Tuesday, March 25, 2008

Hà Nội lần đầu tiên công nhận
sự hiện diện của Khối 8406

05-10-2006

Hôm nay lần đầu tiên, Việt Nam lên tiếng xác nhận có phong trào tranh đấu dân chủ trong nước, mang tên Khối 8406, nhưng tuyên bố không chấp nhận các họat động này.

Bộ Ngọai Giao Việt Nam tuyên bố với báo chí, rằng tự do ngôn luận được luật pháp Việt Nam cho phép nhưng việc lạm dụng quyền này để sách động quần chúng chống lại chính quyền là điều không thể chấp nhận được.

Theo chính quyền Việt Nam, trong thời gian gần đây một vài người đã lạm dụng tự do dân chủ để chống lại nhà nước và nhân dân Việt Nam.

Luật sư Nguyễn văn Đài, một nhà họat động cho Dân Chủ và Nhân Quyền tại Hà Nội cho biết có khoảng 2000 người đã ký vào bảng tuyên ngôn của phong trào Dân Chủ có tên gọi là Khối 8406 chỉ trong vòng vài ngày kêu gọi. Tuy nhiên, theo báo chí quốc tế, nguồn tin này chưa được kiểm chứng.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn dành cho Đài Á Châu Tự Do mới đây, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Marine, xác nhận ông có biết về hoạt động của phong trào dân chủ này. Ông Đại sứ Mỹ cho rằng: “Họ là những người dũng cảm, lên tiếng kêu gọi thay đổi chính trị. Tôi hy vọng trong tương lai, những người như vậy sẽ có một môi trường hoạt động rộng hơn ở Việt Nam, nhưng hiện giờ, môi trường hoạt động của họ vẫn đang bị kiềm chế”.

Khi được hỏi là, liệu việc làm của nhóm 8406 có được sự ủng hộ của Hoa Kỳ không? Đại sứ Michael Marine khẳng định: “Những điều họ kêu gọi như quyền tự do phát biểu, quyền được phê bình xây dựng với chính quyền, ngay cả quyền được chỉ trích chính phủ, quyền được tự do hội họp, đều là những quyền căn bản của con người, và luôn luôn được Hoa Kỳ ủng hộ. Chúng tôi ủng hộ các quyền làm người căn bản này cho nhân dân toàn thế giới, chứ không phải chỉ ở riêng Việt Nam”.

Trong những tháng qua, hoạt động của một nhóm người được mệnh danh là khối 8406 đòi hỏi quyền tự do và dân chủ cho Việt Nam đã tạo sự chú tâm của công luận trong cũng như ngoài Việt Nam.

Và cũng từ đó, nhiều thành viên và ủng hộ viên của Khối dân chủ này đã bị công an Việt Nam bắt bớ, khảo cung, xách nhiễu.... Nhiều người trong số họ như các anh Nguyễn Ngọc Quang, Phạm Bá Hải, Vũ Hoàng Hải, Trương Quốc Huy… bị công an bắt đưa đi giam giữ biệt tăm, và cho đến nay vẫn chưa có tin tức gì.

Bối cảnh Hình thành và Hoạt động

Tên gọi của Khối 8406 được lấy theo ngày phong trào tranh đấu cho Dân chủ này chính thức công khai và ký tên vào bản "Tuyên ngôn Tự do và Dân chủ cho Việt Nam", ngày 8 tháng 4 năm 2006.

Từ đó, nhóm này đã trở thành một phong trào bao gồm cả ngàn thành viên ủng hộ dân chủ, lên tiếng công khai yêu cầu một thể chế chính trị chuyển tiếp để tiến tới một nền dân chủ đa nguyên.

Sau khi ra tuyên ngôn, nhóm ngày càng đẩy mạnh các hoạt động hơn. Vào ngày 22 tháng Tám vừa qua, Khối 8406 công khai đưa ra đề nghị 4 bước dân chủ hóa Việt Nam. Trong đó có yêu cầu tái lập các dân quyền tự do, thiết lập các đảng phái chính trị, soạn thảo Hiến pháp mới và sau cùng là tổ chức bầu đại biểu Quốc hội mới có nhiệm vụ chọn lựa quốc hiệu, quốc kỳ và quốc ca.

Bản đề nghị đó được ký tên công khai bởi những đại diện của cả ba miền đất nước, gồm cả cựu sĩ quan Quân đội Nhân dân Trần Anh Kim, linh mục Nguyễn văn Lý. Khối 8406 cho biết thành phần chủ lực gồm những người trẻ, có học thức, và có nghề nghiệp chuyên môn.

