Saturday, June 30, 2012

Nhandinhtongketcuoinam2011

Khối 8406
Tuyên ngôn Tự do Dân chủ cho Việt Nam 2006





Nhận định tổng kết cuối năm 2011 về tình hình Nhân quyền tại Việt Nam

Kính gửi:

‒ Toàn thể đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước.

‒ Các chính phủ dân chủ, các tổ chức nhân quyền và cộng đồng thế giới tự do.

Toàn thể nhân loại đang sống trong bầu khí kỷ niệm 63 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hiệp 1948 (cùng với hai văn kiện khai triển nó là các Công ước về quyền Dân sự, Chính trị, Kinh tế, Xã hội và Văn hóa). Đây là những tài liệu quốc tế quan trọng khẳng định rằng 5 loại quyền nói trên là biểu trưng đích thật của văn minh nhân loại hiện thời, là bổn phận cấp thiết mà các chính quyền phải thực thi và là thành tựu chủ yếu mà các quốc gia phải nỗ lực đạt cho được.

Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tham gia hai Công ước Quốc tế về Nhân quyền vào năm 1982, nhưng cho đến hôm nay, nhà cầm quyền Việt Nam, dưới sự thao túng của đảng Cộng sản, đã thực hiện các cam kết về nhân quyền ấy thế nào? Nhân ngày cuối năm 2011, Khối 8406 chúng tôi có những nhận định như sau :

1- Các quyền Dân sự bị chà đạp

- Các tín đồ đứng lên đòi lại quyền tự do tôn giáo và cơ sở Giáo hội bị vu khống, hành hung, lăng nhục (như các linh mục và giáo dân Thái Hà tháng 10-11/2011); bị bắt bớ giam cầm (như linh mục Nguyễn Văn Lý, mục sư Nguyễn Trung Tôn, 15 thanh niên Công giáo tại Nghệ An và Thanh Hóa); bị xử án rất nặng (như hai tín đồ Hòa Hảo Nguyễn Văn Lía và Trần Hoài Ân ngày 13-12-2011); hoặc bị tấn công (giáo xứ Mỹ Lộc, Hà Tĩnh ngày 22-11-2011); bị ném chất nổ vào nhà thờ (giáo điểm Con Cuông, Nghệ An, 30-11-2011); bị ngăn cấm cử hành lễ Giáng sinh (Hội thánh Tin lành Mennonite Mỹ Phước, Bình Dương ngày 24-12-2011).

- Nhiều công dân chỉ vì vi phạm luật đi đường mà đã bị công an cảnh sát hành hung, gây thương tích, làm vong mạng (như trường hợp ông Trịnh Xuân Tùng tại Hà Nội); nhiều công dân chỉ vì dính dáng đến một vụ hình sự mà bị gọi đến đồn để rồi phải chịu tra tấn đến chết dưới bàn tay các điều tra viên (như trường hợp anh Nguyễn Công Nhựt tại Bình Dương). Cho đến nay, các vụ việc này vẫn chưa được đưa ra ánh sáng và xét xử thích hợp.

- Nhiều phiên tòa, đặc biệt các phiên tòa chính trị, đã được tiến hành trong sự vi phạm các thủ tục pháp lý, như bịt miệng bị cáo, chặn lời luật sư, không trưng dẫn bằng chứng theo yêu cầu, chẳng cho thân nhân, báo chí, quần chúng tham dự (thậm chí còn hành hung những ai muốn đến chứng kiến), quy chụp tội danh cách bất công và tuyên những bản án nặng nề (như tại phiên tòa phúc thẩm xử luật gia Cù Huy Hà Vũ ngày 02-08-2011 và phiên tòa sơ thẩm xử hai tín đồ Hòa Hảo Nguyễn Văn Lía và Trần Hoài Ân ngày 13-12-2011).

