Hãy Hỗ trợ
bản "Tuyên ngôn Tự do Dân chủ Cho VN 2006"
bản "Tuyên ngôn Tự do Dân chủ Cho VN 2006"
của Khối 8406
Võ Minh Cương
(Cựu Chủ tịch CĐNVTD/LBUC)
01-07-2006
1. DẪN NHẬP Sự hình thành một quốc gia, hay còn gọi là đất nước, phải gồm ba yếu tố: (1) lãnh thổ tức là đất đai; (2) dân số của nước đó tức là con người, và (3) lãnh đạo, tức hệ thống chính quyền, hay chính phủ mà đảng CSVN gọi là “nhà nước”. Khi có hai yếu tố (1) và (2) rồi thì, yếu tố thứ (3) lãnh đạo là yếu tố chính yếu, nguyên nhân thành bại của quốc gia đó. Việt Nam, sau một ngàn năm nô lệ phương Bắc (Tàu), gần một trăm năm bị Pháp đô hộ, và sau 20 năm chiến tranh ý thức hệ Quốc Cộng, cuối cùng cũng “thống nhất”. Nhưng bất hạnh thay cho dân tộc Việt Nam, “một sự thống nhất” -nói theo ông Merillon, đại sứ Pháp tại Sài Gòn lúc 30-4-1975 trong cuốn hối ký “Saigon et Moi”- “trong một nền hòa bình rơi nước mắt.” Tại sao như vậy? Cái gọi là “thống nhất đất nước” về lãnh thổ (1), nhưng nhân tâm (2) ly tán sau quốc nạn 30-04-75 do đâu mà ra? Dĩ nhiên đảng CSVN cũng lập nên một “nhà nước”, tương tự như chính phủ hoặc chính quyền [yếu tố thứ (3)]. Nhưng có đúng theo nghĩa của một chính quyền có trách nhiệm đem lại phúc lợi cho người dân không? Câu trả lời là không, nhưng vì lý do gì? 2. TỰ DO CHÍNH TRỊ LÀ GÌ ? Mọi quyền tự do khác chỉ thực sự có khi quyền tự do chính trị (political liberty) được tôn trọng. Nếu nhà cầm quyền (nhà nước), hay chính phủ, hoặc chính quyền không tôn trọng nó, mà lạm dụng nó, thì quốc gia đó sẽ trở thành tồi tệ và đất nước đó sẽ bị đưa đến bờ vực thẳm của xã hội loài người. Như vậy hai yếu tố (2) người dân và (3) chính quyền phải hỗ tương trách nhiệm để kiến tạo một đất nước trở thành văn minh, nếu không sẽ rơi vào vòng chậm tiến hay lạc hậu. Có người, mỗi khi đề cập đến vấn đề đấu tranh để đem lại sự công bằng xã hội, chống lại độc tài tham nhũng, thường dẫy nẩy nói rằng tôi không thích chính trị. Người đó chỉ đúng nếu họ không thích trở thành một chính trị gia, vì chính trị gia là một nghề và nghề đó không thích hợp với sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của họ, nhưng hoàn toàn sai đứng trên bình diện ý thức trách nhiệm của một con người sống trong xã hội. Sự đấu tranh chống lại bất công xã hội, làm cho xã hội đó tốt đẹp hơn không phải là làm chính trị mà là thể hiện ý thức về tình người và tính người. Đó không những là bổn phận của một công dân, nhưng còn là trách nhiệm cao độ của một con người đúng nghĩa. Còn đối với người cầm quyền thì bổn phận, trách nhiệm càng nặng nề, và lớn lao hơn. Vì người cai trị phải hiểu biết rộng hơn, trách nhiệm nặng hơn, nên phải có ý thức cao hơn người dân thường. Nếu không thì người cai trị hay cầm quyền bất xứng, vô trách nhiệm và có tội. Như vậy mỗi người dân không làm chính trị nhưng có bổn phận phải hiểu biết về chính trị, hay nói đơn giản hơn là phải ý thức được những quyền căn bản của mình trong xã hội. Như