Sau một thời gian hoạt động, đến nay Khối 8406 đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người Việt Nam yêu chuộng dân chủ trong và ngoài nước. Khối các nhà tranh đấu cho dân chủ này cũng đã bước đầu thành công trong việc vận động sự ủng hộ của chính giới tại các quốc gia phương Tây như Úc, Anh và Hoa Kỳ.

Ðại diện Khối 8406 phản bác các cáo buộc của Hà Nội

06-10-2006

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Vào ngày 5 tháng 10 vừa qua, người phát ngôn Bộ ngọai giao Việt Nam, ông Lê Dũng, phát biểu với Hãng Thông tấn AFP về phong trào ủng hộ dân chủ- Khối 8406. Đây được xem là lần đầu tiên Việt Nam chính thức lên tiếng xác nhận về sự hiện hữu của một phong trào đấu tranh cho dân chủ ngay tại Việt Nam.

• Bấm vào đây để nghe cuộc phỏng vấn này

• Tải xuống để nghe

Tuy nhiên, người phát ngôn của Bộ Ngọai giao Việt Nam cho rằng đó là một phong trào bất hợp pháp. Trước thông tin này, Gia Minh hỏi chuyện ông Phương Nam Đỗ Nam Hải, một trong những người đại diện chính thức của Khối 8406. Đầu tiên, ông đưa ra nhận định về sự việc vừa nêu.

Ông Đỗ Nam Hải: Tôi nghĩ đây là môt dấu hiện đáng mừng, vì chứng tỏ phong trào dân chủ Việt Nam có một bước tiến dài, và chính quyền phải có một bước lùi.

Gia Minh: Trước phát biểu cho rằng Khối 8406 là bất hợp pháp thì ông có những lập luận gì để chứng minh cho tính chính thống của phong trào?

Ông Đỗ Nam Hải: Bản chất của họ là như vậy, mà 61 năm qua họ luôn đồng hoá Đảng với nhân dân, bất cứ ai nói khác với Đảng thì họ đều cho là phản lại nhân dân.

Gia Minh: Việt Nam hiện có hơn 80 triệu dân mà chỉ mới có chừng 2000 người ký tên ủng hộ Tuyên ngôn Dân chủ của Khối 8406, và có ý kiến nói là con số đó chưa được kiểm định, thì ông nghĩ sao?

Ông Đỗ Nam Hải:Tôi tin con số 2000 người này, nếu trong nước có điều kiện thông tin mở thì con số còn hơn 2000 người. Tôi khẳng định con số 2000 người là con số thực chứ không phải con số do ai dựng nên đâu.

Gia Minh: Hiện có ý kiến cho rằng tình hình Việt Nam đang ổn định, nếu như Thái Lan hay những quốc gia khác để cho dân chủ phát triển quá lại tạo nên bất ổn, mà đây lại là ý kiến của đa số,vậy ông giải thích với những người có ý kiến như thế ra sao?

Ông Đỗ Nam Hải: Vấn đề thế này, do dân chúng Việt Nam bị bưng bít thông tin nên nhiều người không hiểu nếu có được tự do dân chủ thực sự thì tốt cho đất nước thế nào.

Họ buộc lòng phải chấp nhận cái 'tự do dân chủ' trong ngọăc kép của nhà nước, và như thế là ổn định chính trị; nhưng theo tôi đó chỉ là ổn định của độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mà thôi.

Như ở Thái Lan nguời ta thay đổi đảng nhiều lần nhưng đất nước họ tiến lên chứ không lùi đi. Như vừa qua tại Thái là cuộc đảo chính 'lụa'. theo tôi đối với những chính quyền tham nhũng phải có sự thay đổi bằng con đuờng hoà bình bất bạo động .

Dĩ nhiên, chúng tôi cũng nói lên ý chí nguyện vọng của đất nước và dân tộc hôm nay là dân chủ hoá đất nước bằng con đường hoà bình bất bạo động; chúng tôi không làm gì sai trái. Những cái gì mà đảng cộng sản tước đọat của người dân thì chúng tôi đòi lại chứ chúng tôi không xin.

Gia Minh: Cơ sở pháp lý cho những lập luận đó của ông là gì?

