Ngọn Cờ Tự Do Dân Chủ
Nguyễn Minh Cần
Ngày 8.4.2006 đánh dấu một mốc nổi bật của phong trào dân chủ nước ta: 118 nhà đấu tranh dân chủ trong nước đã cho ra mắt bản Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ Cho Việt Nam 2006. Đây là một sự kiện lịch sử ghi nhận bước trưởng thành mới của phong trào dân chủ nước ta. Vì rằng dưới một chế độ độc tài toàn trị cực kỳ bạo ngược, với bộ máy công an hung hãn và mạng lưới mật vụ dày đặc ngày đêm rình rập, đàn áp khốc liệt, trong một môi trường dân tộc mà đại đa số sợ sệt cam chịu cúi đầu nhẫn nhục nhiều hơn là hăng hái đấu tranh... thế mà các chiến sĩ dân chủ trong nước đã tung ra được bản Tuyên Ngôn 2006 ngay trước ngày đại hội của đảng cầm quyền họp – thật là một việc làm vô cùng dũng cảm. Từ sự kiện này, nhiều người liên tưởng đến bản Hiến Chương 77 ra đời hồi năm 1977 đã thúc đẩy phong trào đấu tranh mạnh mẽ của trí thức, công nhân và dân chúng Tiệp Khắc và 12 năm sau đã đưa đến cuộc Cách Mạng Nhung, xoá bỏ nền thống trị cộng sản, giành lấy tự do, dân chủ thật sự cho người dân. Chúng tôi hy vọng với thời gian, bản Tuyên Ngôn 2006 sẽ vượt qua được mọi khó khăn, ngày càng phát huy hấp lực của nó và sẽ góp phần đưa cuộc đấu tranh vì tự do dân chủ ở nước ta tiến lên một bước cao hơn. Cố nhiên, muốn đạt được mong ước đó thì điều kiện tiên quyết là mọi lực lượng dân chủ chân thành yêu nước Việt Nam phải cùng nhau đoàn kết gắn bó, kiên trì đấu tranh dưới ngọn cờ mà bản Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ 2006 đã giương lên để cùng nhau đưa bản tuyên ngôn đó thâm nhập vào đại chúng đông đảo, thức tỉnh và tranh thủ trái tim đại chúng, làm cho số người dũng cảm gắn bó với phong trào dân chủ ngày càng đông đảo. Nhân đây, chúng tôi xin kể lại một chuyện cũ. Cách đây không lâu, hồi năm 1998-99, chúng tôi cũng đã cố sức vận động để đưa ra bản Tuyên Ngôn 2000 của các nhà dân chủ trong và ngoài nước, nhưng sự việc đã không thành. Hồi đó, chúng tôi đã tính toán đến hoàn cảnh cực kỳ khó khăn của các nhà dân chủ trong nước, nên trong bản dự thảo chỉ dám đưa ra một cách nhẹ nhàng các đòi hỏi về tự do dân chủ, nhưng sau khi cân nhắc thực trạng phong trào hồi bấy giờ, các nhà dân chủ trong nước cho rằng chưa có đủ điều kiện để tung ra một bản tuyên ngôn như vậy. Kể lại chuyện đó để thấy rằng dưới chế độ độc tài toàn trị, việc đưa ra một bản tuyên ngôn đòi tư do dân chủ khó khăn biết chừng nào, việc đó bắt buộc phải hội đủ những điều kiện chủ quan, khách quan và đặc biệt nó đòi hỏi một tinh thần hy sinh quên mình, lòng quả cảm cao độ của các chiến sĩ dân chủ. Nhắc lại chuyện cũ, chính là để chúng ta vui mừng nhận rõ là ngày nay phong trào dân chủ trong nước đã tiến được một bước đáng kể, đạt tới một cấp độ mới để các nhà dân chủ có thể tung ra ngay từ trong nước một bản Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ 