Việt Nam Không Mới
Như Người Ta Tưởng
(Bản dịch bài báo của Wall Street Journal
ngay ngày CSVN xử án Lm Nguyễn Văn Lý)
Như Người Ta Tưởng
(Bản dịch bài báo của Wall Street Journal
ngay ngày CSVN xử án Lm Nguyễn Văn Lý)
Wall Street Journal
Ngày 30 tháng 3, 2007
Phong trào dân chủ tại Việt Nam sắp kỷ niệm một năm ngày công bố Tuyên Ngôn Dân Chủ và Nhân Quyền Việt Nam và hình thành của phong trào dân chủ mới xuất hiện. Vì vậy, chế độ Hà Nội đang tiến hành một chiến dịch đàn áp chính trị đối với những nhà hoạt động dân chủ, và năm trong số họ phải ra tòa hôm nay. Nền kinh tế của Việt Nam tiếp tục phát triển, nhưng về khía cạnh chính trị thì không có gì mới đối với những nhà lãnh đạo đảng Cộng Sản. Câu chuyện này bắt đầu cách đây một năm về trước khi Việt Nam đứng trước ngưỡng cửa để trở thành hội viên của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới và đang chuẩn bị để tổ chức Hội Nghị Thượng Đỉnh APEC vào tháng 11 năm 2006. Vào thời điểm đó, chính quyền đã nhẹ tay đối với những nhà đối kháng để tạo hình ảnh tốt đẹp của mình trước khi Tổng Thống Bush và những nhà lãnh đạo thế giới đến Việt Nam tham dự Thượng Đỉnh APEC. Những nhà đối kháng đã tận dụng cơ hội này. Vào ngày 6 tháng Tư năm 2006, 116 người đã ký tên vào thỉnh nguyện thư đòi hỏi phải chấm dứt chế độ độc đảng và khuyến khích những đảng phái chính trị đang hoạt động bí mật hãy hoạt động công khai. Lời khuyến khích này đã được đáp ứng vào ngày 8 tháng Tư với sự công bố của một tuyên ngôn đòi hỏi tự do căn bản cho nhân dân Việt Nam. Trong năm vừa qua, tuyên ngôn này đã làm nảy nở một phong trào dân chủ với tên là Khối 8406. Thông điệp gửi tới nhà cầm quyền Cộng Sản rất rõ: Việt Nam bị cai trị bởi một chế độ độc đảng, nhưng Việt Nam không còn là quốc gia độc đảng. Sau khi trở thành hội viên của WTO và những nhà lãnh đạo thế giới đã rời Việt Nam sau khi Thượng Đỉnh APEC chấm dứt, chiến dịch đàn áp đã bắt đầu vào ngày 16 tháng Hai năm 2007, ngày này cũng là đêm Giao Thừa. Sự đàn áp của chính quyền đã nhắm vào thành viên của những tổ chức như: Liên Minh Dân Chủ và Nhân Quyền tại Việt Nam, Đảng Dân Chủ Nhân Dân và Uỷ Ban Nhân Quyền Việt Nam. Mục sư Nguyễn Công Chính và phu nhân đã từng bị đánh đập bởi công an khi ông bị bắt. Vài nhà đối kháng đã bị bắt giữ và thẩm tra trong nhiều tiếng đồng hồ và sau đó được trả tự do, nhưng một số khác thì bị giam giữ vô thời hạn. Nhiều nhà đối kháng đã bị quản chế tại gia hoặc bị đe dọa, một số khác bị giam giữ và thân nhân vẫn không được biết tung tích của họ. Những hành động bạo tàn của Hà Nội đã lan đến luật sư Lê Quốc Quân khi ông bị bắt vào ngày 8 tháng 3 năm 2007, bốn ngày sau khi trở về Việt Nam sau khi hoàn tất chương trình học bổng được bảo trợ bởi Qũy Hỗ Trợ Dân Chủ có trụ sở đặt tại Washington D.C, nơi mà ông Quân đã trải qua môt thời gian học tập và nghiên cứu về vai trò của xã hội công dân trong những nền dân chủ đang hình thành. Ông Carl Gershman, Chủ Tịch của Qũy Hỗ Trợ Dân Chủ đã tuyên bố về việc luật sư Quân bị bắt như sau : “Đây là một sự xúc phạm lớn lao của Việt Nam đối với Hoa Kỳ khi họ xách nhiễu và bắt giữ những học viên vừa hoàn tất chương trình trao đổi công dân dưới sự bảo trợ của Quốc Hội và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.” Giáo Hội Công Giáo cũng là mục tiêu của chiến dịch đàn áp. Chiến dịch đàn áp bắt đầu trong tháng Hai năm 2007, khởi sự với cuộc khám xét nơi cư trú