Ông Đỗ Nam Hải: Họ nói đòi đa đảng là vi phạm hiến pháp nuớc Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tôi nói với họ hiến pháp, luật pháp là để phục vụ cho cuộc sống cho dân tộc; nếu lỗi thời thì phải xem xét lại, tu chính lại.

Họ cho rằng việc truyền bá tài liệu mà theo họ cho là phản động mà chúng tôi cho là tài liệu dân chủ thì tôi chỉ ra điều 69 của hiến pháp. Đây là cơ sở pháp lý cao nhất, còn những điều trái với điều 69 của hiến pháp thì phải sửa. Còn nếu muốn nói trái lại, tức là công dân Việt Nam không có quyền tự do thông tin, báo chí thì nói cho thế giới biết, chúng tôi sẽ có cách làm của chúng tôi.

Còn quyền lập đảng, lập hội đó là những quyền của dân tộc mà thế giới có rồi, trong hiến pháp năm 1946 có rồi nhưng những thành phần lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã tước đọat thì chúng tôi đòi lại chứ không xin.

Gia Minh: Nếu có người, nhất là thanh niên trẻ, đến hỏi ông về tôn chỉ, đường lối của khối thì ông sẽ giải thích cho họ thế nào?

Ông Đỗ Nam Hải: Thực tế chứng minh Việt Nam hiện vẫn còn là đất nước đói nghèo, lạc hậu và tham nhũng bậc nhất thế giới. Chúng tôi ở trong nuớc cũng như ngoài nước đang đấu tranh để Việt Nam thoát những mối quốc nạn, quốc nhục đó.

Bản thân tôi thì luôn gặp những bạn trẻ nói với họ phải đứng lên đấu tranh để dân chủ hoá đất nước bằng con đường bất bạo động; một trong những tiêu chí cao nhất hiện nay cần phải làm là đấu tranh để chuyển hoá đất nước từ một chế độ độc đảng mất công bằng dân chủ hiện nay thành một đất nước đa nguyên đa đảng, và từ đó sẽ làm cho đất nước cất cánh và bức tranh dân chủ của đất nước sẽ sáng dần lên.

Gia Minh: Cám ơn ông Đỗ Nam Hải, một đại diện của Khối 8406, đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn vừa rồi.

Hiện tình Việt Nam theo nhận định của Đại sứ Hoa Kỳ

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2006/10/04/Interview_with_Amb_Michael_Marine_NKhanh/
04-10-2006

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Nhân chuyến công tác về thủ đô Washington, hôm thứ Hai mồng 2-10 vừa qua, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam ông Michael Marine đã có buổi gặp gỡ với nhiều đại diện các hội đoàn và tổ chức của người Việt Hải Ngoại.

Bấm vào đây để nghe cuộc phỏng vấn này

Tải xuống để nghe

Trong cuộc gặp do Hội Tương Trợ Người Việt tại Maryland tổ chức, Đại sứ Michael Marine đã trình bày với cử toại những vấn đề liên quan đến mối quan hệ Việt – Mỹ, triển vọng của nền kinh tế Việt Nam, cùng nhiều lĩnh vực khác tại Việt Nam mà Hoa Kỳ quan tâm.

Ngay sau khi cuộc gặp gỡ kết thúc, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã dành cho biên tập viên Nguyễn Khanh của đài Á Châu Tự Do một cuộc phỏng vấn đặt biệt, trong đó ông Marine đề cập thẳng thắn đến một sô vấn đề tại Việt Nam mà dư luận chính giới Mỹ và người Việt tại Mỹ quan tâm.

Nguyễn Khanh: Rất mừng được gặp lại ông Ðại Sứ và xin chúc mừng ông. Ông đón mừng kỷ niệm ngày 2 năm làm Ðại Sứ ở Việt Nam như thế nào?

Đại sứ Michael Marine: Thú thật với ông là hình như ngày hôm đó tôi không có làm gì đặc biệt cả. Ngày nào với tôi cũng là ngày làm việc, tôi làm việc 7 ngày một tuần ở Việt Nam, và công việc chính là đam mê của tôi.

Những đổi thay tại Việt Nam

Nguyễn Khanh: Nhìn lại hai năm ông có mặt ở Hà Nội, đã có những thay đổi đáng chú ý. Ông Ðại Sứ có hài lòng với những thay đổi đó không?

