Friday, March 28, 2008

Sự Vùng Dậy Của Ý Thức Trách Nhiệm

Nguyễn Đại Việt, Ph.D.
Vietland News - Posted on 2006/4/21
20 tháng 4 năm 2006

Tiếp nối những cuộc xuống đường khiếu kiện đất đai và các cuộc đình công đang diễn ra trong nước, tháng 4 năm nay, năm 2006, đánh dấu 31 năm sự kết thúc đột ngột nền tự do dân chủ của miền Nam, lại nảy sinh thêm một biến cố khác, đó là “Lời kêu gọi cho quyền thành lập và hoạt động Đảng phái Việt Nam năm 2006” từ sự đứng dậy của 118 người dân, đến từ một số tỉnh thành của ba miền Nam Trung Bắc.

Sự vùng dậy này là kết quả đấu tranh không ngừng nghỉ cho một thể chế tự do dân chủ ở Việt Nam của người Việt tự do trong và ngoài nước, cùng với những áp lực từ phía quốc tế đối với chế độ độc tài của Đảng CSVN trong những thập niên qua.

Thoạt tiên, sự thiếu vắng tên tuổi của một số nhà đấu tranh quen thuộc trong danh sách những người ký tên trong “Lời Kêu Gọi” và “Bản Tuyên Ngôn”, cộng thêm sự xuất hiện của một bản tuyên ngôn khác sau đó mấy ngày, khiến cộng đồng người Việt hải ngoại hơi xôn xao và có một thái độ khá dè dặt đối với thành ý của các nhà vận động dân chủ trong nước. Lời giải thích khá cặn kẻ trong một lá thư mới đây của một Linh Mục, và hình như cũng là phát ngôn viên cho nhóm người kia, đã giúp giải toả phần nào một số thắc mắc của mọi người, nhưng vẫn chưa làm cho người ta hết nghi ngại về những thiện chí của họ.

Có lẽ vì sự ra đời không đúng lúc của bản tuyên ngôn thứ hai và một số phản ứng đối với sự xuất hiện bất ngờ này, nên người ta cho rằng, dường như quyền lợi chung, quyền lợi của quốc gia dân tộc, vẫn chưa được các nhà đấu tranh ấy đặt đúng chổ của nó. Do vậy, nếu những người vận động dân chủ kia vẫn còn xem sự hổ trợ của khối người Việt tự do là hữu ích cho cuộc vận động dân chủ của họ, thì kinh nghiệm đấu tranh và kiến thức chính trị của quần chúng hải ngoại không nên được thử thách; Hơn nữa, cho dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, sự tin tưởng và ủng hộ của quần chúng dành cho các nhà đấu tranh trong nước bấy lâu nay cũng nên được tôn trọng.

Dù sự ra đời đồng loạt của những bản tuyên ngôn kia đã gây nên những đáng tiếc ngoài ý muốn của mọi người, nhưng vì cuộc đấu tranh chung cho một Việt Nam Tự Do Dân Chủ, người Việt tự do nên nhìn tình huống này ở một góc độ khác. Nghĩa là người ta đang mong đợi từ phía hải ngoại một nhận định có tính cách chiến lược, để có thể kết hợp những vùng dậy riêng rẽ trong nước thành một phong trào đấu tranh có tính cách quần chúng quy mô hơn.

Thật vậy, người Việt tự do nên dùng sức mạnh và lợi thế của hải ngoại để thúc đẩy sự đoàn kết trong nước, biến những kết quả hạn chế vì hoàn cảnh khó khăn của các nhà đấu tranh đang tận lực kia, thành những cơ sở vững chắc, làm nền tảng cho những bước đấu tranh kế tiếp. Nghĩa là, dù trong tình huống nào chăng nữa, người Việt hải ngoại cũng nên bày tỏ sự ủng hộ tích cực của họ đối với những người đã can đảm ký tên trong danh sách ấy. Vì trong số đó, còn có những người dân bình thường, những người không có tiếng tăm, và danh tính chưa từng được hải ngoại và quốc tế biết đến. Hơn nữa, trong trường hợp này, ít ra trong tầm nhìn của CSVN và quốc tế, sự vùng dậy của những người dân bình thường ấy có ý nghĩa quan trọng hơn, so với sự hiện diện của vài người nổi tiếng hoặc có tên tuổi nào đó.