2006 với lời lẽ đàng hoàng, thẳng thắn, lý lẽ rắn rỏi, sắc bén, đặt ra những mục tiêu và phương pháp đấu tranh minh bạch, cụ thể như vậy. Dĩ nhiên, về mặt nội dung của bản Tuyên Ngôn 2006, có thể có người này, người khác còn muốn thêm bớt điểm này, điểm nọ, nhưng phải công nhận rằng những điều cơ bản của cuộc đấu tranh cho một nền tự do đích thực, một chế độ dân chủ đa nguyên đều đã được nói rõ trong bản Tuyên Ngôn 2006. Cái chính là bản Tuyên Ngôn 2006 nói lên được khát vọng lớn của Dân tộc ta – một dân tộc đau thương, bị tiếm quyền, bị lừa bịp hàng bao thập niên đang cố vươn lên cuộc sống tự do dân chủ xứng đáng với Con Người (viết hoa) trong thế kỷ 21. Chính vì nhận thức như vậy, nên nhiều nhà dân chủ ở hải ngoại đã nhiệt liệt hoan nghênh và ủng hộ bản Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ 2006 của 118 nhà dân chủ trong nước. Một cuộc vận động ký tên sôi nổi đang diễn ra ở hải ngoại, trong tuần lễ đầu tiên đã có 9607 chữ ký cá nhân, và nhiều tổ chức đã ký tên tập thể. Còn ở trong nước, bất chấp mọi khó khăn, việc ký tên vẫn đang tiếp diễn âm thầm. Đó là một dấu hiệu đầy khích lệ. Tuy nhiên, “vạn sự khởi đầu nan”! Vượt qua bao gian nguy, bản Tuyên Ngôn 2006 vừa mới tung ra ngày 8.4, thì đến ngày 14.4 một văn bản gọi là “Tuyên Ngôn Dân Chủ/Lời Kêu Gọi Đại Đoàn Kêt Vì Một Nền Dân Chủ Thực Sự Cho Việt Nam” (thực ra, văn bản này là một lời kêu gọi đúng hơn là một tuyên ngôn) với nội dung khác hẳn bản Tuyên Ngôn 2006 và với một chữ ký duy nhất của ông Trần Khuê, thay mặt Ban trị sự Phong Trào Dân Chủ Việt Nam, đã được tung ra trước sự ngỡ ngàng của rất nhiều người. Hai văn bản dường như không khác nhau mấy về mục tiêu tự do dân chủ, nhưng về tinh thần và nội dung thì khác nhau rõ rệt. Điều khó hiểu là chính ông Trần Khuê trước đấy mấy ngày đã ký tên mình dưới bản Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ 2006 của 118 nhà dân chủ trong nước. Càng khó hiểu hơn nữa, ông Khuê nhân danh Phong Trào Dân Chủ Việt Nam, nhưng khi một số người hỏi cụ Hoàng Minh Chính là người cách đây không lâu đã tuyên bố cho ra mắt Phong Trào Dân Chủ Việt Nam, thì cụ Chính nói rằng cụ chỉ biết và công nhận bản Tuyên Ngôn 2006 mà cụ đã ký. Trong lúc đó, ngày 15.4, tại California, Hoa Kỳ, ông Nguyễn Xuân Ngãi thay mặt cho Phong Trào Dân Chủ Việt Nam tại hải ngoại đã tổ chức công bố Tuyên Ngôn Dân Chủ của ông Trần Khuê. Một số người đến tham dự cứ tưởng là sẽ công bố bản Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ Cho Việt Nam 2006, khi biết được là bản tuyên ngôn khác mới thật sự “ngã ngửa ra”! Trong buổi công bố này, người ta đã đọc bài phát biểu của cụ Hoàng Minh Chính. Theo một số người cho biết, trước đó cụ Chính cũng cứ ngỡ là công bố bản Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ Cho Việt Nam 2006 mà cụ đã ký. Những người thiết tha với sự nghiệp