thế, một khi những quyền căn bản của mình mà bị nhà cầm quyền tước đoạt thì mình phải đòi lại, giống như một vật mình đang sở hữu mà bị lấy mất thì mình phải đòi lại bất cứ giá nào. Do đó cả hai bên phải có sự tương quan trách nhiệm. Một chính phủ có trách nhiệm đối với người dân là phải hướng dẫn người dân hiểu biết về bổn phận và nghiã vụ của mình đối với quốc gia và dân tộc. Vì quyền lợi, bổn phận và trách nhiệm đó nên con người phải biết tổ chức, kiện toàn trật tự xã hội, và chọn một mô thức chính trị nào tương đối khả thi nhất. Xin nhắc là tương đối, vì không bao giờ tuyệt đối có một thiên đường hạ giới, họa chăng chỉ có “thiên đường mù”. Chính trị là nền tảng căn bản định hướng cho mọi quyền tự do khác trong một xã hội. Không có tự do chính trị thì không có các quyền tự do khác; hoặc nếu có, các quyền tự do khác chỉ là hiện tượng bên ngoài, còn bản chất là giả tạo, phản ảnh thái độ vô trách nhiệm của người cầm quyền. Tự do chính trị do đâu mà có? Dựa trên học thuyết của Locke, Montesquieu khai triển “Tự do chính trị chỉ được tìm thấy khi không có sự lạm quyền. Nhưng kinh nghiệm cho thấy: khi một người nắm quyền thì liên tục lạm quyền, và tiếp tục xử dụng nó đến khi nào vẫn còn xử dụng được...” Học thuyết “tự do chính trị” này là cha đẻ của Bản Hiến Pháp Hoa Kỳ năm 1787, và nhiều quốc gia tự do dân chủ trên thế giới đều lấy đó làm nền tảng trong việc trị nước an dân. Ông Hồ Chí Minh khi đọc bản “Tuyên Ngôn” tại Ba Đình cũng dựa vào tư tưởng này, nhưng tuyên bố để nghe chơi và cho sướng lỗ tai người dân chứ ông không áp dụng. Ông Hồ biết nhưng không áp dụng tức “tri” nhưng không “hành”. Như vậy ông là người lãnh đạo vô trách nhiệm, bất xứng và có tội. Vậy để tránh sự lạm quyền thì nền tự do chính trị phải được tổ chức như thế nào? Để có một nền tự do chính trị, nguyên tắc là phải được quy định rõ ràng trong bản hiến pháp (hiến định) hay được thông qua để trở thành những đạo luật của quốc gia đó. Cả hai trường hợp này được gọi là pháp trị (Rule of Law). Đây là một điều không mới, nếu không nói là quá cũ, nhưng có lẽ nó là một đề tài tối ư cần thiết cho tình trạmg hiện thời của Việt Nam mà chúng ta cần ôn lại nhân dịp bàn về Bản Tuyên Ngôn 8406 đang được Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu phát động chiến dịch yểm trợ trên toàn nước Úc. 2.1 Hiến định và pháp trị là gì? Mọi người đều biết Bản Hiến Pháp của nước “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” năm 1992 chỉ là một cương lĩnh hay một Nghị Quyết (chúng ta thường gọi là Quyết Nghị) của đảng CSVN. Vì nó chỉ do đảng CSVN nặn ra, nên nó phản dân chủ và vô trách nhiệm. Chỉ riêng Điều 4 của văn bản này đã cho thấy sự độc tôn, độc đảng. Chúng ta ai cũng biết: một bản Hiến Pháp thường được soạn bởi Quốc Hội Lập Hiến, cơ chế do dân bầu lên trong một thể chế tự do chính trị. Quốc Hội Lập Hiến soạn thảo hiến pháp và sau đó có thể bị giải tán để bầu lại một Quốc Hội (Lập