Thursday, April 3, 2008

Quốc Hội Và Bộ Ngoại Giao Canada
Tiếp Đón Và Thảo Luận
Với Giáo Sư Nguyễn Chính Kết

Và Phái Đoàn Người Việt


Từ trái qua phải: Cô Phạm Phương Anh, Ủy Ban Canada Tranh Đấu cho Tự Do Tôn Giáo tại Việt nam (UBCTDTGVN, Calgary); Ô. Phạm Hữu Giáo (Mặc Giao, UBCTDTGVN, Calgary); Ô. Andrew Smith, Phó Giám Đốc Nha Đông Nam Á Sự Vụ, Sở Ngoại Viện Canada (CIDA); Giáo Sư Nguyễn Chính Kết; Ô. Lê Duy Cấn, Ủy Viên Ngoại Vụ, Liên Hội Người Việt Canada; Cô Marieve Dubois, nhân viên đặc trách Việt Nam, Cam Bốt và ngoại giao công cộng, Bộ ngoại giao Canada, bà Deborah Paul, Giám đốc Nha Đông Á và Thái Bình Dương Sự Vụ

Ngày 24-10-2007, Giáo Sư Nguyễn Chính Kết với tư cách đại diện Khối 8406 và một phái đoàn ngưòi Việt tại Canada gồm Ông Mặc Giao Phạm Hữu Giáo, Chủ Tịch Ủy Ban Canada Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam, Tiến Sĩ Lê Duy Cấn, Ủy Viên Ngoại Vụ Liên Hội Người Việt Canada, Ông Phan Khánh Phương, Ủy Viên Ngoại Vụ của Ủy Ban Canada Tự Do Tôn Giáo và cô Phạm Ngọc Phương Anh, Điều Hợp Viên Nhóm Trẻ VN Calgary (Calgary Vietnamese Youth Group), đã được Bộ Ngoại Giao và Quốc Hội Canada đón tiếp để thảo luận về các vấn đề nhân quyền, tự do và dân chủ tại Việt Nam.

Tại Bộ Ngoại Giao, phái đoàn đã có một cuộc họp bàn tròn với Bà Deborah Paul, Giám Đốc Đông Nam Á và Thái Bình Dương Sự Vụ, Ông Andrew Smith, Phụ Tá Giám đốc cơ quan Viện Trợ Quốc Tế Canada (gọi tắt: CIDA), đặc trách vùng Đông Nam Á, Bà Cynthia Milne, phụ trách về Nhân Quyền tại Bộ Ngoại Giao và Cô Marieve Dubois, Trưởng Văn Phòng đặc trách về Việt Nam, Căm Bốt và Brunei. Mở đầu buổi họp, Bà Deborah Paul đã chào mừng Giáo Sư Nguyễn Chính Kết đến Canada với tư cách đại diện Khối 8406 và là nhân chứng của công cuộc đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam. Bà nói chính phủ Canada, tuy đã biết khá rõ những gì xảy ra ở Việt Nam, vẫn muốn hiểu thêm một cách cụ thể quan điểm và những đề nghị của các nhà đấu tranh.

Giáo Sư Nguyễn Chính Kết đã trình bầy chính sách hai mặt của cộng sản Việt Nam về nhân quyền và tự do tôn giáo. Một mặt họ biểu diễn một số hành động có tính cách tuyên truyền bề ngoài. Mặt khác, họ kiểm soát chặt chẽ và không ngần ngại tạo ra những tội hình sự tưởng tượng để kết án và giam cầm những người đấu tranh cho nhân quyền một cách hòa bình. Nhiều vấn đề khác đã được nêu lên và đã được thảo luận chi tiết giữa những người có mặt quanh bàn họp.

Đặc biệt Ông Phụ Tá Giám Đốc Cơ Quan Viện Trợ Andrew Smith cho biết chính phủ Canada hiểu rất rõ tình trạng tham nhũng của các viên chức tại Việt Nam, biết rằng một phần viện trợ của Canada đã lọt vào túi tham nhũng. Tuy nhiên Canada không thể ngưng chính sách viện trợ, chỉ tìm cách giảm bớt những thất thoát. Ông rất hoan nghênh ủy ban theo dõi sự trong sáng của việc chi tiêu các ngân khoản viện trợ mà Khối 8406 mới thành lập. Trước khi kết thúc buổi họp, Bà Deborah Paul tuyên bố cuộc gặp gỡ rất hữu ích cho Bộ Ngoại Giao, chính phủ Canada sẽ tiếp tục ủng hộ việc thực hiện tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Buổi gặp gỡ tại Bộ Ngoại Giao đã diễn ra trong một tiếng rưỡi, từ 9 giờ tới 10 giờ 30 sáng.

Liền sau đó, phái đoàn đã di chuyển đến trụ sở Quốc Hội Canada để tham dự cuộc điều trần được diễn ra vào lúc 12 giờ trưa tại phòng họp ủy ban nằm trong tòa nhà chính của Quốc Hội. Có 20 dân biểu và 2 nghị sĩ thuộc các đảng Conservative (cầm quyền), Liberal và Bloc Québecois (đối lập) có mặt trong buổi họp này, trong đó có Ông Jason Kenny, Tổng Trưởng Bộ Di Sản và Đa Văn Hóa, một nhân vật tín cẩn của Thủ Tướng Stephen Harper, Ông Deepak Obhrai, Bộ Trưởng liên lạc Quốc Hội và Bộ Ngoại Giao, Ông Jim Abobott, Bộ Trưởng Liên Lạc Quốc Hội và Bộ Đa Văn Hóa, Ông Bryon Wilfert, cựu Bộ Trưởng liên lạc Quốc Hội và Bộ Tài Chánh, Bà Judy Sgro, cựu Tổng Trưởng Quốc Tịch và Di Dân. Canada theo chế độ đại nghị, các tổng, bộ trưởng đều được chọn trong hàng ngũ dân biểu và họ vẫn được quyền giữ ghế dân biểu dù đã tham gia chính phủ. Điểm đặc biệt là có sự hiện diện của nữ Dân Biểu Eve-Mary Thái Thị Lạc, một dân biểu liên bang gốc Việt Nam đầu tiên mới được bầu vào Quốc Hội Canada.

