Sunday, March 23, 2008

Góp gió thành bão

Lê Duy Nhân

Bản “Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ” của nhóm 118 người (sau còn 116) trong nước ra mắt công luận ngày 8/04/2006 đã làm nô nức lòng người, trong cũng như ngoài nước. Bản Tuyên Ngôn vừa được đưa lên mạng (online) là được ngay sự ủng hộ nồng nhiệt của đông đảo đồng bào vì nó không những là biểu hiện của khát vọng tự do dân chủ mà còn là biểu hiệạn của ý chí quật cường. Có hiểu được sức mạnh tàn bạo của trấn áp chuyên chính vô sản mới hiểu được lòng dũng cảm vô biên của những người ký vào bản Tuyên Ngôn. Trong một xã hội được cai trị bằng bàn tay sắt máu thì nội việc nói lên sự thật cũng là một hành động nổi dậy. Bác sĩ Phạm Hồng Sơn chỉ dịch một tài liệu về dân chủ cũng đã bị chính quyền hành hạ điêu đứng.

Vậy cái gì đã đẩy lùi được sự sợ hãi? Khát vọng tự do dân chủ hay lòng căm phẫn về chế độ độc tài, tham nhũng, bất tài, thối nát?

Chúng ta đã nhiệt tình ủng hộ nguyện vọng tự do dân chủ của nhóm 116 người, không đắn đo, không cân nhắc là do phản ứng tự nhiên của lòng yêu công lý, là phản ứng của nhân đạo và nhất là phản ứng của tình tự dân tộc.

Bản Tuyên Ngôn không phải là một cương lĩnh chính trị của một tổ chức hay một đảng phái. Chính vì lẽ đó nó đã được đón nhận ngay lập tức giống như sự hưởng ứng một cuộc cách mạng tự phát. Người trong nước ủng hộ bản Tuyên Ngôn vì nó là tiếng nói của những người đồng hội đồng thuyền với họ, vì đó là chính tiếng nói của bản thân họ. Nó được sự ủng hộ của người Việt hải ngoại vì tình cảm “nhiễu điều phủ lấy giá gương” và cũng vì lòng yêu tự do dân chủ.

Vì nhóm 116 người không phải là một đảng phái hay một tổ chức nên nó có ưu điểm là mang tính quần chúng và phong trào quần chúng là một phong trào trong sáng, vô vị lợi chỉ có lý tưởng duy nhất là vì hạnh phúc của toàn thể chứ không phải vì lợi ích của một thiểu số. Do đó nó có chính nghĩa.

Dĩ nhiên chính quyền CS sẽ truy bức 116 người ký bản Tuyên Ngôn. Nhưng chính quyền CS khó có thể buộc cho Bản Tuyên Ngôn cái tội “âm mưu diễn biến hòa bình” do các thế lực thù địch ở nước ngoài sách động”. Khi đàn áp một tổ chức hay đảng phái đối lập chính trị, chính quyền Cộng Sản có thể dựa vào điều luật này điều luật nọ hay điều 4 Hiến Pháp để gán cho người ta cái tội “phản loạn”, tội chống Ðảng. Nhưng không có bộ luật nào, hiến pháp nào kể cả những nước mạn rợ nhất, lại cấm đoán tiếng nói của Tự Do Dân Chủ, hay bỏ tù những người chỉ có khát vọng Tự Do Dân Chủ. Bởi vậy khi đàn áp những người đã ký tên vào bản Tuyên Ngôn, chính quyền CSVN sẽ bị thế giới lên án nặng nề. Nếu bản Tuyên Ngôn do 116 người hay 1160 hay hàng trăm ngàn người ở hải ngoại ký thì chưa chắc nó đã được nhân dân trong và ngoài nước đón nhận một cách nồng nhiệt như vậy. Vì cuộc cách mạng dân chủ cho người trong nước phải xuất phát từ nơi dân chủ bị bóp nghẹt. Vì cuộc cách mạng dân chủ chỉ có thể xảy ra ở trong nước nên lực lượng chủ chốt của nó phải là người ở trong nước. Hễ rời khỏi “đất” là không còn thế lực vì kể cả người khổng lồ khi chân rời khỏi mặt đất là sức mạnh biến mất.

Ở hải ngoại chúng ta đã có hàng chục, hàng trăm tổ chức chính trị, nhưng đã trên 30 năm rồi mà vẫn chưa có một tổ chức nào tạo được một ngọn gió dân chủ trong nước dù chỉ là cơn gió nhẹ.

Nhưng một bản Tuyên Ngôn ra đời mà không được thực hiện thì chỉ như một cơn gió thoảng. Muốn biến nó thành hành động thì phải có một tổ chức vì không có tổ chức thì không có hành động. Tri Hành phải hợp nhất thì mới có cách mạng. Hành mà bất Tri thì giống như người đi trong bóng đêm. Tri mà không Hành thì giống như người nhìn thấy đường đi mà không có chân để bước. Vì thế phong trào Ðông Kinh Nghĩa Thục đã không là một lực lượng cách mạng. Vì thế đã hơn nửa thế kỷ rồi mà lý thuyết cách mạng của thiên tài Lý Ðông A vẫn chỉ là lý thuyết của Duy Dân.

Xây dựng được một tổ chức có khả năng thực hiện được nội dung của Bản Tuyên Ngôn là vấn đề của tất cả các nhà dân chủ ở trong và ngoài nước. Nhưng để đến được giai đoạn này thì chúng ta phải góp gió cho Bản Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ trở thành cơn bão Tự Do Dân Chủ.

Dĩ nhiên bản Tuyên Ngôn (của nhóm 116) không thể được coi là Chân Lý độc nhất. Vì không ai được độc quyền chân lý nên cũng không ai được độc quyền ra tuyên ngôn. Ðó là nguyên lý của Dân Chủ. Chỉ mong rằng những bất đồng chính kiến về Tự Do Dân Chủ không làm mất đoàn kết, không là cơn gió ngược chiều với cơn gió Dân Chủ mới được Bản Tuyên Ngôn thổi lên.

Houston, 4/2006

(*): Nhà báo Lê Duy Nhân là một bỉnh bút chính trị của Ngày Nay, hiện cư ngụ tại Houston

TRỞ VỀ
TRANG ĐẦU TIÊN



______________________________________________________