Pháp) vốn giữ một trong ba phân quyền của một quốc gia. Không ai có quyền đi ngược lại, kể cả quốc trưởng hoặc tổng thống của quốc gia đó (Hành Pháp) cũng phải tuân theo bản Hiến Pháp. Ngoài bản Hiến Pháp, Quốc Hội Lập Pháp có quyền soạn ra những đạo luật tùy theo nhu cầu, nhưng những đạo luật đó không được mâu thuẫn với bản Hiến Pháp. Nếu đi ngược lại Hiến Pháp thì Tòa Án (Tư Pháp) có quyền xử đạo luật đó bất hợp pháp. Đó là nguyên tắc “Kiểm soát và quân bình quyền hành” (Checks and balances). Những quy định của bản Hiến Pháp và những Đạo Luật đó gọi là pháp trị (Rule of Law). Vì dẫn chứng nêu trên, nên từ căn bản của dân chủ, sự cai trị của đảng CSVN, hay được biến thể dưới bất cứ danh xưng nào như “nhà nước, chính phủ, chính quyền”, đều trá ngụy và phi dân chủ. 2.2 Đa nguyên, đa đảng và lưỡng đảng là gì? Đa nguyên (Pluralism) tức nguyên tắc bình đẳng về chính trị, xã hội, tôn giáo và sự tôn trọng thành phần thiểu số trong xã hội. Tuy nhiên khi nắm quyền thì người cầm quyền liên tục lạm quyền nên phải có hệ thống đa đảng (multi-political parties), tức quyền được thành lập đảng phái chính trị và ít nhất là hai đảng hay lưỡng đảng (bi-partisan system) giống như hệ thống lưỡng đảng ở các quốc gia có nền dân chủ lâu đời tại Âu Mỹ. Sự phát triển tự nhiên của sinh hoạt tự do chính trị, tự nó, có thể biến từ đa đảng thành lưỡng đảng, chứ không ai có quyền bó buộc phải là lưỡng đảng. Vì nếu bó buộc thì không còn tự do chính trị nữa, mà do người dân tự chọn lựa qua các cuộc bầu cử và chính lá phiếu của người dân và sinh hoạt tự do chính trị sẽ biến thành hệ thống lưỡng đảng, và bên cạnh có thể có nhiều đảng nhỏ khác. Tới đây xin mở dấu ngoặc: có người cho rằng trong thời gian 1944 đến 1988, ông Hoàng Minh Chính là chủ tịch và điều hành đảng Dân Chủ, như vậy là lưỡng đảng rồi. Xin thưa: ông Hoàng Minh Chính vừa là chủ tịch đảng Dân Chủ, vừa là viện trưởng viện nghiên cứu chủ nghĩa “Mác-Lê”, tức cái lò đào tạo ra đảng viên nòng cốt của đảng CSVN, và cá nhân ông ta là một đảng viên đảng CSVN. Như vậy đảng Dân Chủ là cánh tay nối dài, là một tổ chức ngoại vi của đảng CSVN, và đảng Dân Chủ của ông Hoàng Minh Chính, từ 1944 đến 1988, không có những quyết định và quyền hạn độc lập, mà đảng CSVN “quyết định giùm” (ví dụ này có giá trị từ 1944 đến năm 1988, tức thời gian đảng Dân Chủ của ông Hoàng Minh Chính chưa bị giải thể). Như vậy đa đảng hay lưỡng đảng trở thành độc đảng, dưới sự thống trị của đảng CSVN. 2.3 Phân quyền (Separation of Powers): Nói về nguyên tắc phân quyền, Montesquieu tiếp: “Để chặn đứng sự lạm quyền, điều cần thiết là phải có sự kiểm soát lẫn nhau. Khi quyền lập pháp và hành pháp cùng dồn về một người hay một cơ chế (đảng)... thì sẽ không có tự do... Và tương tự như vậy, sẽ không có tự do nếu tư pháp không phân biệt với lập pháp và hành pháp... Mọi việc sẽ cáo chung nếu một người hay một cơ chế (đảng), không cần biết người đó hay cơ chế đó thuộc hàng thượng lưu hay dân dã, nắm cả ba quyền”. Như vậy câu trả lời được khẳng định là: tại Việt Nam hiện thời, không có tự do chính trị vì cả ba quyền này đều gom vào trong tay của đảng CSVN. Đây là hậu quả tất yếu của sự độc đảng, độc tài và do đó các quyền tự do khác bị “cáo chung”. 