Lá thư từ Việt Nam
(Khối 8406 dưới mắt người ngoại quốc)
(Khối 8406 dưới mắt người ngoại quốc)
Dustin Roasa.
(The Nation, Jan 25-2008)
(The Nation, Jan 25-2008)
Khánh Đăng lược dịch
Bánh của chiếc xe tắc-xi trơn trượt trong cơn mưa tầm tã buổi trưa khi chúng tôi phóng nhanh trên đường Nguyễn Kiệm. Bây giờ đang là mùa mưa tại TPHCM. Những người bán hàng với các cây chổi cao ngang thắt lưng, cố quét nước khỏi lối đi của khách bộ hành, nhưng nước mưa lại càng tràn vào thêm. Tôi trả tiền cho người tài xế rồi chui vào một quán cà phê, để lại đằng sau một đống xe gắn máy đang rú ga và những tiệm quần áo với đèn nê-on sáng choang ở quận Phú Nhuận. Tôi lựa một chỗ ngồi trong một góc tối ở tầng trên và gọi một ly sữa đá, là cà phê đen đặc với đá và một lớp sữa đặc có đường, ngọt đến muốn đau răng. Đỗ Nam Hải đến vài phút sau đó. Anh có một khuôn mặt tròn sạm nắng và mặc quần dài gấp nếp vải kaki với áo polo bỏ trong quần mà tại Việt Nam thì chứng tỏ là đã có thời gian ở nước ngoài. Anh Hải bước vào một cách tự tin, nhưng với một chút ít gượng gạo - có vẻ như là anh cố tự thuyết phục chính anh và những ai đó có thể đang theo dõi anh rằng việc anh vào đây là chuyện bình thường.'Có công an ở đây sao?" Tôi hỏi anh. "Vâng, dĩ nhiên là có. Họ đang ở tầng dưới," anh vừa trả lời vừa cười một cách hầu như là bối rối, như thể là có một người khách không quen nào đó đã đeo theo anh. Như đã được đoán truớc, một cái đầu nhô lên từ tầng bên dưới, nhìn quanh phòng, xem bàn của chúng tôi ở đâu rồi biến mất. Việc này xảy ra thêm nhiều lần trong lúc chúng tôi nói chuyện.Anh Đỗ Nam Hải, 48 tuổi, là một trong những nhà bất đồng chính kiến thường hay mạnh mẽ lên tiếng. Qua nhiều lá thư và bài tiểu luận được loan truyền trên mạng Internet, anh kêu gọi ĐCSVN đang cai trị đất nước hãy đứng sang một bên và cho phép tổ chức bầu cử đa đảng. Anh cũng yêu cầu rằng nhà nước nên để cho người dân được tự do ngôn luận, tự do hội họp và tự do tín ngưỡng. Vì thế mà bây giờ hàng ngày anh phải chịu đựng những sự sách nhiễu và bị công an mật vụ theo dõi. Họ liên tục cắt đường dây điện thoại của anh và ngăn cản anh không được gặp gỡ bạn bè. Anh không có việc làm kể từ năm 2004, khi ông chủ của anh, dưới áp lực của công an, đã sa thải anh khỏi một vị trí ở một ngân hàng. Chỉ mới đây thôi, cũng tại quán cà phê này, công an đã đánh đập và lôi anh về "cơ quan để làm việc", một trong nhiều buổi "làm việc" như vậy. Anh chưa khi nào bị đi tù, nhưng anh không chắc chắn là sẽ không bao giờ bị đi tù. "Tôi nghĩ rằng một ngày nào đó, tôi sẽ đi tù," anh nói với tôi. "Nhưng tôi tin những cái mà tôi đang làm, sẽ làm cho đất nước được tốt đẹp hơn. Tôi không sợ hãi."Đảng cộng sản đang duy trì một lối cai trị độc đảng tại Việt Nam. Họ cấm đoán mọi sự đối lập chính trị, không được sở hữu và điều hành các cơ quan truyền thông báo chí trong nước, và kiểm soát chặt chẽ hầu hết mọi phương diện trong đời sống dân sự của đất nước. Đảng đối phó một cách lẹ làng và cứng rắn với các thành phần chống đối, là những người hiếm có kể từ khi miền Bắc, bằng một cách gượng ép, đã thống nhất đất nước vào năm 1975. Những người có tư tưởng chống đối thường là các nhà trí thức lẻ loi, phát tán các bản tin bằng thư bí mật của họ cho một tầng lớp độc giả nhỏ nhoi, hoặc các văn nghệ sĩ nguỵ trang sự phê phán của họ trong các hình thức tượng trưng. Chỉ trích nhà nước một cách công khai tức là tự ký cho mình một bản án tù và một cuộc đời bị cô