dân chủ hoá nước nhà rất thắc mắc trước tình trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” này. Để mọi người hiểu rõ thật hư, ngày 16.4, Linh Mục Nguyễn Văn Lý, một trong những người soạn thảo và ký tên dưới bản Tuyên Ngôn 2006 đã đưa ra một lời minh định, kể rõ sự tình của quá trình soạn thảo và vận động ký tên, đồng thời nói rõ Phong Trào Dân Chủ Việt Nam (viết hoa) là danh xưng một tổ chức mới ra mắt ở Hoa Kỳ. Ngoài cụ Hoàng Minh Chính, ông Trần Khuê (trong nước) và ông Nguyễn Xuân Ngãi (ở hải ngoại) còn có những ai là thành viên tổ chức này nữa thì không được rõ. Còn phong trào dân chủ Việt Nam (không viết hoa) là một cuộc vận động có tính quần chúng thực sự rộng rãi, bao gồm nhiều nhóm phái, tổ chức có cùng mục đích chung đấu tranh giành quyền tự do dân chủ. Đó là những chuyện lủng củng, trục trặc, vấp váp đầu tiên. Phong trào dân chủ chưa thoát khỏi tình trạng chia rẽ mấy năm qua, nay lại xảy ra chuyện này. Thật đáng buồn! Chúng tôi nghĩ rằng trên nguyên tắc dân chủ, dĩ nhiên, ông Khuê hay bất cứ ai cũng có quyền ra bất cứ tuyên bố, tuyên ngôn nào mà mình thích. Nhưng đồng thời cũng có một nguyên tắc nữa bắt buộc một nhà trí thức dân chủ, một nhà chính trị phải tuân theo – đó là nguyên tắc của nếp sống văn minh, của cách xử sự tử tế và thái độ trung thực về mặt chính trị. Ai vi phạm nguyên tắc này thì xã hội cũng có quyền phê phán. Nhưng, thiết nghĩ, lúc này không phải là lúc để đôi co, chì chiết nhau, làm chia rẽ thêm hàng ngũ của chúng ta nữa. Sự thể đã xảy ra thế này rồi thì xin các nhà dân chủ trong và ngoài nước, cũng như đại chúng cứ nghiên cứu kỹ nội dung mỗi bản tuyên ngôn để tự mình đánh giá, lựa chọn và quyết định ủng hộ bản tuyên ngôn nào thì cứ vận động đông đảo người đồng tình cùng ký tên dưới bản đó. Chữ ký của mỗi người lúc đó càng có thêm trọng lượng và giá trị vì đã qua sự lựa chọn kỹ càng. Âu cũng là một dịp để chúng ta thực tập cái quyền tự do lựa chọn rất cần thiết cho cuộc sống dân chủ sau này. Chúng tôi hy vọng rằng với thời gian, những người dân chủ trong và ngoài nước cũng như đại chúng sẽ phân biệt rõ bản tuyên ngôn nào nói lên được khát vọng của dân tộc, đề ra được mục tiêu đấu tranh rõ ràng, xứng đáng là lá cờ chân chính của phong trào dân chủ nước ta, còn bản tuyên ngôn nào chỉ là những lời lẽ kêu gọi chung chung, mờ nhạt, yếu ớt không đáng được quan tâm. Sự sàng lọc của đại chúng và của thời gian là chính xác nhất. Trong tình hình hiện nay, chúng tôi không muốn phân tích, phê phán bản tuyên ngôn nào để các bạn đọc hoàn toàn khách quan, tự do lựa chọn theo sở nguyện của mình. Tuy nhiên, trong bản Tuyên Ngôn Dân Chủ/Lời Kêu Gọi... (ngày 14.4) có một câu mà chúng tôi thấy cần bàn thêm cho sáng tỏ: “Nhại lại Descartes đã đề cao một chiều lý tính ở con người, Soloviev đưa ra một định thức mà theo chúng tôi đáng được tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, dân tộc, giai cấp, ghi tạc trong tâm thức: Tôi xấu hổ tức là tôi tồn tại” .... Chúng tôi hy vọng tất cả 1178 đại biểu sắp dự Đại hội X đều ghi tạc trong tâm thức của mình cái định thức giàu ý nghĩa trên” (ghi lại đúng nguyên văn). Nói một cách dễ hiểu hơn, tác giả văn bản ngày 14.4 bày tỏ lòng hy vọng là tất cả 1178 đại biểu tại Đại hội X của đảng cộng sản sẽ biết xấu hổ trước tình trạng tụt hậu của đất nước. Không bàn đến câu nói của triết gia Nga V.Soloviev (1853-1900), hay văn phong của câu viết, chúng tôi chỉ xin trao đổi thêm về cái sự “biết xấu hổ” của những người lãnh đạo cộng sản nước ta mà thôi. Nhiều năm trước, chúng tôi đã viết rằng “đảng cộng sản từ lâu đã biến chất rõ rệt”. Nói thế, có nghĩa là từ sau khi nắm được toàn bộ quyền lực ở trên một nửa đất nước hồi năm 1954, đảng cộng sản đã mất tính cách mạng, không còn là đảng của quần chúng lao động, mà trở thành đảng của giai cấp thống trị đè đầu cưỡi cổ đại chúng, cai trị đất nước bằng khủng bố và lừa mị. Những cuộc khủng bố kinh hoàng nhất mở đầu thời kỳ đó là cuộc cải cách ruộng đất đẵm máu ở miền Bắc, tiếp theo là “vụ án Nhân Văn-Giai Phẩm”, “vụ án Xét lại-chống Đảng”. Sau khi thiết lập nền thống trị trên cả nước hồi năm 1975, đảng cộng sản lại càng lộ rõ tính độc tài toàn trị hơn nữa, nhóm thống trị chóp bu của đảng thực sự là những kẻ độc tài độc ác không kém gì, thậm chí còn hơn bọn thống trị dưới chế độ cũ! Hơn một thập niên đầu tiên từ năm 1975, nhóm thống trị đó đã công nhiên trình diễn tính hung bạo của một nền chuyên chính không hạn chế, tính phiêu lưu của những chính sách điên cuồng đẩy cả dân tộc và đất nước vào thảm hoạ. Và ngay bản thân đảng cộng sản cũng bị dồn đến bờ vực thẳm, suýt sụp đổ. Chỉ đến khi đó, giai cấp thống trị cộng sản mới chịu nới ra một tí về mặt kinh tế, nhưng vẫn nắm chặt nền chuyên chế về chính trị. Ngày nay, đảng cộng sản và đặc biệt là giai cấp cầm quyền thống trị đảng thực sự là một lực cản lớn kìm hãm sự tiến bộ của đất nước. Xin hãy nhìn vào thực tế nước ta để xem giới lãnh đạo cộng sản có biết xấu hổ hay không? Năm mươi năm trước, các lãnh tụ cộng sản “phóng tay phát động” cải cách ruộng đất để tiêu diệt giai cấp địa chủ trên miền Bắc (tính chung, có đến 71,6% người bị oan! – đấy là theo tài liệu chính thức của đảng) thế mà ngày nay không ít quan chức cộng sản đã trở thành địa chủ cường hào cưỡng chiếm ruộng đất của dân, bóc lột nông dân! Cũng năm mươi năm trước, những người lãnh đạo cộng sản đã tiến hành “cuộc cải tạo” (danh từ du nhập từ Trung Quốc) để xoá bỏ giai cấp tư sản trên miền Bắc, và khoảng ba mươi năm trước, họ đã tổ chức đấu tố, cướp đoạt của cải giai cấp tư sản ở miền Nam, thế nhưng bây giờ thì không ít những người lãnh đạo cộng sản và con cái họ đã nghiễm nhiên trở thành những “đại gia”, những “ông/bà