Sunday, March 23, 2008

HY VỌNG ĐÃ VƯƠN LÊN

Nguyễn Thị Quảng Bình.

Một lần nữa tháng Tư đen lại tới, nhắc nhở người Việt hải ngoại nỗi sầu tha hương hằng canh cánh bên lòng. Cái thân phận lưu vong, bởi vì đâu! Chỉ vì “loài quỷ dữ xua con ra đại dương”, và cũng chính bọn chúng làm quê hương điêu tàn, phá sản về mọi mặt, lòng người ly tán, xã hội băng hoại, luân lý suy đồi, tuổi trẻ hư hỏng, mất tương lai, người dân sống không định hướng. Đã 31 tháng tư đen rồi và sẽ còn bao nhiêu nữa! Dân tộc Việt Nam sẽ còn chịu đọa đày dưới ách Cộng Sản đến bao lâu.

Tuy nhiên, đã có một ánh sáng le lói cuối đường hầm, đã “có tin vui giữa giờ tuyệt vọng”. Tháng tư năm 2006 này có những dấu hiệu tuy còn mong manh nhưng đã báo hiệu cho một niềm hy vọng ở tương lai.

Ngày 2 tháng 4 vừa qua, là ngày giỗ đầu của Đức cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô Đệ nhị, một vĩ nhân thế giới và của mọi thời đại. Thiết tưởng chẳng cần lặp lại tiểu sử và công nghiệp của Ngài vì sách báo, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình đã nói đến quá nhiều. Nhưng không thể không nhắc đến một lời nhắn nhủ ngắn gọn của Ngài ngày lên ngôi Gíáo Hoàng đã tác động và gây ấn tượng trên bao nhiêu người: “Do not be afraid” “Các con đừng sợ hãi”. Tại sao Ngài không kêu gọi điều gì khác liên quan đến đức tin và đời sống của giáo dân và Giáo hội mà lại khuyên nhủ mọi người đừng sợ? Phải chăng vị Giáo Hoàng khôn ngoan và thánh thiện này đã từng trải qua cuộc sống dưới chế độ CS, đã phải dựa vào sự can đảm để sống còn, cho nên Ngài thấy được rằng chỉ có sự dũng cảm để lướt thắng sợ hãi thì mới có thể thành công trong các cuộc chiến, dù trên bình diện bản thân, gia đình, xã hội hay đất nước. Phải chăng câu này đã là nguồn nâng đỡ, là sự khích lệ, là niềm hứng khởi cho đồng hương cũng là con chiên Ba Lan của Ngài khiến họ mạnh dạn đoàn kết lại và đứng lên để làm cuộc cách mạng đi vào lịch sử, khiến cả thế giới Cộng sản lần lượt sụp đổ theo và chỉ còn lại vài ba nước vẫn u mê bám lấy cái chủ nghĩa phi nhân, độc hại ấy. Và tại Việt Nam chúng ta, quê hương của các Thánh Tử Đạo anh hùng, đã có những chủ chăn sống theo lời dạy của Ngài chiến thắng sự sợ hãi để đương đầu với bạo quyền hầu thể hiện trách nhiệm Ngôn Sứ của mình.