- Nhiều công dân bị bắt công khai tại gia đình hay bí mật trên đường phố nhưng không hề có lệnh của viện kiểm sát, không thông báo cho thân nhân về ngày giờ, nơi chốn và lý do giam giữ, không cho gặp luật sư và gia đình trong thời gian thẩm vấn theo như luật định (như trường hợp cô Tạ Phong Tần và 15 thanh niên Công giáo tại Nghệ An và Thanh Hóa).

2- Các quyền Chính trị bị tước bỏ.

Các nhà đối kháng dân chủ tiếp tục bị hăm dọa, sách nhiễu, tống ngục chỉ vì dám lên tiếng phê phán những sai lầm và tố cáo những tội ác của nhà cầm quyền Cộng sản. Điển hình là nhà báo tự do Nguyễn Hoàng Hải (tiếp tục bị giam sau khi mãn án tù và nay biệt vô âm tín), giáo sư hồi hương Phạm Minh Hoàng (bị án 3 năm, vừa mới được giảm), luật gia dân chủ Cù Huy Hà Vũ (phúc thẩm y án 7 năm tù), nhà báo tự do Tạ Phong Tần (bị bắt cóc tháng 9-2011), chiến sĩ dân oan Hồ Thị Bích Khương (bị giam tù lần 2 từ ngày 15-01 và xử ngày 29-12-2011), nhà văn dân chủ Huỳnh Ngọc Tuấn cùng với hai người con là Huỳnh Thục Vy, Huỳnh Trọng Hiếu (bị soát nhà, cướp của, phạt tiền, hăm dọa, quản chế từ 08-11-2011).

Các công dân yêu nước xuống đường để phản đối Tàu cộng xâm lược Tổ quốc nhiều mặt qua 11 cuộc biểu tình kể từ tháng 6-2011, hoặc để ủng hộ việc ra luật biểu tình (ngày 27-11-2011), thì bị vu khống, đấm đá (như anh Nguyễn Chí Đức), hăm dọa, đuổi học đuổi việc (như anh Nguyễn Văn Phương), tước tài sản, lăng nhục (đưa về “Trại phục hồi nhân phẩm”, như anh Bùi Thanh Hiếu). Có trường hợp bị phá gia cư, đưa vào nhà tù trá hình “cơ sở giáo dục” (như chị Bùi Thị Minh Hằng từ ngày 27-11-2011).

Ý kiến của các công dân thiện chí bày tỏ trong các kiến nghị, tâm thư, kháng thư, trên các trang web, blog về việc sửa đổi Hiến pháp hay về chính sách đối ngoại, đặc biệt với Tàu cộng xâm lược, đều bị nhà cầm quyền bỏ ngoài tai. Nhiều người ghi tên vào các kiến nghị bị hăm họa, bó buộc rút lại chữ ký (chẳng hạn các kiến nghị của nhóm trí thức Bauxite VN).

3- Các quyền Kinh tế bị thao túng

Hơn 20 tập đoàn hay đại công ty (tức doanh nghiệp nhà nước) bao trùm toàn bộ nền kinh tế đất nước hiện nay đều nằm trong tay đảng và nhà cầm quyền Cộng sản, cụ thể là nằm trong tay thủ tướng CS Nguyễn Tấn Dũng. Những “quả đấm thép” tự gọi này đang đấm vào quyền kinh doanh của nhân dân và nền kinh tế của đất nước do việc nắm trong tay phần lớn tài nguyên quốc gia, tiền thuế dân chúng (80% lượng vốn xã hội), tung hoành thao túng thị trường, nhưng lại làm ăn tắc trách, gian dối, tham nhũng, dẫn đến thua lỗ hàng trăm ngàn tỷ đồng (như các công ty tàu thủy Vinashin, công ty điện lực EVN…), kéo theo sự giảm giá đồng bạc, tăng giá sinh hoạt, chồng chất nợ nần quốc tế. Báo Sài Gòn Tiếp Thị cho biết: hiện nay Việt Nam vay nợ của 25 đối tác song phương và 9 đối tác đa phương, gồm cả Algeria, Iraq, Kuwait, Trung Quốc, Đài Loan... Trong đó chủ nợ lớn nhất là Nhật Bản với 9.5 tỉ Mỹ kim, Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) 6.9 tỉ Mk, Ngân hàng Phát triển Á châu ADB 4.1 tỉ Mk, Pháp 1.1 tỉ Mk, Nga 568 triệu Mk... Riêng trong năm 2011 này, số lãi và phí Việt Nam phải trả nợ nước ngoài là 522 triệu Mk, và đến năm 2015 là 423 triệu Mk. Tất cả đều gây điêu đứng cho cuộc sống của toàn dân, dẫn đất nước đến bờ thảm họa kinh tế và khiến quốc gia càng thêm lệ thuộc những nước ngoài dồi dào tài chánh (nhất là Tàu cộng xâm lược).