tư sản đỏ”! Từ khi cướp được chính quyền, các lãnh tụ cộng sản mồm cứ leo lẻo “nhân dân làm chủ”, “cán bộ là đầy tớ của dân”, nhưng trên thực tế thì “đầy tớ” tham nhũng lại cứ thẳng tay bóc lột, cướp đoạt, áp bức “ông chủ” đến nỗi người dân phải kêu lên “mồm xưng đầy tớ, tay vớ tiền dân”! Như vậy, thực tiễn trong nửa thế kỷ qua chứng tỏ rằng giới thống trị cộng sản nước ta đã mất hết khả năng biết xấu hổ từ lâu rồi. Hy vọng tất cả cái đám 1178 đại biểu đại hội đảng, hầu hết là những quan chức được Ban tổ chức của đảng sàng lọc, lựa chọn kỹ càng, chủ yếu gồm toàn bộ sậu các cơ quan lãnh đạo trung ương, các “đại thần” ở các tỉnh, thành phố, sẽ biết xấu hổ thì cái hy vọng đó thật quá ư hão huyền! Chính vì biết chắc là cái đám đại biểu này sẽ nhắm mắt, bịt tai, ù lỳ trước mọi đề nghị chân thành và chí lý của các nhà trí thức, các chuyên gia trong và ngoài đảng, biết chắc là cái đám đại biểu này sẽ ngoan ngoãn “nói thuội”, “nói vuốt đuôi”, “nói lấy lệ” và cúi đầu làm theo lời chỉ bảo của cái nhóm chóp bu để giữ được “cái ghế” đang ngồi và còn hy vọng leo cao hơn, nên phần đông dân chúng Việt Nam hoàn toàn thờ ơ với công việc của đại hội đảng. Thật vậy, theo dõi quá trình Đại hội X đang họp, cũng như đọc kỹ các văn kiện đã đưa ra tại đại hội, mỗi người biết suy nghĩ đều thấy ngán ngẩm vì quanh đi quẩn lại vẫn là những lời nói mê sảng nhàm chán muôn thuở: “kiên trì chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh”, “kiên trì chủ nghĩa xã hội”, “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, v.v. và v.v... Có thể nghĩ rằng cái não trạng bảo thủ của giới lãnh đạo đã bị bê tông hoá từ lâu rồi! Nhưng thật ra, đó là một sự bảo thủ cố tình, vì chính bản thân giai cấp thống trị cộng sản hiện nay không muốn và cũng không thể đổi mới toàn bộ và triệt để cái cơ chế độc tài toàn trị đã quàng trên cổ dân ta. Họ chỉ có thể vá víu một cách hời hợt, hình thức bề ngoài mà thôi để cố giữ vững quyền lực. Mà như vậy thì không thể nào đáp ứng được sự đòi hỏi của đại chúng, càng gây thêm bế tắc cho xã hội và không giải quyết được vấn đề căn bản để tiến lên, tức là vấn đề tự do dân chủ mở đường cho sự phát triển của đất nước. Chờ mong, hy vọng ở Đại hội X của đảng này quả là điều không tưởng! Cố nhiên, chúng ta đều biết rõ là trong đảng cộng sản vẫn còn có nhiều người tốt, âm thầm yêu nước, yêu dân. Phần đông họ là những đảng viên bình thường sống gần gũi cuộc sống của người dân, họ lại vô quyền, họ bất bình vì cảnh tụt hậu của đất nước, vì sự bất công xã hội, vì nạn tham nhũng tràn lan, vì cái hố ngăn cách giàu nghèo quá lớn, và họ dần dần thấy được sự thống trị độc đoán của giới lãnh đạo, nhưng số đông họ còn sợ sệt và cam phận. Những người đảng viên này khi thức tỉnh có thể đứng chung trong mặt trân dân chủ cùng với giới trí thức và các tầng lớp bình dân và họ sẽ có vai trò