Như nhân dân dưới sự cầm quyền của các chế độ độc tài chuyên chế, người VN phải sống trong sợ hãi vì đảng csVN luôn dùng nhà tù và họng súng để đàn áp để trói buộc dân vào trong rọ XHCN. Nhà nước chuyên dùng đe dọa trừng phạt để bắt buộc dân phải luôn lệ thuộc nhà nước từ sổ hộ khẩu, thẻ chủ quyền nhà đất, đến việc di chuyển, xin giấy tờ chữ ký, xin cho con đi học v.v... Những vụ bắt bớ có thể xảy ra bất cứ lúc nào với những bản án bất công nặng nề cho những tội trạng quái đản, mơ hồ như : phản động, gián điệp, phá hoại sự đoàn kết, lợi dụng dân chủ, xâm phạm an ninh, nói xấu nhà nước v.v... Người dân lúc nào cũng phải đề phòng tai bay vạ gió. Chính cái nơm nớp lo sợ nhà nước này làm cho người dân càng lúc càng xa lánh, không dám nói, bàn hay đánh giá nhà cầm quyền nữa. Nhà văn nữ Dương thu Hương đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần về “nỗi sợ đã nghiền nát con người ra”. Điển hình là lời kể lể cuả một thính giả gửi đến đài RFA tháng 2 vừa qua, ông cho rằng mình sống mà như câm như điếc vì : “Ngần ấy năm, tôi chưa bao giờ dám nói và nghĩ khác với sự răn dạy của các lãnh đạo (lớn nhỏ tại nơi làm lụng của mình), của các nghị quyết có đánh số lẫn lộn hết khoá này khóa khác của những Đại hội, của cả người trong nhà với nhau (ví dụ: lỡ miệng nói một câu lệch lập trường đường lối thì dứt khoát vợ con hay cha mẹ lườm nguýt, chắt chắt lưỡi hoặc nhìn trước ngó sau như sợ bị công an còng tay đến nơi). Phương pháp êm dịu nhất là câm họng. Lâu dần, đầu óc cũng nút các ngả hết!... Nói chung tôi thấy đảng trừu tượng, đáng sợ và rất nguy hiểm nếu vo ve gần nó… Giời ạ, cả vật chất lẫn tinh thần, đảng đều làm cho tôi sợ hãi cả. Tôi thấy bảo góp ý hiến kế nhân Đại hội của đảng. Nhưng tôi sợ lắm. Vô khối những lời góp ý của các đảng viên lâu năm, những trí thức đều dắt họ vào tù.

Cái bệnh “sợ liên lụy” đã thấm vào não trạng các đảng viên khiến họ mất cả tư cách, từ bỏ danh dự, phản bội bạn bè, chối từ nhân phẩm chỉ vì sợ. Một cựu đảng viên cộng sản là ông Lê Nhân cũng phải nhắc đến nỗi sợ hãi đã làm họ sống hèn hạ trong bài “Vượt Qua Nỗi Sợ Mới Tới Được Tự Do”: “… Có thể do hoàn cảnh, do hèn, miếng cơm, manh áo, vợ con, con người có khi phải cúi gằm mặt xuống như một con thú gặm cỏ để gặm nỗi tủi nhục rất hạ đẳng của mình bị kẻ khác dùng roi vọt dẫn dắt, mà phải gọi tù ngục là tự do, bất hạnh là hạnh phúc. Lê Nhân tôi đã từng là một con người mang tính cừu, tính bò lừa ấy trong mấy chục năm sống và hèn, sống và vong thân dưới ngọn roi chuyên chế của cộng sản… không dám mở miệng mà nói ra sự thật trước thiên hạ… May mắn thay, nhờ phong trào dân chủ của anh em trong ngoài nước tiếp sức, Lê Nhân tôi đã vượt lên sự sợ hãi vốn dĩ của mình như con cừu trong bầy đàn xã hội chủ nghĩa mà nói lên một phần sự thật rằng: cộng sản là lực lượng duy nhất còn sót lại trên mặt đất này, cũng là hình ảnh cụ thể nhất của cái ác, của giả trá, vong thân!...”

Tuy nhiên, “con giun xéo mãi cũng quằn”. Trong lịch sử VN từ xưa đến nay vẫn có những người can đảm, dù biết nổi dậy sẽ bị đàn áp, sẽ phải hy sinh xương máu ngay cả sinh mệnh cá nhân và gia đình nhưng họ vẫn vùng lên. Từ những thời Bắc thuộc xa xưa đến thời chống thực dân Pháp hay chống cộng sản như vụ Ba Làng, Quỳnh Lưu,Vinh Sơn… Gần đây nhất là những vụ liên quan đến đất đai như ở Kim Nỗ, Thái Bình, Trà Cổ, Xuân Lộc… Ngay cả những người Thượng trên Cao nguyên dù rất chất phác hiền lành, quanh năm gắn bó với ruộng vườn nương rẫy mà cũng phải nổi dậy chống đối quyết liệt, rồi bị đàn áp dã man phải bỏ chạy sang Cam Bốt tỵ nạn.

