Saturday, March 22, 2008

Đàn Chim Việt
Diễn đàn dân chủ

14-04-2006

119 cánh tay đã đưa lên

Trà Bồng

Tiếp theo “Lời Kêu Gọi” từ trong nước gởi ra hôm 06 tháng Tư là Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ, được công bố 2 ngày sau đó. Hai văn bản này, một mang 116 chữ ký, và một có 118 chữ ký. Tổng cộng lại có 119 công dân Việt Nam đang sống trong nước đã ký tên.

Lời Kêu Gọi” đòi lại quyền tự do thành lập và sinh hoạt đảng phái. Quyền này trước đây dân tộc Việt Nam đã có, nhưng đã bị đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) tước đoạt. Lời kêu gọi này cũng đòi hỏi đảng CSVN phải lập tức hủy bỏ điều 4 của Hiến pháp Việt Nam năm 1992. Ðiều 4 dành cho đảng độc quyền thống trị mãi mãi trên đầu dân tộc Việt. Lời kêu gọi này mang nhiều dấu hiệu của các linh mục công giáo. Giáo hội Công giáo vẫn tự cho mình là chứng nhân của sự thật. Nhưng khi sự dối trá đang ngự trị trên toàn thể dân tộc thì hàng giáo phẩm cao cấp của giáo hội Công giáo vẫn giữ im lặng. Ðức Hồng Y Phạm Minh Mẫn biết rất rõ thế nào là “tự do” tại Việt Nam. Ngài là người đầu tiên mô tả nó một cách đơn giản và dễ hiểu nhất. Ngài gọi đó là cơ chế xin-cho.

Lời kêu gọi này - gần như chắc chắn là do một hoặc nhiều linh mục công giáo tham gia soạn thảo - cho thấy có những tu sĩ không chịu tiếp tục “xin”, mà đã quyết định phải “đòi”. Quả thật phải đòi, vì “không có đảng nào được lạm quyền mà lại ban phép cho đảng khác hoạt động cả”.

Sau đó Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ tiếp tục khẳng định lại các quyền căn bản của con người, kể cả người Việt Nam. Các quyền này bao gồm quyền tự do ngôn luận, lập hội, quyền tự do ứng cử và bầu cử, quyền tự do trao đổi thông tin, quyền tự do cư trú và đi lại, quyền tự do tín ngưỡng cùng các hoạt động tôn giáo...

Phác thảo của tuyên ngôn này do anh Ðỗ Nam Hải soạn. Sau ba ngày chăm chú tham khảo và viết anh đã nhanh tay gởi xin ý kiến của một số nhà hoạt động khác vào 9 giờ sáng ngày 7 tháng Tư.

Chiều hôm đó đã có công an đến nhà anh đòi kiểm tra máy vi tính, sau đó họ niêm phong luôn.

Ðể giữ chân Ðỗ Nam Hải, công an đã yêu cầu anh ngày ngày đến đồn “làm việc” từ hôm đó tới ngày 9 tháng Tư. Nhưng bản tuyên ngôn đã xuất hiện trên mạng thông tin toàn cầu hôm chiều 8 tháng Tư, khi Ðỗ Nam Hải còn ngồi trong đồn công an quận Phú Nhuận.

Tinh thần của tuyên ngôn được công bố không khác gì so với bản thảo ban đầu. Nhưng các nhà hoạt động dân chủ khác đã bổ sung, sắp xếp lại, phân đoạn, đánh số, đặt tựa cho từng phần khiến nó mạch lạc và dễ đọc hơn rất nhiều. Tóm lại nó là kết quả làm việc của một tập thể.

Bán nguyệt san "Tự Do Ngôn Luận", do linh mục Chân Tín làm Tổng biên tập, xuất hiện đầu tháng tư dưới dạng ấn bản điện tử được coi như bước kế tiếp sau "Tuyên ngôn dân chủ" của những người đứng lên đòi quyền tự do trong nước

Người Việt hải ngoại đã đón nhận hai văn bản này với niềm vui ít thấy, nhưng thắc mắc cũng không ít. Sao không thấy chữ ký của người này, ông kia… là một câu hỏi thường thấy trên các diễn đàn. Thật ra, theo những người có liên hệ với các bạn trong nước thì việc thu thập chữ ký trên giấy sau khi văn bản đã thành hình là chuyện không thể làm được. Một ví dụ là trường hợp anh Nguyễn Chính Kết. Bất cứ khi nào anh ra khỏi nhà đều có 2 xe gắn máy chạy theo, rất khó “cắt đuôi”. Vì thế, hầu hết chữ ký được thu thập qua điện thư hoặc điện thoại. Có những người sẵn sàng ủy thác tên tuổi cho người khác vì việc chung, không điều kiện. Nhưng cũng có vị thận trọng, muốn xem nội dung trước khi ký tên. Ấy là chưa nói tới các chi tiết trong lời kêu gọi và bản tuyên ngôn này, không nhất thiết có thể làm vừa lòng mọi người.

Có đến hơn 1/3 số người ký tên cư ngụ ở một thành phố có nhiều đám giỗ trong ngày Tết hơn bất cứ thành phố nào khác tại Việt Nam, đó là Huế. Phần còn lại trải dài khắp các miền đất nước. Các công dân ký tên cũng cho thấy sự quan tâm của rộng rãi của các thành phần xã hội đối với tình trạng Việt Nam hiện nay.

Ðây chỉ là bước đầu, nhưng là một bước đầu rất vững chắc của một cuộc hành trình dài đầy cam go. Bước kế tiếp sẽ đến. Thật ra bước kế tiếp đã đến. Một tờ báo đấu tranh, số giữa tháng Tư, khổ giấy A4 đã ra đời trong nước ngày hôm nay. Ðó là Bán nguyệt san Tự Do Ngôn Luận, do linh mục Chân Tín làm Tổng biên tập. Báo được phát hành qua dạng hồ sơ kèm theo điện thư.

Mọi cuộc hành trình, kể cả cuộc hành trình về hướng dân chủ đa nguyên, đều phải khởi đầu bằng một bước đi đúng hướng. 119 người đã đi bước đầu tiên đó. Rồi sẽ có hàng vạn người khác cùng bước để đấu tranh cho một thể chế chính trị thật sự tự do, dân chủ, công bằng & trong sáng tại Việt Nam.

Trong công cuộc đấu tranh này, chắc chắn các tổ chức công khai tại hải ngoại sẽ tiếp tục đóng trọn vai trò hỗ trợ của mình như hiện nay. Bằng chứng là hai văn bản này xuất phát từ trong nước, dù không do thành viên của một tổ chức chính trị hải ngoại nào viết nên, nhưng vẫn được các tổ chức chính trị khác nhau quảng bá rộng rãi tới mọi giới đồng bào.

Australia 13/04/2006
Copyright © 2006 by DCVOnline

TRỞ VỀ
TRANG ĐẦU TIÊN



______________________________________________________