xứng đáng trong cuộc đấu tranh cho sự nghiệp dân chủ chung. Nhưng những người dân chủ không thể hy vọng gì ở tầng lớp đang nắm quyền thống trị trong đảng. Ngay cả những “ông lớn” đã về hưu, thỉnh thoảng hắt hơi vài câu “có vẻ dân chủ”, thì những người dân chủ cũng chớ vội hân hoan, tâng bốc họ lên mây. Chẳng hạn như ông cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông ta làm ra vẻ hăng hái đề nghị cái này cái nọ “có vẻ cấp tiến” trước ngày đại hội đảng họp, nhưng về thực chất đến hôm nay ông vẫn là một trong những kẻ hăng hái tụng kinh “kiên trì chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh”! Ông làm ra vẻ “cởi mở”, nhưng cái nghị định phát xít 31/CP mà ông ta đã ký để quản chế - thực chẩt là giam cầm tại gia - hàng trăm người bất đồng chính kiến, thì ông có đề nghị xoá bỏ đâu? Ngay cả khi ông Hà Sĩ Phu xin ông cựu thủ tướng công khai nói lên một tiếng về cái nghị định đó – một việc rất dễ làm trong vị trí của ông ta – thế nhưng ông cũng lờ đi. Hay như tướng Võ Nguyên Giáp, ông viết thư cho bộ chính trị về vụ TC2, T4 cũng là để làm sáng tỏ cái việc ông và một số vị bị vu khống làm gián điệp, và mọi lời đề nghị của ông với trung ương đảng cũng chỉ nhằm củng cố thêm bộ máy thống trị của đảng, chứ ông có quan tâm gì đến chuyện tự do dân chủ thực sự cho người dân đâu? Chung quy lại thì tự do dân chủ của nhân dân chỉ có thể giành được bằng bàn tay và sức mạnh của đại chúng, của những con người bình thường, chứ không thể mong đợi, hy vọng, cầu xin gì được ở giai cấp thống trị. Hoàn cảnh đấu tranh của các người dân chủ nước ta cực kỳ khó khăn. Để không bị động trước mọi tình thế, họ cần phải lượng định trước mọi gian khổ sẽ gặp phải trên mỗi bước tiến của phong trào, những âm mưu thâm độc ngày càng xảo quyệt của giai cấp thống trị, những đòn khủng bố tàn bạo của bọn độc tài “kiểu phong kiến Á châu”, cũng như những hành vi “thọc gậy bánh xe” vì lòng ganh tị nhỏ nhen hay tính biệt phái thấp hèn... của một số người. Phải hết sức cảnh giác với những “tổ chức dân chủ cuội”, những “nhà dân chủ rởm” do bọn cầm quyền giật dây để đánh phá, chia rẽ phong trào. Đồng thời chúng ta cần thấy rõ rằng giai cấp thống trị dù có xảo quyệt và gian ác thế nào đi nữa cũng không thể dẹp tan được phong trào đấu tranh dân chủ ở nước ta, và tiền đồ của phong trào đó rất xán lạn. Chưa bao giờ phong trào dân chủ nước ta có được những tiềm năng to lớn như hiện nay, những tiềm năng cả bên ngoài lẫn bên trong. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải biết khai thác, tận dụng những tiềm năng đó cho cuộc đấu tranh chung. Sự ủng hộ của các nước dân chủ, các tổ chức dân chủ trên thế giới đối với cuộc đấu tranh vì tự do dân chủ ở nước ta ngày càng mạnh hơn trước, có thể tạo áp lực lớn với giới cầm quyền, giúp cho phong trào dân chủ có thêm điều kiện thuận lợi để phát triển, giúp cho xã hội dân sự được bén rễ và phát triển ở nước ta. Sự hợp đồng đấu tranh vì mục đích chung giữa các nhà dân chủ trong và ngoài nước ngày một nhịp nhàng, uyển chuyển và nhanh nhạy hơn trước nhiều đã tăng thêm sức mạnh của phong trào. Tuy nhiên, những tiềm năng to lớn nhất và căn bản nhất nằm chính ngay trong lòng nước ta. Đó là hàng chục triệu quần chúng bị áp bức, bóc lột ngày càng nhận rõ được bộ mặt giả dối, lừa mị của giới cầm quyền và hết sức căm ghét bọn cường quyền tham nhũng. Đó là hàng triệu bà con nông dân khốn khổ, bị cướp nhà cướp đất, đang đấu tranh hàng chục năm ròng rã để chống lại bọn tham quan ô lại “đỏ”, bọn cường hào ác bá “mới”, để đòi lại nhà đất, đòi khôi phục lại công lý cho mình. Đó là hàng chục vạn công nhân đang sôi sục đấu tranh chống áp bức bóc lột, càng ngày càng thấy rõ bộ mặt thật của đảng cứ xưng xưng vỗ ngực “Đảng cộng sản Việt Nam là đội tiền phong của giai cấp công nhân”, nhưng khi quần chúng công nhân đứng lên đấu tranh cho quyền lợi của mình thì chính đảng cộng sản, tổ chức công đoàn tay sai của đảng, chính quyền trong tay đảng lại ra sức ngăn cản để bảo vệ cho quyền lợi của giới chủ nhân, thậm chí cho công an bắt bớ đánh đập nhiều người đấu tranh. Đó là hàng chục vạn sinh viên, học sinh chán ngán những môn học nhồi sọ về chủ nghĩa Marx-Lenin, về tư tưởng Hồ Chí Minh, về lịch sử Đảng, đang bi quan vì sau khi ra trường không kiếm được việc. Đó là hàng chục vạn thanh niên thất nghiệp phải đem thân cho đảng dùng làm món hàng “xuất khẩu lao động”, hàng vạn chị em phụ nữ phải nhục nhã bán thân cho người nước ngoài để lấy tiền nuôi gia đình. Đó là hàng triệu tín đồ của các tôn giáo nước ta đang uất hận vì sự bóp nghẹt của giới thống trị đối với quyền tự do tôn giáo, hàng triệu đồng bào các dân tộc thiểu số bị cướp đất, bị đẩy vào cảnh khó khăn, túng thiếu mọi bề. Đó là những nhà văn, nhà báo, những nghệ sĩ bất bình với sự kiểm soát tư tưởng, sự kiểm duyệt tác phẩm mà đảng thực hiện qua bàn tay bọn “cai tù” văn nghệ... Đấy, tiềm lực của phong trào dân chủ Việt Nam lớn lao như vậy đó. Niềm hy vọng của chúng ta phải đặt vào cái tiềm lực đó, vào cái khối quần chúng đông đảo đó. Chúng ta cần dũng cảm đi vào khối quần chúng đó mà vận động, giúp đỡ họ trong cuộc đấu tranh vì quyền sống, vì quyền tự do dân chủ, khéo léo tổ chức họ lại. Làm được như vậy thì phong trào dân chủ nước ta sẽ có được sức mạnh vô địch có khả năng quyết định bước tiến và tương lai của dân tộc. 118 chiến sĩ dân chủ trong nước đã dựng lên ngọn cờ đấu tranh rồi, đã tung ra một bản tuyên ngôn với mục tiêu đấu tranh rõ ràng minh bạch rồi, thì chính lúc này mọi người Việt Nam yêu nước hãy đoàn kết lại với nhau để cùng nhau hành động bất chấp mọi gian nguy. Tương lai tươi sáng của một nước Việt Nam tự do, dân chủ, giàu mạnh đang vẫy gọi chúng ta! 21.04.2006 Nguyễn Minh Cần