Về mặt tôn giáo, tấm gương uy dũng của Đức Cố Tổng Giám Mục Giáo Phận Huế Philliphê Nguyễn Kim Điền vẫn ngời sáng để nung đúc tinh thần bất khuất, kiên cường của các linh mục trong Giáo phận mà điển hình là linh mục Tađêo Nguyễn Văn Lý, linh mục Phêrô Nguyễn Hữu Giải, linh mục Phêrô Phan Văn Lợi. Các linh mục này đã từng nếm mùi tù tội trong lao tù cộng sản và hiện vẫn bị sách nhiễu, hăm dọa đủ điều, nhưng tinh thần các ngài lúc nào cũng kiên vững, tin tưởng vào chính nghĩa của cuộc đấu tranh đòi các quyền tự do căn bản đã được bạo quyền ghi trong Hiến pháp cũng như đã ký vào các văn kiện quốc tế, nhưng cố tình không thi hành để khống chế nhân dân và các tôn giáo hầu củng cố địa vị độc tôn và độc quyền cai trị của đảng csVN.

Ngoài Giáo Hội Công Giáo, các Giáo Hội khác như GH Phật Giáo VN Thống Nhất với Hòa Thượng Thích huyền Quang, Hòa Thượng Thích Quảng Độ, GH Tin Lành Mennonite với Mục Sư Nguyễn Hồng Quang, GH PH Hòa Hảo với cụ Lê quang Liêm, GH Cao Đài cũng dũng cảm đòi hỏi quyền được tự do truyền đạo và tự do điều hành tôn giáo của mình chứ không chịu ép mình vào dưới sự cai trị và lũng đoạn của cái gọi là Mặt trận Tổ quốc của csVN. Trong Thông điệp Phật Đản năm 2003, Đại lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang với tinh thần Vô Úy đã nhấn mạnh: “Giải phóng con người ra khỏi sự sợ hãi truyền kiếp, thì đạo Trí tuệ mới phát huy hết bản sắc của nền Phật giáo dân tộc…”. Thượng Tọa Thích Thiện Minh từ khi ra khỏi tù đã nhiều lần lên tiếng trên các đài phát thanh hải ngoại để tố cáo CSVN đã giam cầm, tra tấn rất dã man những chức sắc tôn giáo cũng như tù nhân chính trị và lên tiếng đòi lại tài sản của GHPGVNTN đã bị bạo quyền cướp đoạt.