2.4 Điều kiện ắt có và đủ của phương trình dân chủ (PTDC): Như vậy một quốc gia muốn có dân chủ thì phải hội đủ những yếu tố sau, và chúng ta có thể lập thành một PTDC cho dễ nhớ là: Dân chủ = Tự do chính trị = (a) pháp trị + (b) đa đảng + (c) phân quyền (Democracy = Political liberty = (a) Rule of Law + (b) Multi-Political Parties + (c) Separation of Powers). Một nền dân chủ đích thực buộc điều kiện ắt có (necessary condition) là Tự do chính trị. Mà muốn có tự do chính trị thì phải gồm có 3 điều kiện đủ (3 sufficient conditions) là: (a) pháp trị, (b) đa đảng và (c) phân quyền. Tuy nhiên vị thế thời gian (a) và (b) có thể thay đổi. Có thể (a) pháp trị trước, hoặc (b) có đa đảng trước rồi tới (c) phân quyền, tùy theo hoàn cảnh của nước đó. Nhưng xin lập lại là không được thiếu bất cứ điều kiện nào trong 3 điều kiện đủ này để hoàn thành PTDC cho một quốc gia. Không cần là một chính trị gia, không cần là một lãnh tụ, không cần là một học giả, một nông dân ngồi nghỉ trên bờ ruộng và được một người đem PTDC này cắt nghĩa vài phút, ông ta cũng hiểu thế nào là cái quyền của ông ta bị “nhà nước” lấy mất. Bây giờ chúng ta đem PTDC này xét xem Việt Nam đương thời có “dân làm chủ” như những kẻ cầm quyền trong nước đã và đang rêu rao qua những cụm từ như “Quân đội Nhân dân”, “Công an Nhân dân, “Toà án Nhân dân” “Viện Kiểm sát Nhân dân”…. chăng?... So sánh với PTDC trên, ta thấy Việt Nam không có dân chủ, vì: (a) Pháp trị: Việt Nam có Hiến Pháp 1992, có vô số đạo luật, sắc luật, nhưng vì không có đa đảng nên Hiến Pháp 1992 mới có điều 4 là điều dành độc quyền cho đảng CSVN, và nhiều điều phi dân chủ khác nữa. Do đó Bản Hiến Pháp 1992 hiện đang áp dụng tại Việt Nam không có giá trị (xin xem mục 2.1 ở trên). (b) Đa đảng: Việt Nam chỉ có độc đảng (đảng CSVN). Ai cũng biết nên không thể giấu được. (c) Phân quyền: Việt Nam có Quốc Hội (Lập Pháp), có “Nhà nước” (Hành Pháp) và có Tòa Án nhân dân (Tư Pháp). Tuy nhiên phân quyền chỉ là giả tạo, chỉ phân chia quyền lợi của những đảng viên trong nội bộ đảng CSVN mà thôi. Vì Việt Nam dưới sự cai trị cuả đảng CSVN không có tự do chính trị, nên người dân Việt Nam không có tự do và dân chủ. Như vậy, vấn đề đấu tranh Dân chủ và Tự do cho người dân VN là điều chính đáng, không những là bổn phận mà là trách nhiệm của mọi người để đem lại phúc lợi cho người dân trong nước. Bây giờ chúng ta nghiên cứu xem cuộc đấu tranh và đòi hỏi cuả Khối 8406 có đi đúng trọng tâm cho tiến trình dân chủ hoá Việt Nam không? 