Tầm quan trọng của sự kiện này không nằm ở tựa đề của các bản tuyên ngôn, cũng như tính đấu tranh dân chủ của nó không phải được gửi gắm trên tên tuổi của một vài nhân vật. Tầm vóc của biến cố này chính là sự đứng dậy, lên tiếng kêu gọi Đảng CSVN trả lại quyền tự do, thể hiện sự vùng lên về ý thức trách nhiệm của những người dân bình thường đối với quốc gia dân tộc của họ. Thiết tưởng cũng nên nhắc lại rằng, người ta sẽ dễ dàng tìm thấy tinh thần đấu tranh luôn luôn sôi sục trên đường phố Bolsa, nhưng có lẽ họ sẽ khó lòng tìm được ý thức trách nhiệm vì quốc gia trong một cà phê hay quán nhậu nào đó trên đường Tự Do, mà nay đã được đổi tên thành Đồng Khởi. Đồng thời người ta cũng nên nhớ rằng, ý nghĩa của lời kêu gọi trên kia chính là một trong những nguyên nhân đưa đến cuộc đấu tranh không mệt mỏi của người Việt tự do khắp nơi trên thế giới kể từ ngày họ bỏ nước ra đi.

Tinh thần trách nhiệm của những người ký tên trong Bản Tuyên Ngôn đang được thử thách một cách khắc nghiệt, vì những khủng bố và tra tấn dã man đang rình rập, có thể xảy đến với họ bất kỳ lúc nào. Hãy lưu ý rằng, sự đàn áp của chính quyền CSVN không hề phân biệt nam nữ, tôn giáo, giai cấp, cũng như tuổi tác. Hơn nữa, dường như người ta cũng không thấy có sự khác biệt nhiều lắm về sức chịu đựng đối với sự tra tấn, giữa một người có tên tuổi và một người dân bình thường. Nói một cách khác, danh tính thường không có khã năng bảo vệ hoặc che chở thân thể con người trong ngục tù của chế độ Cộng Sản. Do vậy, lời kêu gọi và ý thức trách nhiệm của những con người can đảm ấy cần phải được nhận định đúng đắn và hổ trợ thích đáng.

Bên cạnh đó, người ta cũng đang mong đợi từ những lực lượng và các nhà đấu tranh hải ngoại, một sự vận dụng thông minh và phối hợp khéo léo những tác động và thành quả của các phong trào đang xảy ra trong nước, để từ đó tạo thành một cao trào có tính cách đột biến khó dập tắt, có khã năng xô ngã và thay chế độ độc tài đương thời bằng một thể chế dân chủ trong một thời gian ngắn nhất; thay vì phải mỏi mòn chờ đợi sự chuyển hoá chậm chạp, không trung thực, và có lẽ không bao giờ xảy ra của Đảng và chính quyền CSVN theo chiều hướng như người ta mong muốn.

Sự quy tụ những con người can đảm kia, bao gồm các thành phần khác nhau của ba miền đất nước đứng lên đòi lại quyền tự do, thể hiện lòng quyết tâm vững vàng và một liên kết khá chặc chẻ, có tiềm năng lan rộng để trở thành một phong trào quần chúng. Sự liên kết của họ từ các thành phố khác nhau là một yếu tố quan trọng. Thật vậy, sự bất bình và phẫn nộ của người dân đang âm ỷ khắp nơi trong nước, một khi được tổ chức và có hậu thuẩn, họ sẽ noi gương đứng dậy và cùng với 118 người kia xuống đường đòi lại tự do. Một điểm đáng lưu ý là, khi ký tên vào “Lời Kêu Gọi” kia, họ cũng đang vô tình xây dựng những “chiến khu quốc nội", hay nói một cách chính xác hơn, từ sự vùng dậy của ý thức trách nhiệm, một số cơ sở đấu tranh đang được thai nghén rãi rác từ Nam ra Bắc.

