu bản tuyên ngôn của các nước trên thế giới có được hơn vài chục chử ký, nói chi đến hơn 100 như bản tuyên ngôn 2006?
Là người lảnh đạo - hảy Lảnh Đạo. Quan trọng không ở bao nhiêu người ký, nhưng ở tính quyết tâm của một số người lảnh đạo và sự phát tán bản tuyên ngôn rộng rải trong quần chúng.
“Giá mà ở nước ta bây giờ có được thập nhị sứ quân dân chủ nhỉ? Thì rồi sẽ có một Đinh Bộ Lĩnh dân chủ thâu gồm họ lại, khỏi lo. Những sứ quân dân chủ có thể gây lộn với nhau, nhưng chỉ trong những cuộc chiến tranh nước bọt thôi, có gì đáng sợ. Dân chủ lủng củng vẫn còn hơn độc tài toàn trị không lủng củng, nó hơn hẳn, hơn không so sánh được”. Rất đúng. Câu này bộc lộ bản chất của dân chủ. Một sự tranh đua bất bạo động mà qua đó đưa ra một vài đảng phái giỏi nhất để người dân chọn lựa.