của Linh Mục Nguyễn Văn Lý, sáng lập viên của Khối 8406. Nhà cầm quyền đã di chuyển Linh Mục Lý đến một giáo xứ hẻo lánh. Linh Mục Nguyễn Văn Lý và bốn nhà hoạt động dân chủ khác, gồm một phụ nữ 21 tuổi, một giáo viên và một thợ điện, sẽ bị đem ra toà để đối diện cái gọi là “công lý” của nhà cầm quyền Việt Nam. Đàn áp chính trị là trò cũ đối với chính quyền Việt Nam. Nhưng làn sóng đàn áp chính trị lần này đáng chú ý vì nó đã xảy ra khi chế độ Hà Nội đã dành nguyên cả một năm để tạo hình ảnh “mới” của mình đối với thế giới. Tuy nhiên, trong sự kiện này cũng tiềm ẩn một điều tích cực: bởi vì Hà Nội ngày càng trở lên nhạy cảm với hình ảnh của họ đối với thế giới bên ngoài, và bởi vì họ đang tìm nguồn đầu tư từ ngoại quốc, vì vậy mà thế giới tự do có sức ảnh hưởng đáng kể. Kinh nghiệm cho thấy Hà Nội rất nhạy cảm trước áp lực quốc tế. Trong năm 2004, chính quyền Hoa Kỳ liệt kê Việt Nam trong danh sách “Những Quốc Gia Cần Quan Tâm” vì những thành tích vi phạm tự do tôn giáo đã làm cho Hà Nội xấu hổ. Nhà cầm quyền Việt Nam đã giảm thiểu những vi phạm nặng nề nhất của họ như là việc họ chấm dứt việc ép tín hữu của giáo hội Tin Lành Tại Gia phải từ bỏ đạo và giáo hội. Ngoài ra, Hà Nội còn đi một bước xa hơn là đã ký hiệp ước với Hoa Kỳ vào tháng 5 năm 2005 để hứa sẽ không đàn áp. Để thưởng Việt Nam, Hoa Kỳ đã rút tên Việt Nam ra khỏi danh sách “Những Quốc Gia Cần Quan Tâm” trước Thượng Đỉnh APEC. Những nhà lãnh đạo thế giới một lần nữa bắt đầu quan tâm đến cuộc tranh đấu của những nhà đối kháng tại Việt Nam. Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Condoleezza Rice đã đề cập đến vấn đề này khi tiếp đón bộ trưởng ngoại giao của Việt Nam tại Washington D.C. Một số dân biểu Quốc Hội Hoa Kỳ của lưỡng đảng đã đệ nạp một nghị quyết gắn liền quan hệ của Hoa Kỳ với “sự tuân thủ luật pháp và tôn trọng tự do ngôn luận và tôn giáo” của Việt Nam Tại Âu Châu, một nhóm dân biểu Quốc Hội Thụy Điển đã đến Việt Nam và gặp gỡ thân nhân của những nhà đối kháng hiện bị cầm tù. Khi phái đoàn ngoại giao của Vatican đến Việt Nam vào tháng này, trưởng phái đoàn đã đề cập đến trường hợp của Linh Mục Nguyễn Văn Lý với lãnh đạo Việt Nam. Những nhà hoạt động nhân quyền tại Âu Châu đã báo cáo về sự quan tâm của những thành viên của Liên Minh Âu Châu. Duy nhất chỉ có một cơ quan quốc tế vẫn tránh né không đề cập đến những đàn áp tại Viện Nam là Liên Hiệp Quốc, nơi mà Việt Nam hiện đang được đề cử làm hội viên của Hội Đồng An Ninh niên khóa 2008-2009. Trong tuần qua, Hà Nội đã nhượng bộ trước áp lực và đã thông báo rằng họ sẽ chấm dứt không quản chế tại gia những nhà đối kháng vô thời hạn khi không được xét xử bởi toà án. Hành động quản chế tại gia là sở trường của nhà cầm quyền Việt Nam vì họ có thể cô lập một cách hữu hiệu những nhà đối kháng mà vẫn có thể tránh tạo sự chú ý của công chúng. Chính sách mới này có vẻ như đây là hậu quả của áp lực từ bên ngoài. Vào tháng 9, một bản phân tích của chính quyền cho thấy rằng việc áp dụng qui chế quản chế tại gia “có nhiều giới hạn trong phạm vi hội nhập quốc tế.”Năm nhà hoạt động dân chủ Việt Nam sẽ phải ra trước toà án với sự vu cáo rằng họ gây mất an ninh quốc gia khi họ đòi hỏi những quyền tự do căn bản mà đối với công dân của những quốc gia tự do là rất thông thường. Vì tất cả nhân dân Việt Nam đang khát vọng tự do, những nhà hoạt động dân chủ này xứng đáng được sự ủng hộ của thế giới tự do.