Ủy Ban Thụy Sĩ - Việt Nam
Ủng Hộ Tuyên Ngôn Dân Chủ Việt Nam
(Geneve - VNN) Ngày 4 tháng 5 năm 2006, tờ báo lớn nhất tại Thụy Sĩ Tribune de Geneve đã đăng tải bài viết có tựa đề Geneva và những người dám nói "không" (Vietnam: Genève et ceux qui osent dire "non") của nhà báo Thierry Oppikofer, chủ tịch Ủy Ban Thụy Sĩ - Việt Nam, kêu gọi chính giới Thụy Sĩ ủng hộ Lời Kêu Gọi sinh hoạt đa đảng và Tuyên Ngôn tự do dân chủ mà hơn 100 người tại Việt Nam đã can đảm ký tên và lên tiếng công bố chính thức trước dư luận trong và ngoài nước vào đầu tháng 4. Từ khi được công bố đến nay, hai bản văn này đã được nhiều người tiếp tục ký tên tham gia, đặc biệt số người trong nước đã tăng lên tới hơn 220 người. Theo ông Oppikofer, những người đã ký tên này có thể sẽ phải trực diện với những đợt đàn áp của đảng và nhà nước CSVN. Do đó, ông cho rằng các nước tự do trên thế giới cần được biết và quan tâm bảo vệ những nhà đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam để dân chủ tự do thực sự sớm được tái lập trên đất nước này. Dưới đây là bản lược dịch bài viết của ông Thierry Oppikofer:Ủng Hộ Tuyên Ngôn Dân Chủ Việt Nam
Geneva và những người dám nói "không"
Geneva, 29/4. Đến nay là đã 31 năm từ ngày 30 tháng tư 1975, đánh dấu ngày Sài Gòn sụp đổ và toàn thể nước Việt Nam rơi vào tay cộng sản. Trong những năm sau đó, từ 300 000 đến 500 000 người - nam, phụ, lão, ấu - con số tương đương với dân số của thành phố Geneva -- đã bỏ mình trên biển cả trên đường trốn chạy chế độ. Ngày 9 tháng hai vừa qua, với sự khởi xướng của cộng đồng người Việt tại Thụy-Sĩ, một bia đá đã được dựng lên tại Château Pictet ở Grand-Saconnex để tưởng niệm các nạn nhân của chế độ bạo tàn này, một chế độ còn tồn tại đến nay. Tại Hà Nội, đại hội Đảng cộng sản lần thứ X vừa chấm dứt, người ta không thấy một dấu hiệu nào cho thấy có cởi mở dân chủ hơn. Nhiều vụ tai tiếng gây chấn động bởi sự tham nhũng tột độ của chế độ, trong đó những thành phần đắc lợi - phải nhấn mạnh - là giới hãng xưởng ngoại quốc, đã buộc tập đoàn lãnh đạo của đảng CSVN phải lên tiếng hứa hẹn những cuộc cải cách rộng lớn. Nhưng, như lời tuyên bố của Mạnh, người mới được "tái đắc cử" tổng bí thư đảng CSVN, "nhiều cán bộ đảng kinh doanh và đã thành công". Thế nhưng, trong thành lũy cuối cùng này của thể chế "xã hội chuyên quyền" (Việt Nam và các nước Trung Hoa, Cuba, Bắc Hàn hay Miến Điện), một biến cố to lớn vừa xảy ra. Lần đầu tiên từ năm 1975, trên 116 nhân vật Việt Nam, từ Nam chí Bắc, đã ký vào lời kêu gọi hình thành đa đảng. Chấp nhận nguy hiểm vô cùng, những nhà dân chủ tại Việt Nam đã công khai ra mặt, với niềm tin là sẽ được sự hỗ trợ của dư luận quốc tế để ngăn chận việc nhà cầm quyền ra tay đàn áp họ. Ủy Ban Thụy Sĩ Việt Nam COSUNAM khẩn thiết yêu cầu chính phủ liên bang và tiểu bang, các đại diện đảng phái chính trị cũng như các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền và các cơ quan truyền thông, hãy làm tất cả những gì có thể để biến cố khởi động lịch sử này và những người đã ký tên nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt nhất. Danh sách 116 người ký tên đã được phổ biến trên trang nhà của chúng tôi. (www.cosunam.ch ) Bia tưởng niệm thuyền nhân đầu tiên tại Âu châu và để tri ân Thụy-Sĩ cũng như các quốc gia đã đón nhận người tị nạn Việt Nam, đã được dựng lên tại Grand-Saconnex. Đã có ba bia tưởng niệm khác, tại Canada, tại Mã Lai và tại Nam Dương. Nhưng hai bia sau cùng đã bị đục bỏ dưới áp lực của tòa đại sứ Việt Nam. Hội đồng hành pháp tại Grand-Saconnex đã bảo vệ tinh thần Geneva; mong sao, gương này sẽ gợi ý cho các nhà dân chủ, tại Bern và tại các nơi khác, để công cuộc tranh đấu của những người dám nói "không" trước cái đảng duy nhất tại Việt Nam được khuyến khích hầu đưa đến tự do cho nước này, một đất nước đã chịu quá nhiều đau khổ. Thierry Oppikofer Chủ tịch Ủy Ban Thụy Sĩ-Việt Nam cho tự do và dân chủ (Cosunam)