3. BẢN TUYÊN NGÔN 8406 MUỐN NÓI GÌ? Bản Tuyên Ngôn này được công bố ngày 8-4-2006 nên được gọi là Bản Tuyên Ngôn 8406. Bản Tuyên Ngôn có 3 chương và 9 điều, mỗi chương có 3 điều. Khi công bố có chữ ký cuả 118 chiến sĩ tranh đấu dân chủ trong nước. Sau đây là một số điểm chính yếu của bản Tuyên Ngôn. Chương I “Thực trạng của Việt Nam”: Điều 1, nhấn mạnh đến sự tráo trở của đảng CSVN bỏ lỡ hai cơ hội vào năm 1954 và năm 1975, thủ tiêu “Quyền Dân Tộc Tự Quyết” và dùng “bạo lực và khủng bố trấn áp”. Điều 2, nhắc đến lời tuyên bố của ông Hồ Chí Minh vào ngày 02-09-1945 tại Ba Đình, dựa theo Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ 1776 và Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Và Dân Quyền của cuộc cách mạng Pháp năm 1791. Cả hai Bản Tuyên Ngôn này, Mỹ và Pháp, đều đề cập đến quyền sống và bình đẳng của con người. Bản Tuyên Ngôn 8406 nhấn mạnh: “Thế nhưng, tất cả những quyền thiêng liêng ấy của Dân tộc đều bị chà đạp thô bạo ngay sau đó, khi mà chính quyền cộng sản được dựng lên”. Điều 3, Tuyên Ngôn 8406 cho rằng “ở miền Bắc sau năm 1954, rồi cả nước sau ngày 30-4-1975, bóng ma của chủ nghĩa Cộng sản đã luôn đè ám lên đầu, lên cổ toàn Dân Việt Nam… Và hôm nay, nó vẫn đang tạm đô hộ, chiếm đóng lên cả 2 mặt tinh thần và thể chất của toàn Dân tộc Việt nam”. Chương II “Qui luật phổ biến toàn cầu”: Điều 1, khẳng định rằng quyền tự do dân chủ dưới chế độ độc đảng nào cũng “đều bị chà đạp không thương tiếc”. Tại Việt Nam, sự độc tài độc đảng đó lại ghi trong Bản Hiến Pháp 1992 của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. “Chính vì điều này mà các quyền tự do, dân chủ của Nhân dân đã hoàn toàn bị triệt tiêu, may ra chỉ còn vài mẩu vụn mà thôi”. Điều 2, đề cập đến “hệ thống quyền lực không thể chấp nhận cạnh tranh và không thể chấp nhận thay thế”. Điều này cũng nêu rõ: những quốc gia đi theo con đường cộng sản độc tài như Liên Xô và Đông Âu đã bị phá sản, nhưng những quốc gia đó “đã dũng cảm vượt qua chính mình để quay lại tìm hướng đi cho dân tộc họ”. Điều 3, cho biết là con đường theo xã hội chủ nghĩa là sai và đường đi đó do đảng CSVN chọn, mà đảng CSVN chỉ là “một bộ phận của Dân tộc, và mạo danh Dân tộc” và “vì vậy Dân tộc ta hôm nay phải chọn lại con đường cho mình. Và chắc chắn cả Dân tộc cùng chọn sẽ tốt hơn một người hay một nhóm người nào đó”. Chương III “Mục tiêu, phương pháp và ý nghĩa cuộc đấu tranh”: Điều 1, đòi thể chế chính trị ở Việt Nam hiện nay phải bị thay thế triệt để, bằng hệ thống “đa nguyên đa đảng và tam quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp phải được phân lập rõ ràng, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế”. Đòi những quyền tự do của người dân như thông tin ngôn luận; quyền tự do hội họp; lập đảng; bầu cử và ứng cử; quyền tự do hoạt động công đoàn độc lập và quyền đình công chính đáng; quyền tự do tôn giáo và những quyền tự do căn bản khác theo công ước quốc tế được Liên Hiệp Quốc biểu quyết ngày 16-12-1966 mà Việt Nam đã đồng ý ký ngày 24-9-1982. Điều 2, xác định phương pháp “đấu tranh bất bạo động” và “tìm