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tính đến tháng 9-2011, có gần 49.000 doanh nghiệp đã dừng hoạt động, dừng nộp thuế, hoặc đã giải thể, phá sản, đóng cửa; trong đó, phá sản, giải thể là 5.800 doanh nghiệp.

4- Các quyền Xã hội bị khinh khi

- Giới nông dân ngoài việc tiếp tục bị tước quyền sở hữu ruộng đất, còn bị nhà cầm quyền trung ương bỏ rơi do việc thiếu chính sách nông nghiệp thích đáng, thiếu kiểm soát các hiệp hội, công ty lương thực bóc lột (x. Huỳnh Kim Hải, “Thư của một nông dân gởi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” ngày 27-11-2011), không thực tình ngăn chận, thậm chí để mặc cán bộ địa phương trưng thu đất đai cách bất công. Những ai đứng lên phản đối, đòi lại quyền lợi cho nông dân thì bị đàn áp, giam cầm (như tại Bến Tre với phiên tòa ngày 30-05-2011 xử các công dân vô tội Dương Kim Khải, Trần Thị Thúy, Phạm Ngọc Hoa, Phạm Văn Thông, Nguyễn Thành Tâm, Chí Thành, Cao Văn Tỉnh).

- Giới công nhân ngoài việc tiếp tục bị tước quyền đình công, còn bị nhà cầm quyền bỏ mặc do việc thiếu chính sách lao động đúng đắn, thiếu kiểm soát các công ty xí nghiệp (nhất là của nước ngoài) bóc lột sức lao động và đàn áp người lao động, khiến cho họ phải đứng lên (cụ thể là cuộc đình công tại công ty Pou Yuen -Tân Tạo, Bình Tân, Sài Gòn- với hơn 65.000 lao động các ngày 21-23/06/2011 và tại Công ty Giai Đức -khu chế xuất Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội- cũng ngày 23-06-2011 với hàng trăm công nhân, trong đó có 1 bị giết và 6 bị thương). Các công đoàn do nhà nước thiết lập và điều khiển hoàn toàn đứng về phía những kẻ bóc lột, thậm chí tiếp tay nhà nước đàn áp công nhân. Những ai cất lời đòi cho công nhân được trả lương xứng đáng, được hưởng những quyền lao động hợp nhân phẩm cũng bị sách nhiễu, hành hung, tống ngục (như ba thủ lãnh công nhân trẻ Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương, Đỗ Thị Minh Hạnh bị xử tòa ngày 26-10-2010 tại Trà Vinh với những bản án nặng nề).

- Nền y tế ngày càng trở nên tồi tệ với các thảm trạng: bệnh viện không đủ chỗ, y sĩ vừa thiếu nhân sự, thiếu tài năng, vừa thiếu cả y đức; viện phí và dược phí thì cao tận trời còn sự phục vụ thì thấp sát đất; người nghèo vào bệnh viện chỉ có nước đau thêm hoặc vong mạng.