Tuy tổ chức đấu tranh liên tục suốt ba thập niên, nhưng hải ngoại chưa bao giờ có khã năng xây dựng được những cơ sở hoạt động một cách công khai trong nước như vậy . Một sự hình thành của các cơ sở này sẽ vượt qua mọi dự liệu và ước mong của các phong trào đấu tranh ở hải ngoại. Bấy lâu nay, trong 31 năm qua, chính sự bế tắc ấy đã làm người ta khó vạch ra một sách lược đấu tranh có tầm vóc để đương cự với Đảng CSVN. Do vậy, đây có thể là một thành tựu quan trọng, đáng được ca ngợi, cần được duy trì và hổ trợ một cách thích đáng. Nếu được sự yểm trợ tich cực về tinh thần lẫn vật chất, trong những ngày tháng tới đây, các cơ sở này sẽ là đầu cầu quan trọng của chiếc cầu nối liền cuộc đấu tranh giũa hải ngoại và quốc nội, giúp chuyển cuộc đấu tranh và sức mạnh của hải ngoại về thẳng trong nước. Nghĩa là, một khi các cơ sở ấy được duy trì và phát triễn, người ta sẽ có khã năng đẩy trận tuyến ngược về lại trong lãnh thổ Việt Nam, thay vì để cho người CS chọn hải ngoại làm chiến trường, tấn công và dồn người Việt tự do vào thế bị động trong nhiều năm qua.

Ngoài sự đứng dậy của 118 người kia, các cuộc đình công trong nước cũng đang có chiều hướng biến thành một phong trào của giới công nhân. Họ đang xuống đường đòi hỏi tăng lương và được quyền thành lập công đoàn ở quốc gia này. Bên cạnh đó, chính sách quy hoạch soán đoạt đất đai, ruộng vườn, nhà cửa từ nông thôn đến thành thị của chính quyền và Đảng CSVN trong khoảng một thập niên trở lại đây, đã gây nên những bất mãn trong quần chúng, những uất ức đang âm ỷ và khó lòng xoa dịu, đang chờ đợi một cơ hội thuận tiện để bộc phát. Thành phần này cũng đang tổ chức những cuộc xuống đường khiếu kiện đất đai, nhằm tố cáo chính quyền địa phương và phản đối chính sách quy hoạch của Đảng CSVN.

Sự bất mãn của người dân cũng ngày càng gia tăng đối với phong trào gã bán phụ nữ cho các nước lân cận làm nô lệ, và các vụ tham nhũng hối lộ có tổ chức của thành phần cán bộ các cấp trong chính quyền CSVN. Đặc biệt là vụ án PMU18 mới đây. Vụ tham nhũng này dính líu đến những người lãnh đạo cao cấp nhất, hàng bộ trưởng và tương đương, trong chính quyền vào đầu năm 2006. Vụ án PMU18 liên quan đến việc lạm dụng của công, xử dụng những ngân khoản viện trợ của ngoại quốc để cá độ, đã khiến một số quốc gia như Nhật Bản và Thụy Điển phải lên tiếng cảnh cáo, tạo thành một áp lực từ phía quốc tế đối với Đảng CS và chính quyền của quốc gia này.

Bên cạnh đó, về mặt quốc tế, cũng có những hứa hẹn và dấu hiệu thuận lợi cho cuộc đấu tranh tự do dân chủ của người Việt. Chẳng hạn, trong đầu năm nay, năm 2006, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, Tiến sĩ Condoleezza Rice đã khai triễn sách lược dân chủ hoá toàn cầu của quốc gia này qua kế hoạch tái phối trí lực lượng ngoại giao của họ trên thế giới. Cũng trong nổ lực hổ trợ sách lược ấy, đồng minh của Hoa Kỳ, khối Liên Hiệp Châu Âu cũng đã lên tiếng tố cáo tính phi nhân bản của các nước Cộng Sản qua một nghị quyết mới đây.