Từ khi nhà cầm quyền CSVN nhận ra nhu cầu cần phải hội nhập vào thế giới, cần tham dự các tổ chức quốc tế, cần có một bộ mặt “coi được” với toàn cầu, cần để cho các cơ quan truyền thông cũng như chính khách và doanh nhân các nước đến VN, nhất là sự phát triển của mạng lưới toàn cầu đã như luồng gió mới thổi vào nước ta, cho dân ta được tiếp cận với những nguồn thông tin trên thế giới chứ không còn lệ thuộc vào hệ thống thông tin một chiều và bưng bít của nhà nước nữa. Linh mục Nguyễn Văn Lý, Linh Mục Phan Văn Lợi và các anh Lê Chí Quang, Nguyễn Khắc Toàn… đã tận dụng ngay những ưu điểm của Internet để gửi các lời kêu gọi và bài viết ra ngoại quốc, báo động về những gì đang xảy ra tại VN cho mọi người biết, dù bạo quyền tìm hết cách để ngăn cản như cắt điện thoại, điện thư, tịch thu máy vi tính ngay cả bỏ tù hoặc quản chế nhưng không làm các vị này nhụt chí. Càng ngày nhiều người càng say mê Internet, tham gia những buổi nói chuyện, trả lời những cuộc phỏng vấn của báo và đài ngoại quốc. Họ đã tìm tòi tài liệu để đọc về dân chủ, về hiến pháp, về các tuyên ngôn quốc tế… nên đã bớt sợ phần nào. Nhà văn Vũ Thư Hiên đã nhận định trên đài VOA như sau: “Tôi nghĩ là cái sợ nó cũng bớt đi rồi. Nó bớt cũng là do tình thế, tức là VN bây giờ cũng phải hội nhập vào thế giới. Ngày xưa cái cấm kỵ nó nhiều hơn, cái sợ nó nhiều hơn… Thí dụ trước kia chỉ cần nói hơi một tí cũng đủ để bỏ người ta vào tù, cho người ta một lệnh tập trung 3 năm, sau đó 3 năm nữa, rồi 3 năm nữa, không biết bao giờ mới ra. Bây giờ người ta cố gắng làm nó khác đi, cho gần với nhân loại bình thường hơn. Và có lẽ theo quán tính thì sự sợ hãi vẫn còn, nó vẫn còn sống dai dẳng. Vì vậy cho nên con đường dân tộc VN đi đến chỗ khá hơn, tức là bứt phá khỏi vòng vây của những tư tưởng cổ hủ và sai trái để phóng lên con đường cùng với nhân loại, xem ra cũng còn nhiều gian nan lắm.”

Dù vậy sự lên tiếng phê phán của hàng loạt những nhân vật bất đồng chính kiến, những cựu chiến binh, những đảng viên, những sĩ quan quân đội đã vang vọng khắp nơi, như cựu Viện trưởng viện Mác Lê cụ Hoàng Minh Chính, cựu Đại tá Phạm Quế Dương, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Giáo sư Nguyễn Thiện Tâm, nhà báo Phan Thế Hải, nhà văn Trần Mạnh Hảo, cựu Trung tá Trần Anh Kim, sinh viên Nguyễn Tiến Trung… Dù nhà cầm quyền VN cố gắng trấn áp như vụ bắt anh Phương Nam Đỗ Nam Hải và anh Nguyễn khắc Toàn mới đây nhưng không làm các anh nao núng. Anh Toàn đã lên tiếng trả lời phỏng vấn của SBS Radio ngay khi anh vừa rời trụ sở Tổng Cục An Ninh để về nhà ăn trưa rồi trở lại “làm việc tiếp” như sau: “Tôi biết mình luôn luôn bị đe dọa và biết rằng khi lên tiếng thế này là vô cùng nguy hiểm. Nhưng việc tôi nói thì tôi vẫn cứ phải nói vì đấy là tiếng nói của lương tri, sức mạnh và bạo lực không thể ngăn cản được tiếng nói lương tri của con người.” Anh Toàn nhấn mạnh: “Hiện nay chỉ có ý kiến của nhóm dân chủ trong nước là triệt để nhất. Họ nói phải đổi mới chính trị, có đổi mới chính trị thì mới thay đổi được các lãnh vực khác. Mà đổi mới chính trị là gì? Là đảng CSVN phải mạnh dạn bỏ điều 4 Hiến pháp, phải thay đổi thể chế chính trị, phải chuyển sang một hình thức chính trị văn minh hơn là đa nguyên đa đảng. Có đa nguyên đa đảng thì mới xây dựng được một nhà nước pháp quyền thực sự, nhân dân mới được hưởng những quyền dân chủ tự do mà bấy lâu nay nhà nước chưa thực thi. Cơ bản nhất là những quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin, tự do phát biểu chính kiến, lập hội, biểu tình, sinh hoạt đảng phái.”