cách giúp đồng bào kiện toàn nhận thức”. Mục này cho rằng “một khi nhân dân đã có nhận thức đúng và rõ thì nhất định sẽ biết hành động thích hợp và hiệu quả”. Điều 3, khẳng định là ý nghĩa của cuộc đấu tranh này là “chính nghĩa thắng phi nghĩa”. Phần còn lại là quyền quyết định của đảng CSVN, có cùng “đồng hành với Dân tộc hay không”, có “khách quan, công bằng, sáng suốt và khiêm tốn chấp nhận các nguyên tắc bình đẳng” không? Và “thể chế chính trị độc đảng ấy dứt khoát phải bị chôn táng vĩnh viễn vào quá khứ” để “Dân tộc sẽ tìm được những con người tốt nhất, những lực lượng chính trị giỏi nhất sau mỗi kỳ bầu cử” để lãnh đạo đất nước. 4. MƯỜI ĐIỀU CƠ BẢN Hai tháng rưỡi sau, tức ngày 20-06-96 trên công luận xuất hiện bản văn “Khối 8406 tuyên bố 10 điều kiện cơ bản thiết yếu để cuộc Bầu Cử Quốc Hội 2007 Đa đảng Tự Do Dân chủ thực sự, khỏi bị toàn Dân VN đồng loạt tẩy chay”. Với hàng ngàn người ký tên hỗ trợ. Sau đây là tóm tắt nội dung 10 Điều. Điều 1: Quốc hội khóa 11 đương nhiệm do ĐCSVN dựng nên phải công khai chính thức “hủy bỏ điều 4 rất độc đoán và hoàn toàn mất dân chủ của Hiến Pháp trên đây”; Điều 2: “Quốc Hội đương nhiệm phải thành lập ngay Hội đồng chuẩn bị Bầu cử Quốc hội đa đảng chân chính đầu tiên. Hội đồng này phải biên soạn và công bố Luật về Đảng phái độc lập. Luật về Ứng cử, Bầu cử tự do dân chủ thật sự. Luật về Tự do Thông tin Ngôn luận, Tự do Báo chí, Luật về phát thanh, truyền thanh phi đảng phái”; Điều 3: Kêu gọi nhà cầm quyền phải cho các “đảng phái dân chủ” được tự do thành lập văn phòng và quyền tự do đi lại, quyền phát triển, xây dựng đảng, quyền tự do ngôn luận; Điều 4: Thả hết không được quản chế những “nhà đấu tranh cho tự do dân chủ, tôn giáo”. Đặc biệt là hủy bỏ Nghị định 56/2006/NĐ-CP về “tự do thông tin”, ban hành ngày 06-06-2006, và nhà cầm quyền đã đi ngược lại điều 19 Bản Công ước Quốc tế mà Việt Nam đã ký (Xin xem Chương III.1 của Bản Tuyên Ngôn 8406 nêu trên); Điều 5: Các đảng phái phải có quyền bình đẳng trong việc ứng cử và tranh cử trước công chúng; Điều 6: Phải áp dụng sự bình đẳng cho các đảng phái dân chủ trong việc đưa ra các ứng cử viên trong các cuộc bầu cử, không được khống chế núp dưới danh nghĩa của các tổ chức ngoại vi (vệ tinh) của đảng CSVN; Điều 7: Phải áp dụng sự công bằng trong việc hoạt động chính trị. Nhà cầm quyền không được dùng hệ thống truyền thông, công qũy, và phương tiện di chuyển của “nhà nước” khuynh đảo các đảng phái dân chủ; Điều 8: Hai lực lượng công an và quân đội phải đứng ngoài sinh hoạt chính trị, chỉ phục vụ “Bảo vệ An ninh Tổ Quốc và Dân tộc” chứ không phải phục vụ cho đảng CSVN. Điều 9: Phải để cho cử tri tự do tiếp xúc với ứng cử viên của các đảng phái dân chủ, nhà cầm quyền không được “mua chuộc, hù dọa, hay áp lực” họ; Điều 10: Trong cuộc bầu cử 2007 sắp tới phải có một “Ủy ban Quốc tế giám sát” và kiểm phiếu một cách “công minh và khoa học”. Sau cùng Khối 8406 tuyên bố nếu