Từ trái qua phải: Ô. Phan Khánh Phương, Ủy Ban Canada Tranh Đấu cho Tự Do Tôn Giáo tại Việt Nam (UBCTDTGVN, Calgary); Dân Biểu Dave van Kesteren (Bảo Thủ); Dân Biểu Byron Wilfert (Tự Do); Giáo sư Nguyễn Chính Kết; Dân Biểu Rob Anders (Bảo Thủ); Dân Biểu Kevin Sorensen (Bảo Thủ); Dân Biểu Eve-Mary Thái Thị Lạc (Bloc Quebecois); Dân Biểu Maurice Vellacourt (Bảo Thủ); Ô. Phạm Hữu Giáo (Mặc Giao, UBCTDTGGN, Calgary); Dân Biểu Derek Lee (Tự Do). cô Phạm Phương Anh (UBCTDTGGN, Calgary); Ô. Lê Duy Cấn, Ủy Viên Ngoại Vụ, Liên Hội Người Việt Canada.

Mở đầu phiên họp, Dân Biểu Rob Anders đã ngỏ lời chào mừng và cám ơn Giáo Sư Nguyễn Chính Kết đã đến Quốc Hội Canada để trình bầy thực trạng về việc vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, một vấn đề mà Canada rất quan tâm. Sau đó ông chuyển lời cho Ông Mặc Giao giới thiệu về Giáo Sư Nguyễn Chính Kết, về Khối 8406 và Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam. Giáo Sư Nguyễn Chính Kết đã trình bầy về việc hình thành của phong trào đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam, điển hình là Khối 8406, mục tiêu và đường lối đấu tranh của Khối, tiếp theo là việc thành lập Liên Minh Dân Chủ và Nhân Quyền, đảng Thăng Tiến, Liên Hiệp Công Nông, Công Đoàn Độc Lập, bán nguyệt san Tự Do Ngôn Luận. Ông cũng trình bầy những khó khăn và triển vọng của cuộc đấu tranh. Tiếp đó, Giáo Sư đưa ra một số đề nghị cụ thể yêu cầu Quốc Hội và chính phủ Canada thực hiện, trong đó có những điểm chính như sau:

- Yêu cầu Quốc Hội Canada thông qua một nghị quyết ủng hộ cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam, ràng buộc việc viện trợ với sự tôn trọng nhân quyền.
- Yêu cầu chính phủ Canada đòi hỏi chính phủ cộng sản Việt Nam trả tự do ngay cho các tù nhân chính trị và lương tâm. Một danh sách đầy đủ những người bị giam cầm đã được phổ biến tới các giới chức liên hệ và các vị tham dự.
- Yêu cầu chính phủ Canada can thiệp với chính phủ Việt Nam để bán nguyệt san Tự Do Ngôn Luận được in và phát hành tự do.

Các dân biểu đã nêu nhiều câu hỏi liên quan tới các điểm trên cũng như nhiều vấn đề khác. Giáo Sư Nguyễn Chính Kết và phái đoàn đã trả lời thỏa đáng. Điều quan tâm nhất của các dân biểu là họ có thể giúp gì một cách cụ thể và hữu hiệu cho cuộc đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam mà không gây nguy hại cho các nhà đấu tranh cũng như mối bang giao Việt Nam-Canada.

Trước khi Dân Biểu Rob Anders đúc kết và nói lời kết thúc, Tiến Sĩ Nguyễn Duy Cấn đã được mời phát biểu. Ông đã giới thiệu khái quát về Liên Hội Người Việt Canada và cho biết Liện Hội ủng hộ những điều Giáo Sư Kết trình bầy.

Buổi họp điều trần chấm dứt lúc 1 giờ 45 trong tinh thần thân hữu, thông cảm và hiểu biết. Có thể nói đây là một cuộc điều trần tại Quốc Hội thành công nhất của người Việt tại Canada từ trước tới nay. Thành công vì sự có mặt đông đảo của các dân biểu, nghị sĩ và các tổng bộ trưởng trong chính phủ. Thành công vì cả chủ lẫn khách đều đã lắng nghe và trao đổi quan điểm một cách cặn kẽ, chân thành, với ý hướng tìm ra những biện pháp hữu hiệu để yểm trợ cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam.

Vào buổi tối, phái đoàn đã tổ chức một bữa ăn để cám ơn và khoản đãi hai dân biểu Rob Anders và Thái Thị Lạc. Sau bữa ăn, hai dân biểu này đã tới viếng thăm Trung Tâm Việt Nam tọa lạc tại đường Rochester, chụp hình lưu niệm giữa quốc kỳ Lá Phong của Canada và cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa.


Ông Deepak Obhrai, Bộ Trưởng liên lạc Quốc Hội và Bộ Ngoại Giao,
bắt tay Gs Nguyễn Chính Kết sau buổi điều trần.


Hai dân biểu Rob Anders và Thái Thị Lạc chụp hình lưu niệm
với Phái đoàn Người Việt tại Trung Tâm Việt Nam


TRỞ VỀ
TRANG ĐẦU TIÊN



______________________________________________________