lập, là một hướng đi mà rất ít người lựa chọn. Tất cả đã được thay đổi vào tháng Tư năm 2006. Một nhóm gồm nhiều nhà bất đồng chính kiến, trong đó có anh Đỗ Nam Hải đã viết ra một bản tuyên ngôn ủng hộ cho dân chủ và đưa lên mạng. Nếu công an có phản ứng thì điều này đã được đoán trước, nhưng sự đáp ứng của quần chúng thì (đã) không (được đoán trước). Hơn một trăm người đầu tiên đã ký vào bản tuyên ngôn, một điều ngỡ ngàng lại càng ngỡ ngàng hơn khi những người ký tên quyết định công khai hóa tên tuổi lẫn địa chỉ của họ. ("Bốn tiếng đồng hồ sau khi chúng tôi đưa lên mạng một bản, thì công an tịch thu máy tính của tôi. Rồi họ bắt cả tôi!")Cuối cùng, hơn 2 ngàn người bên trong Việt Nam đã ký tên, cùng với 30 ngàn người Việt hải ngoại. Nhóm này trở thành Khối 8406, danh xưng được đặt theo ngày của bản thỉnh nguyện thư thứ hai, nhưng cũng trong tinh thần của bản Hiến chương Charter 77 của Tiệp Khắc. Các chữ ký đến từ mọi miền của đất nước, là một điều đáng chú ý tại Việt Nam, vì văn hoá riêng biệt của từng miền bắc, trung và nam. Họ là các bác sĩ, luật sư, khoa học gia và cả các cựu quân nhân của quân đội miền Bắc. Việt Nam chưa bao giờ thấy có một tổ chức đối lập vào tầm cỡ này trong hàng thập niên qua."Khối 8406 khác với các tổ chức chống cộng của thập niên 1980 và 1990, hầu hết tất cả các tổ chức này đều được đặt tại hải ngoại. Phần nhiều trong số các tổ chức này trong các cơ cấu bằng nhau, đều ủng hộ phương pháp bạo động và mục đích không thực tế", theo bà Sophie Richardson, phụ tá giám đốc Tổ chức Giám sát Nhân quyền, khu vực Á châu. "Các nhà bất đồng chính kiến của Khối 8406 thì đang dùng phương pháp ôn hoà và không đề nghị dùng bạo động lật đổ chính quyền. Đây là một phương pháp đúng đắn hơn để đối đầu với lời tuyên truyền của Đảng cộng sản cho rằng họ đại diện cho toàn dân." Khi quyết định để ra mắt công khai, các nhà bất đồng chính kiến đã chọn một sự rủi ro có tính toán. Việt Nam sắp sửa được nhận vào làm thành viên của Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO), một phần thưởng mà đảng đã thèm muốn từ lâu, và lúc đó các nhà lãnh đạo thế giới sắp "hạ mình" tụ họp đến Hà Nội vào cuối năm đó để tham dự hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn hợp tác kinh tế Á châu Thái Bình dương.Trong thời gian chuẩn bị cho các sự kiện nổi bật này, tình trạng nhân quyền của Việt Nam đang bị quốc tế chú ý, và nhà nước cần phải tránh né các vụ xì-căng-đan. Mặc dù nhà cầm quyền đã sách nhiễu và "mời làm việc" nhiều nhà bất đồng chính kiến trong những tuần lễ này và những tháng sau khi bản tuyên ngôn đã được đưa lên mạng, nhưng nhà nước cộng sản không thể làm gì hơn. "Rất nhiều người từ khắp mọi miền của đất nước không cảm thấy vui vẻ gì với hệ thống độc đảng này. Người Việt Nam muốn có dân chủ. Tôi biết điều này vì họ bảo tôi như vậy. Tôi hiểu tâm tư nguyện vọng của họ".Nhưng sau khi đảng CSVN đạt được phần thưởng WTO vào năm 2007, thì họ bắt đầu ra tay thoải mái mà không lo ngại đến phản ứng của quốc tế. Công an, với ý định là muốn dằn mặt, đã bắt giữ 11 nhà tranh đấu. Vào mùa xuân năm ngoái, trong một chuỗi những vụ xử án theo kịch bản, toà án Việt Nam đã kết án họ có âm mưu lật đổ nhà nước và tuyên các bản án tù từ 18 tháng đến 8 năm. Tổng cộng tất cả có khoảng 20 nhà bất đồng chính kiến bị bỏ tù vào năm ngoái, nâng tổng số các thành viên của Khối 8406 và thân hữu đang bị tù đày lên khoảng 40 người, theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền cho biết. Nhưng dù sao đi nữa thì cuối cùng chế độ Hà Nội cũng không thể tránh được sự xấu hổ.Trong vụ xử cha Nguyễn Văn Lý, một linh mục từ Huế, là người đã giúp anh Đỗ Nam Hải viết bản tuyên ngôn 8406, khi báo chí truyền thông nước ngoài đang theo dõi trên màn ảnh truyền hình riêng thì một nhân viên an ninh mật vụ đã bịt miệng bị cáo khi ông dự tính hô to những khẩu hiệu chống cộng sản. Hình ảnh cha Lý bị bịt miệng được phổ biến trên các cơ sở truyền thông thông tin khắp thế giới, đã trở thành một trọng tâm để vận động cho phong trào.Các vụ xử án và bỏ tù đã thành công trong việc đưa phong trào trở lại hoạt động kín đáo. Trong đêm cuối cùng tại TP Sài Gòn, tôi mò mẫm tìm lối đi xuống một con đường hẻm tối mò dẫn đến nhà Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, 65 tuổi, một bác sĩ chuyên khoa nội tiết và là một nhà bất đồng chính kiến kỳ cựu. Khi tôi vừa đến cửa nhà ông [thật sự là ngay cả trước khi tôi nhận ra là tôi đã đến cửa], thì con trai ông xuất hiện, kéo nhanh tôi vào trong nhà và lẹ làng đóng tất cả các màn cửa lại. Tôi ngồi xuống nói chuyện với Bs. Quế, một người đàn ông lịch thiệp nói tiếng Anh bằng giọng Pháp, và giọng nói của ông càng lúc càng trở nên nghiêm trọng hơn khi ông đề cập đến một điểm quan trọng.Ông nói, "Đây là một thời gian rất khó khăn cho phong trào của chúng tôi. Tôi gặp trở ngại ngay khi cả muốn rời khỏi nhà. Kế hoạch của nhà cầm quyền là cô lập chúng tôi khỏi quần chúng." Bs. Nguyễn Đan Quế là một nhà tranh đấu kể từ năm 1974, khi ông trở về Việt Nam để xây dựng lại đất nước bị tan nát vì chiến tranh sau 7 năm ở Âu châu. Được khuyến khích bởi dư luận ở Âu châu về vấn đề thống nhất Đông và Tây Đức, ông Quế nhanh chóng gặp rắc rối với nhà cầm quyền. "Tôi có cảm giác là phải có một kế hoạch mới cần thiết cho Việt Nam sau chiến tranh. Thành phần quốc gia bên phải và phe cộng sản bên trái không thể đưa Việt Nam tiến lên. Cần có một đưòng hướng chính trị mới cho sự hợp tác Nam-Bắc. Năm 1975, lãnh thổ Việt Nam đã được thống nhất, nhưng trái tim thì không", ông nói, tay vỗ nhẹ vào ngực.Trong 33 năm qua thì Bs. Quế đã ở tù hết 20 năm. Giữa các bản án tù riêng biệt, nhà cầm quyền đã áp lực buộc ông phải rời khỏi nước, nhưng ông từ chối. Ông nói rằng ông vẫn còn rất nhiều việc phải làm ở đây. Trong con mắt của ông thì cuộc nội chiến của Việt Nam đã không chấm dứt vào năm 1975; sự kết thúc thật sự sẽ không đến trừ khi có một chính phủ tại Hà Nội đại diện cho toàn thể 85 triệu người Việt Nam. Nhưng nền kinh tế đã gia tăng nhanh chóng kể từ năm 1986, khi nhà nước bắt đầu một tiến trình giải phóng kinh tế, và đảng đã nhanh chóng tự nhận công lao cho mình về điều này. Việt Nam có chỉ số tăng trưởng kinh tế GDP cao thứ nhì tại Á châu trong năm 2006 và tiêu chuẩn đời sống đã gia tăng. Nhưng Bs. Quế vẫn phủ nhận điều này. Ông nói, "Dĩ nhiên thì đời sống bây giờ có khá hơn là đang lúc chiến tranh. Nhưng đây chỉ là sự so sánh giữa cam và táo. Đảng muốn dùng việc phát triển kinh tế này để duy trì quyền lực. Họ săn sóc cho chính họ trước, rồi mới đến người dân sau. Toàn bộ những thành đạt của nền kinh tế Việt Nam cho đến nay vẫn còn yếu kém, vì không có một sự tiến bộ song song nào giữa xã hội và chính trị.".Thực vậy, đa số được hưởng lợi từ sự tăng trưởng này là một thành phần ngoại vi có nhiều liên hệ với đảng; ở nông thôn thì lợi tức trung bình tính theo đầu người vẫn ít hơn $2 đô la một ngày.Việc bảo đảm cho vấn đề