Đồng thời, vào ngày 8 tháng 4 năm 2006, hơn 600 đại diện của 125 quốc gia thuộc tổ chức Tự Do Dân Chủ thế giới, đã vinh danh hai nhà đấu tranh dân chủ, Hoà Thượng Thích Quãng Độ và ông Hoàng Minh Chính, trong phiên họp lần thứ 4 ở Istanbul thuộc Thổ Nhỉ Kỳ. Điều này nói lên sự quan tâm của thế giới đối với cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ của người Việt, và sự vinh danh ấy cũng được xem là hành động bày tỏ sự phản đối của quốc tế đối với chế độ độc tài và phi nhân bản của Đảng CSVN. Đồng thời khi vinh danh hai nhân vật tiêu biểu đó, có lẽ người ta cũng đang quan sát thái độ, phản ứng, và ý thức trách nhiệm của người Việt đối với các diễn biến hiện đang xảy ra ở quốc gia của họ.

Trong 31 năm qua, sức mạnh của người Việt hải ngoại chưa hề được vận dụng và phát huy hết tiềm lực trong cuộc đấu tranh chống Cộng. Đây là một điều thật đáng tiếc. Dẫu vậy, người ta hy vọng rằng những biến cố và biến chuyển thuận lợi đang xảy trong và ngoài nước là cơ hội tốt để ý thức trách nhiệm vùng lên, tập trung lại nguồn nội lực chưa hề được tận dụng kia.

Mặt khác, người ta cũng nên lưu ý rằng, thể chế độc tài của CSVN tuy là mối quan tâm của một vài quốc gia, nhưng không phải là sự đe doạ nghiêm trọng đối với kinh tế và an ninh của thế giới. Do vậy, đối với sự nhận định này, người ta đang mong đợi những nổ lực tích cực phát xuất từ khối người Việt tự do trước khi có một sự hổ trợ thích đáng nào đó đến từ phía của quốc tế. Nói tóm lại, đây chính là lúc mà ý thức trách nhiệm của các tổ chức đảng phải chính trị và các nhà đấu tranh người Việt hải ngoại đang được thử thách và quan sát.

Thật vậy, một khi tinh thần trách nhiệm được thể hiện đúng mức và quyền lợi quốc gia dân tộc được đặt đúng chổ, thì sức mạnh quần chúng ắt hẳn sẽ được tập trung. Đây là một nguyên lý, là một sự khẳng định và không hề có trường hợp ngoại lệ. Sự khẳng định này có nghĩa là, trước khi muốn đòi lại quyền tự do từ một chế độc tài, thì người ta hãy đoàn kết và tạm quên đi các quyền lợi riêng tư; bằng không, thì những quyền tự do kia sẽ không bao giờ xuất hiện, và như vậy, thì người ta phải đành chấp nhận thể chế độc tài đó, cho đến khi nào nguyên lý ấy được áp dụng trong cuộc đấu tranh chung theo đúng ý nghĩa thực sự của nó.

Tóm lại, sự xuống đường của người Việt hải ngoại có tính cách quan trọng trong việc duy trì và phát triễn các cuộc đấu tranh riêng rẽ ở quốc nội, đặc biệt là sự đứng dậy gần đây của 118 người dân trong nước.Ý thức trách nhiệm và sức mạnh đoàn kết của hải ngoại có khã năng thôi thúc sự vùng dậy của ý thức trách nhiệm của người dân ở quốc nội, đồng thời giúp thúc đẩy, duy trì, và kết hợp các cuộc đấu tranh lẽ tẻ ngày một vững chắc và lan rộng hơn. Từ đó sẽ đưa đến sự vùng lên của đông đảo quần chúng ở Việt Nam, và sự đồng loạt xuống đường ấy sẽ có tiềm lực biến các phong trào kia thành một cao trào khó dập tắt. Nếu như tiến trình này xảy ra, thì cuộc đấu tranh của người Việt sẽ tự động đi vào lộ trình của sách lược dân chủ hoá toàn cầu của thế giới, nơi có những hổ trợ tích cực của quốc tế đang dành cho cuộc đấu tranh chung của người Việt tự do; và sự kết hợp này sẽ là vũ khí hữu hiệu dùng khắc chế mọi thế lực độc tài, là sức mạnh có khã năng xô ngã chế độ CSVN trong một thời gian ngắn nhất.

Nguyễn Đại Việt, Ph.D.


TRỞ VỀ
TRANG ĐẦU TIÊN



______________________________________________________