Đại sứ Michael Marine: Lúc nào tôi cũng mong thấy mọi chuyện tốt hơn nữa, nhưng đồng thời, cũng phải nói là tôi mừng với các tiến bộ đã đạt được, với những thành quả tốt, xây dựng, trong nhiều lãnh vực khác nhau, từ vấn đề tự do tôn giáo cho đến những nỗ lực liên quan đến vấn đề Việt Nam gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới WTO. Nói chung thì đúng, tôi vui mừng với những gì đang có.

Nguyễn Khanh: Về tự do tôn giáo ở Việt Nam, ông Ðại Sứ cũng thấy là sinh hoạt tôn giáo vẫn gặp khó khăn ở miền Bắc, nhưng ở miền Nam thì có vẻ dễ dãi hơn. Trong những ngày tháng tới, Hoa Kỳ sẽ làm gì để giúp giải quyết tình trạng đó? Thúc đẩy Chính Phủ Việt Nam làm tốt hơn chẳng hạn?

Đại sứ Michael Marine: Chúng tôi luôn luôn cổ vũ Chính Phủ Việt Nam đẩy mạnh chính sách cho các tôn giáo ở miền Bắc được đăng ký hoạt động. Chúng tôi cũng ghi nhận những nỗ lực mà Chính Phủ Việt Nam đã làm với các sinh hoạt tôn giáo ở miền Tây Nguyên, nhưng đúng như ông nói, sinh hoạt tôn giáo ở miền Bắc, đặc biệt ở vùng Thượng Du Bắc Bộ vẫn chưa được tốt lắm.

Nhưng cũng thẳng thắn mà nói thì ở miền Bắc có những cơ sở tôn giáo nhỏ hơn, tổ chức chưa được chặt chẽ. Ðây là chuyện 2 chiều, các cơ sở tôn giáo này phải tổ chức chặt chẽ hơn để có thể đăng ký với Chính Phủ.

Vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng chúng tôi thấy con số tổ chức tôn giáo được quyền đăng ký hoạt động ngày càng tăng, và hy vọng sẽ tăng hơn nữa trong những tháng sắp tới.

Các vấn đề còn lại: CPC và PNTR

Nguyễn Khanh: Chúng ta đang ở những ngày đầu tháng Mười và chẳng bao lâu nữa, Bộ Ngoại Giao Mỹ sẽ công bố danh sách những nước cần đặc biệt quan tâm vì tự do tôn giáo chưa được tôn trọng đúng mức, thường được gọi là danh sách CPC. Trường hợp của Việt Nam thì sao? Năm nay Việt Nam có còn nằm trong danh sách không?

Đại sứ Michael Marine: Tôi nghĩ có thể có và cũng có thể không, tùy thuộc vào ý kiến mà ông John Hansford, Ðại Sứ Toàn Quyền Về Tự Do Tôn Giáo sẽ đề nghị với Bà Ngoại Trưởng Rice.

Khoảng 1 tháng trước đây ông Hansford có sang Hà Nội, tiếp tục cuộc thảo luận với Việt Nam. Tự do tôn giáo là một trong những vấn đề mà Hoa Kỳ liên tục đưa ra bàn thảo với Chính Phủ Việt Nam…

Nguyễn Khanh: Thưa ông Ðại Sứ, thảo luận như thế nào?

Đại sứ Michael Marine: Chúng tôi trình bày cho phía Việt Nam hiểu rõ quan điểm của Hoa Kỳ về hiện trạng, trình bày cho Việt Nam biết chúng tôi mong muốn thấy thành quả tốt hơn, nhanh hơn những gì đang xảy ra.

Nguyễn Khanh: Trong thời gian có mặt ở Hà Nội, ông Ðại Sứ John Hansford chắc thế nào cũng bàn thảo với ông. Ông Hansford có bày tỏ dấu hiệu nào để ông Ðại Sứ nghĩ là sẽ đề nghị bỏ, hay giữ, Việt Nam trong danh sách CPC không?

Đại sứ Michael Marine: Nếu ông Hansford có thảo luận với tôi thì tôi không muốn công khai trình bày những gì chúng tôi đã bàn thảo với nhau.

Nguyễn Khanh: Về quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn PNTR cho Việt Nam, ông Ðại Sứ thấy có còn cơ hội không?

Đại sứ Michael Marine: Ông cũng rõ Quốc Hội Liên Bang Hoa Kỳ đang nghỉ họp, và phải đợi đến khi các đại biểu họp trở lại chúng ta mới biết được chuyện gì sẽ xảy ra. Theo tôi hiểu thì đã có ý kiến là sau khi cuộc bầu cử vào đầu tháng 11 hoàn tất, Quốc Hội sẽ họp để bàn về chuyện này. Ðó là cơ hội mà tôi trông thấy.