tăng trưởng trong tương lai là sự đau đầu mới cho đảng, dưới các hình thức như các cuộc biểu tình của nông dân nghèo và các vụ đình công của công nhân. Để thu hút đầu tư nước ngoài, các chính quyền địa phương thường trưng thu đất đai của nông dân để xây dựng các khu kỹ nghệ và vùng kinh tế tự do, một chính sách mà nhiều nông dân đã phản đối vào mùa hè năm trước, trong một cuộc xuống đường biểu tình chưa bao giờ có tại TP Sài Gòn và Hà Nội. Tại các hãng xưởng ở các khu kỹ nghệ và vùng kinh tế tự do, việc đình công đã xảy ra như cơm bữa vì lương thấp và điều kiện làm việc xấu. Bs. Quế nói rằng phong trào dân chủ đang hoạt động hăng say để nối kết với các đồng minh có nhiều triển vọng này, nhưng bị nhà nước gây cho nhiều khó khăn.Dù muốn hay không thì ĐCSVN sẽ phải tiếp tục đối phó với sự giám sát cặn kẽ khi đưa Việt Nam hội nhập thêm vào cộng đồng thế giới. Vào tháng 10, Việt Nam lần đầu tiên được chọn lựa làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Trong lúc các nhà bất đồng chính kiến không đồng nhất về ý nghĩa của việc này [Một người nói với tôi, "Đơn giản đây chỉ là một chiến thắng về mặt tuyên truyền cho nhà nước"; người khác thì nói rằng, "Việc này sẽ buộc nhà nước phải cởi mở hơn"], nhưng tất cả đều đồng ý rằng cộng đồng thế giới sẽ có một vai trò quan trọng trong công cuộc đấu tranh của họ. Được đặt ở vị trí cao trong danh sách của mọi người là Hoa Kỳ, là đối tác thương mãi lớn nhất của Việt Nam, Hoa Kỳ là quốc gia có thể cho rằng họ có ảnh hưởng rất lớn đối với chế độ Hà Nội.Mặc dù hiện thời có nhiều lời tuyên bố về việc quảng bá dân chủ được đưa ra từ Toà Bạch Ốc, nhưng chính các viên chức phục vụ trong ngành ngoại giao và các nhân viên của các tổ chức phi chính phủ (NGO) là những người đã làm nhiều nhất cho các nhà bất đồng chính kiến, ngay cả việc giúp cho vài người không bị tù. Theo cha Chân Tín, một linh mục Công giáo bất đồng chính kiến tại TP Sài Gòn, trong khi những người Mỹ này có lẽ không có quyền lực để thay đổi chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam, thì họ vẫn đang làm những gì mà họ có thể làm được ngay tại chỗ để tạo ra sự khác biệt. Ông nói, "Chúng tôi cám ơn sự giúp đỡ của họ". Nhưng bà Sophie Richardson, thuộc Tổ chức Giám sát Nhân quyền, cho rằng chính phủ Hoa Kỳ nên có một nỗ lực quy mô hơn để áp lực nhà cầm quyền CSVN, bao gồm việc từ chối cấp visa cho các viên chức nhà nước và áp đặt những đòi hỏi phải đạt yêu cầu về vấn đề nhân quyền. Bà cũng nói rằng, dựa trên việc đối xử với cha Lý, thì Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nên đưa Việt Nam trở lại danh sách "Các quốc gia cần quan tâm đặc biệt" vì những vi phạm về tự do tôn giáo, sau khi được tháo gỡ khỏi danh sách này vào năm 2006. Bà nói, "Hoa Kỳ phải có một lập trường mạnh mẽ hơn".Về phần mình thì Bs. Nguyễn Đan Quế cũng cảm thấy là Hoa Kỳ và cộng đồng thế giới có thể làm được nhiều hơn. Ông nói, "Hoa Kỳ có thể dùng ảnh hưởng kinh tế của mình để buộc nhà nước Việt Nam phải cải tổ". Nhưng cuối cùng, thì chính người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ sinh ra sau chiến tranh, chiếm đến 65 phần trăm dân số, là những người phải tự quyết định lấy. "Tiến trình (dân chủ) thì đang đi đúng hướng. Nhưng điều căn bản lớn nhất sẽ là khả năng đấu tranh của người Việt Nam", Bs. Quế nói. Nếu quá khứ là một bằng chứng, thì những ai đánh cuộc ngược lại khả năng đấu tranh của người Việt Nam là một điều không khôn ngoan chút nào.