nhà cầm quyền bỏ bớt bất cứ điều nào trong 10 điều nói trên thì “Khối 8406, các Đảng phái dân chủ chân chính và toàn Dân VN phải kiên trì tẩy chay bất cứ cuộc bầu cử dân chủ giả hiệu nào dù độc đảng hay đa đảng”. Đại diện lâm thời của Khối 8406 cũng cho biết: đến hôm nay, Khối bao gồm hơn 1.730 thành viên quốc nội ký tên gia nhập. 5. NHẬN XÉT BẢN TUYÊN NGÔN 8406 Bản Tuyên Ngôn 8406 có hàng ngàn Công dân quốc nội, và hàng chục ngàn Đồng bào Hải ngoại ký tên ủng hộ, trong đó đặc biệt tại Úc Châu có các vị chủ tịch của BCH/ CĐNVTD/UC, cùng các tiểu bang và lãnh thổ. Ngày 20-06-06, nghĩa là sau hai tháng rưỡi, con số người ký tên gia nhập từ quốc nội lên đến hơn 1.730 người. Khi đọc Bản Tuyên Ngôn ngày 08-04-06, người viết cảm thấy nó dễ bị ngộ nhận, chưa hoàn chỉnh. Vì có lẽ để thăm dò phản ứng của nhà cầm quyền nên Bản Tuyên Ngôn 8406 tự nó chưa hoàn chỉnh vì thiếu hẳn điều kiện (a) Pháp trị. Nhưng khi đọc được “10 Điều Cơ Bản”, người viết cảm thấy nhẹ nhõm, lâng lâng, vì Bản Tuyên Ngôn 8406 và “10 Điều Cơ Bản” này hoàn thiện PTDC. Bây giờ chúng ta thử so sánh với Phương Trình Dân Chủ (PTDC) xem những đòi hỏi của Khối 8406 có hội đủ điều kiện cho tiến trình dân chủ hoá Việt Nam không? So sánh với PTDC ở điểm 2.4 trên, ta thấy: (a) Pháp trị: “Khối 8406, 10 điều cơ bản” ghi rõ ở Điều 1: “Quốc hội khóa 11 đương nhiệm do ĐCSVN dựng nên nầy phải công khai chính thức hủy bỏ điều 4 rất độc đoán và hoàn toàn mất dân chủ của Hiến Pháp trên đây”; Điều 2: “Quốc Hội đương nhiệm phải thành lập ngay Hội đồng chuẩn bị Bầu cử Quốc hội đa đảng chân chính đầu tiên. Hội đồng này phải biên soạn và công bố Luật về Đảng phái độc lập, Luật về Ứng cử, Bầu cử tự do dân chủ thật sự, Luật về Tự do Thông tin Ngôn luận, Tự do Báo chí, Luật về phát thanh, truyền thanh phi đảng phái” (So sánh phân tích ở điểm 2.1 nêu trên ta thấy hội đủ điều kiện pháp trị). (b) Đa đảng: Tuyên Ngôn 8406, Chương III, Điều 1 ghi rõ: “Thể chế chính trị ở Việt Nam hiện nay phải bị thay thế triệt để.... sang thể chế chính trị đa nguyên đa đảng”. (So sánh phân tích điểm 2.2 nêu trên, ta thấy hội đủ điều kiện đa đảng); (c) Phân quyền: Tuyên Ngôn 8406, Chương III, Điều 1 ghi rõ “Phân quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp phải được phân lập rõ ràng, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế”. (So sánh phân tích điểm 2.3 nêu trên ta thấy hội đủ điều kiện phân quyền). Thành thật mà nói, trong điều kiện khó khăn về cả tinh thần lẫn vật chất (những người soạn thảo bị theo dõi, bị khủng bố, máy vi tính bị tịch thu…), mà Khối 8406 đã hoàn thành hai bản văn rất có giá trị về lịch sử trong tiến trình dân chủ hoá Việt nam! Đây là những đòi hỏi chính đáng, đúng đường và khả thi cuả những công dân Việt Nam ưu tú và can đảm trong nước, phù hợp với PTDC cho Việt Nam. Điều đặc biệt nhất là hai văn bản được ký tên công khai. Người viết dành mọi sự kính phục cho Khối 8406. Đảng CSVN, một đảng