Quan điểm của Mỹ về Khối 8406

Nguyễn Khanh: Hoạt động của nhóm tranh đấu 8406 là đề tài đang được những người Việt sinh sống ở nước ngoài nói đến, và dù ở Hà Nội, chắc ông Ðại Sứ cũng nghe nói về nhóm này và những hoạt động của họ. Trước hết, xin được hỏi cảm nghĩ riêng của ông Ðại Sứ về sự kiện đang được nhiều người chú ý này?

Đại sứ Michael Marine: Tôi nghĩ họ là những người dũng cảm, lên tiếng kêu gọi thay đổi chính trị. Tôi hy vọng trong tương lai, những người như vậy sẽ có một môi trường hoạt động rộng hơn ở Việt Nam, nhưng hiện giờ, môi trường hoạt động của họ vẫn đang bị kiềm chế.

Nguyễn Khanh: Thưa ông đại sứ, liệu việc làm của nhóm 8406 có được sự ủng hộ của Hoa Kỳ không? Ít nhất là ủng hộ về tinh thần?

Đại sứ Michael Marine: Những điều họ kêu gọi như quyền tự do phát biểu, quyền được phê bình xây dựng với chính quyền, ngay cả quyền được chỉ trích chính phủ, quyền được tự do hội họp, đều là những quyền căn bản của con người, và luôn luôn được Hoa Kỳ ủng hộ. Chúng tôi ủng hộ các quyền làm người căn bản này cho nhân dân toàn thế giới, chứ không phải chỉ ở riêng Việt Nam.

Nguyễn Khanh: Quan hệ giữa ông đại sứ và các nhà lãnh đạo mới ở Việt Nam như thế nào? Ông Ðại Sứ có thể chia sẻ với chúng tôi được không?

Đại sứ Michael Marine: Đương nhiên gọi điện nói chuyện với các nhà lãnh đạo Việt Nam là điều mà chúng tôi thường hay làm. Họ cũng rất bận, thành ra không phải lúc nào tôi muốn gặp họ cũng được.

Chúng tôi làm việc chung với nhau để giải quyết những vấn đề cần giải quyết, để xây dựng quan hệ sao cho hai nước cùng có lợi. Theo tôi, điều đó quan trọng hơn chuyện xây dựng quan hệ thân thiết cá nhân.

Chuyến thăm VN của Tổng thống Bush

Nguyễn Khanh: Khoảng thời gian này tháng tới, Tổng Thống Mỹ George W. Bush sẽ sang thăm Việt Nam. Ngoài Hà Nội, Tổng Thống có định ghé đâu nữa không? Tổng Thống có nói chuyện với sinh viên Việt Nam không?

Đại sứ Michael Marine: Chúng tôi vẫn đang làm việc về lịch trình chuyến đi của Tổng Thống. Hiện giờ chưa có chương trình cụ thể để thông báo.

Nguyễn Khanh: Sau chuyến thăm của Tổng Thống Mỹ, liệu Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết hoặc Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng có sang thăm Washington không?

Đại sứ Michael Marine: Tôi không biết có một kế hoạch như thế trong tương lai gần hay không, do đó tôi không thể trả lời câu hỏi của ông được.

Nguyễn Khanh: Câu hỏi cuối của chúng tôi. Xin được trở lại với thời gian 2 năm làm đại sứ Mỹ ở Việt Nam. Trong 24 tháng đã qua, giây phút nào là giây phút ông Ðại Sứ cảm thấy hạnh phúc nhất?

Đại sứ Michael Marine: Tôi nghĩ là ông hỏi lầm người rồi. Tôi không bao giờ thái quá, không quá vui mừng và cũng chẳng bao giờ quá buồn. Tôi thấy thoải mái với thời gian sống và làm việc ở Việt Nam, đặc biệt tôi mừng vì có được cơ hội đi nhiều nơi, gặp nhiều người, nghe họ trình bày những vấn đề cụ thể mà hàng ngày họ gặp phải. Tôi rất quý trọng tinh thần của người dân Việt.

Nguyễn Khanh: Xin cám ơn ông Ðại Sứ.

TRỞ VỀ
TRANG ĐẦU TIÊN



______________________________________________________