Một biến cố đã làm rúng động nhà cầm quyền VN cũng như người ngoại quốc là cuộc đình công của cả trăm ngàn công nhân các hãng xưởng liên doanh tức chủ nhân là người Đài Loan hoặc Đại Hàn, Nhật Bản. Sau đó cuộc đình công đã lan rộng đến cơ sở quốc doanh… Có những bạn trẻ đã mạnh dạn đại diện công nhân trả lời phỏng vấn để nêu lên những bức xúc, bất mãn cũng như nguyện vọng của tầng lớp công nhân. Các anh chị em đã không ngần ngại đưa ra Yêu Sách 8 điểm của công nhân Việt Nam đòi quyền lợi cho người lao động. Việc này đã khiến Chủ tịch Trần Đức Lương phải xin lỗi các nhà đầu tư Nhật, và các chủ nhân nước ngoài cũng lên tiếng bày tỏ sự lo ngại; nhưng nhiều người Việt trong cũng như ngoài nước rất quan tâm và phấn khởi vì thấy các công nhân đã bắt đầu ý thức về quyền lợi của mình và biết xử dụng quyền đình công rất chính đáng để tranh đấu đòi được trả lương tương xứng, công bằng, đúng theo hợp đồng, cũng như được bảo vệ quyền lợi bằng những luật lệ rõ ràng, minh bạch.

Trở lại 3 linh mục ở Huế, các vị đã cùng linh mục Têphanô Chân Tín ở Sài Gòn viết nhiều lời kêu gọi để phân tích và trình bày cũng như tố cáo sự đàn áp của nhà cầm quyền đối với những chức sắc và tín đồ không chịu nằm trong sự khống chế và lũng đoạn của CSVN. Các vị cũng gửi thư Hiệp Thông đến các Giáo Hội bạn như Giáo Hội Phật Giáo VNTN, Giáo Hội Tin Lành, Giáo Hội Hòa Hảo, để chia xẻ những đau khổ, những thiệt hại mất mát vì bị đàn áp bởi bạo quyền, để nói lên tình đoàn kết cùng hợp lực đấu tranh cho quyền Tự Do Tôn Giáo chính đáng. Rồi sự ra đời liên tiếp với chữ ký của các linh mục cũng như nhiều nhân vật đấu tranh nổi tiếng như Lời Kêu Gọi tẩy chay Bầu cử Độc đảng 2007, Lời Kêu Gọi cho quyền Tự Do Thông Tin Ngôn Luận, Lời Kêu Gọi cho Quyền Công Nhân, Quyền Thành lập và Hoạt động Đảng phái tại VN.

Ngày 8-4-2006 vừa qua thật là một ngày đáng ghi nhớ: một sự kiện độc đáo đã xảy ra mang đến niềm phấn khởi và hy vọng cho những ai còn quan tâm đến vận mệnh đất nước. Một bản văn lịch sử từ trong nước gửi ra được gọi là Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ 2006 với 118 chữ ký của những người dân Việt yêu chuộng Tự Do đã như một lá cờ hiệu phất lên mạnh mẽ, như một bài hịch xuất quân dõng dạc hào hùng, như một trận cuồng phong thổi bùng lên đốm lửa âm ỉ bấy lâu nay là cuộc tranh đấu đòi quyền được sống đúng nhân phẩm con người, như đã được quy định trong các bản tuyên ngôn của quốc tế mà nhà nước CSVN đã ký tham gia nhưng không bao giờ thành tâm thực hiện, vì đó chính là bản chất gian manh lật lọng của người Cộng sản. Trong số 118 vị ký tên, người ta nhận thấy có đủ mọi thành phần như linh mục, mục sư, giáo sư, doanh nhân, giáo viên, bác sĩ, y tá, nhà văn, nhà thơ, kỹ sư, cựu chiến binh và họ từ các tỉnh thành của ba miền đất nước. Người viết rất cảm động thấy có sự góp mặt của ít nhất 24 vị nữ lưu gồm cả hiền thê các anh Nguyễn Vũ Bình và Phạm Hồng Sơn, dù chồng đang bị giam cầm nhưng đã can đảm mạnh dạn ký tên cùng những vị khác. Chúng tôi xin ngả mũ kính phục lòng dũng cảm của 118 vị và xin mạn phép gọi quý vị là những “chiến sĩ tiền phong của Tự Do”, xin được gửi đến từng vị một bông hồng đẹp nhất.