- Quyền an ninh môi trường của người dân ngày càng bị đe dọa do việc xây các nhà máy thủy điện tràn lan dọc miền Trung mà thiếu kiểm soát và phối hợp, khiến lũ lụt ngày càng tác hại nặng nề trên người và của; do việc khai thác bauxite cách cẩu thả và vô trách nhiệm, khiến hóa chất và bùn đỏ độc hại tràn ra ruộng vườn nhân dân (sự cố ngày 22-09-2011 tại Tân Rai); nhất là do quyết định đưa ra bởi thủ tướng CS Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 10-2011 về việc xây nhà máy điện nguyên tử tại Ninh Thuận bất chấp các điều kiện hết sức bất thuận lợi. Ngư dân đánh bắt tiếp tục gặp đủ nguy hiểm từ tàu bè Trung cộng, còn nông dân nuôi trồng tiếp tục vấp đủ âm mưu từ thương lái Trung cộng.

5- Các quyền Văn hóa bị xem nhẹ

Điển hình là sự sa sút của nền giáo dục. Một nền giáo dục vừa thiếu trường sở, vừa thiếu giáo viên, vừa thiếu những điều kiện thuận lợi (vô số phòng học chưa được bê-tông hóa, như tại Mèo Vạc, Hà Giang; nhiều nơi học sinh phải đu dây qua sông hay bơi lội qua suối để đến trường, như tại Minh Hóa, Quảng Bình). Một nền giáo dục đầy những tệ nạn như điểm giả, bằng dổm, học phí cao, phụ phí đủ loại, dạy thêm giờ để thâu thêm tiền, khiến 1.200.000 học sinh bỏ học (từ 2008-2011, thống kê của UNESCO). Một nền giáo dục chỉ đẩy học sinh sinh viên vào thói gian dối, bạo hành, vô cảm (nhiều video clip “học sinh đánh nhau” đã tung lên mạng), thậm chí đến chỗ bán thân vì quá đói khát thiếu thốn (Báo cáo tháng 11-2011 của Trưởng phòng Phòng ngừa và đấu tranh chống tệ đoan xã hội, Bộ Công an). Quan trọng nhất, đó là một nền giáo dục không chủ trương huấn luyện nên những công dân tự do và trưởng thành cho xã hội nhưng nắn đúc nên những thần dân nô lệ và mù quáng vâng lời đảng và nhà nước. Điều này ảnh hưởng rất tai hại trên tương lai của Đất nước và Dân tộc.

Đang khi đó thì văn hóa Trung Quốc đang tác động cách tiêu cực lên tâm trí người dân qua phim ảnh Tàu, khiến học sinh sinh viên thuộc sử Tàu hơn sử Việt, theo văn hóa Tàu hơn văn hóa Việt; nhất là qua việc thiết lập các học viện Khổng Tử theo xu hướng nguy hiểm: thượng tôn uy lực của nước lớn (cụ thể là Tàu cộng) và của nhà cầm quyền.

Với những nhận định trên, Khối 8406 chúng tôi thấy rằng chủ nghĩa cộng sản vô thần duy vật đầu độc tâm trí con người phải bị phế bỏ, chế độ cộng sản phi nhân chuyên chế tàn hại xã hội phải bị giải thể và chính đảng cộng sản độc tài toàn trị phản dân hại nước phải trả lại mọi quyền cho nhân dân để nhân dân tự bầu chọn ra một chính đảng khác đủ đức đủ tài điều hành đất nước.

Làm tại VN ngày 31 tháng 12 năm 2011

Ban Đại diện lâm thời Khối 8406.
1. Kỹ sư Đỗ Nam Hải - 441 Nguyễn Kiệm, P. 9, Q. Phú Nhuận, Sài Gòn, VN.
2. Linh mục Phan Văn Lợi - 16/46 Trần Phú, Thành phố Huế, VN.
3. Giáo sư Nguyễn Chính Kết - Đại diện Khối 8406 tại hải ngoại.

Với sự hiệp thông của Linh mục Nguyễn Văn Lý, cựu quân nhân Trần Anh Kim, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa và nhiều tù nhân chính trị, tôn giáo khác đang ở trong lao tù cộng sản.



TRỞ VỀ TRANG ĐẦU TIÊN


______________________________________________________