thường dùng những từ “hoà hợp hòa giải”, nên xem đây là cơ hội dùng quyền hạn mình đang có để thể hiện những đòi hỏi tim óc và chính đáng của Khối 8406. Một quyết định có thể đi vào lịch sử bằng cửa chính diện! 6. VAI TRÒ CỦA CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TỰ DO HẢI NGOẠI Như trước đây người viết từng trình bày, cộng đồng người Việt chúng ta chắc chắn sẽ hiện diện lâu đời tại hải ngoại. Vì vậy, trước trách nhiệm đối với tổ quốc, dân tộc, Cộng Đồng cần đóng những vai trò như: - đối kháng lại sự cai trị độc tài CSVN, và tiếp tục đối kháng bất cứ chế độ độc tài nào manh nha thiết lập hậu cộng Sản tại Việt Nam; - yểm trợ và tiếp tục yểm trợ những đảng phái và phong trào đòi tự do chính trị hiện thời và mãi mãi trong tương lai; - trước mắt dồn mọi nỗ lực yểm trợ cho Bản Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ và 10 Điều Cơ Bản của Khối 8406, mở đầu cho một tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam. Câu hỏi được đặt ra là trong Khối 8406 có những “cò mồi” thì sao? Câu trả lời đúng đắn là chúng ta yểm trợ cho bản Tuyên Ngôn này vì nó đi đúng trọng tâm cho tiến trình dân chủ hoá Việt Nam. Còn về những “cò mồi”, thì chúng ta sẵn sàng nêu đích danh những hành động phản dân chủ của bất cứ cá nhân và tổ chức nào, như chúng ta đã và đang làm. Năm 1945 ông Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Ba Đình về tự do và dân chủ, nhưng ông và đảng của ông đã đánh lừa người dân thì ngày nay ông và đảng của ông đã và đang bị nguyền rủa thậm tệ. Người đời có hai cách đi vào lịch sử: một cửa quang minh chính đại là “cửa trước” và ngược lại để lại uế danh là “cửa sau”. Ông Hồ đi vào lịch sử Việt Nam bằng trường hợp thứ nhì, giống như những giới chức cao cấp của đảng CSVN công du các nước tây phương bị cộng đồng người Việt hải ngoại chống đối, nên thường cũng phải đi bằng trường hợp thứ nhì vậy. BCH/CĐNVTD/UC đang vận động chính giới Úc lên tiếng hỗ trợ cho Bản Tuyên Ngôn này theo như Quyết Nghị của Đại Hội lần thứ 18 của CĐNVTD tại Adelaide vào ngày 10 và 11 tháng 6 vừa qua. Chúng ta cùng nhau vận động thật đông ký để yểm trợ cho việc làm đầy chính nghĩa này. Phần chúng ta thì dư thời gian để nguyền rủa những cò mồi (nếu có), nhưng có qúa ít thì giờ để yểm trợ trong lúc cấp bách này. Chúng ta là những người tỵ nạn luôn luôn ở trong tư thế sẵn sàng, dưới sự lãnh đạo của các BCH/CĐNVTD Liên bang cùng các tiểu bang và lãnh thổ. Chúng ta nên xác nhận điểm đứng (standing point) và vai trò (role) của mỗi cá nhân, mỗi hội đoàn, đoàn thể, mỗi cơ quan truyền thông. Nếu không, dễ gây tác hại trong công cuộc đấu tranh chung. Có như thế chúng ta mới đáp ứng đúng đắn những nhu cầu giá trị của phong trào đòi tự do dân chủ trong nước. Bài viết này như là một chút lòng, được gởi qua địa chỉ mục đóng góp ý kiến, đến Khối 8406 trong nước. (Cựu Chủ tịch CĐNVTD/LBUC)
01-07-2006
Võ Minh Cương
Sydney, Úc Châu ngày 01 tháng 7 năm 2006