Ở hải ngoại, Bản Tuyên Ngôn với118 chữ ký đã liên tục được nhắc đến trên báo, trên truyền thanh, truyền hình, trên mạng lưới toàn cầu với tất cả trân trọng. Đặc biệt, trên các diễn đàn của các đài BBC và RFA, người đọc như tràn ngập bởi những ý kiến mà đa số biểu lộ sự vui mừng hân hoan của các người tham gia diễn đàn. Chẳng hạn “Chưa bao giờ mà lòng tôi thấy rộn ràng như lúc tôi đọc được bản Tuyên Ngôn TDDC cho VN, bản TN đã nói thay chúng tôi những người dân thấp cổ bé họng.” và “Hoan nghênh Tuyên Ngôn TDDC 2006, những cánh én đang gọi đàn, những đóa hoa tự do dân chủ đã và đang nở rộ”, hoặc “Nếu không có một thiểu số người khởi xướng thì không có những cuồng phong cách mạng”; nào là “Dặm đường dài bắt đầu bằng một bước chân, đám cháy lớn bắt đầu bằng ngọn lửa nhỏ, 118 người tuy nhỏ với 80 triệu dân nhưng là một tập thể dũng cảm, dám nói lên khát vọng của mình và bao người dân VN khác”. Có người lại nghĩ rằng “những hoạt động như Tuyên ngôn này có thể không đi đến đâu nhưng nó sẽ là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho tương lai của một nước giàu mạnh”. Nhiều người còn tỏ ý tiếc là bản TN đã không phổ biến rộng rãi cho họ và hàng triệu người thầm lặng có cơ hội ký tên. Có ý kiến bày tỏ lòng cảm phục “những vị có ý chí kiên cường, sự hy sinh cho dân tộc rất lớn lao”.

.Tiếp đến sự ra đời của Bán Nguyệt San Tự Do Ngôn Luận càng làm mọi người nức lòng. Quả thật đây là một hành động thực tiễn để thể hiện quyền tự do ngôn luận, quyền tự do thông tin mà bấy lâu nay người dân đã bị nhà nước tước đoạt mất. Đây chính là “một bước đột phá trên con đường tự do dân chủ đầy chông gai” (BNS TDNL). Linh mục Chân Tín cùng tất cả những người cộng tác thật là những chiến sĩ dũng cảm, can trường. Hy vọng tờ báo sẽ trường tồn để cung ứng cho người dân những thông tin cần thiết, những quyền lợi họ xứng đáng được hưởng cũng như những bổn phận và trách nhiệm của người dân trong việc xây đắp và bảo vệ cho nền dân chủ tự do của nước nhà. Báo TDNL sẽ là tiếng kêu trầm thống của một dân tộc khao khát tự do, ước ao dân chủ. Tiếng kêu này rồi sẽ đồng vọng qua đồi cao lũng thấp, qua núi rừng trùng trùng điệp điệp, qua suối dài sông rộng từ thành thị đến thôn quê để hàng triệu ngưòi cùng góp sức chung lời thành tiếng loa vang báo tin ngày cáo chung của chế độ độc tài đảng trị. BNS TDNL khi thực hiện hai khẩu hiệu trong Lời Kêu Gọi Cho Quyền Tự Do Thông Tin Ngôn Luận là “Chúng ta không sợ hãi nữa. Chúng tôi phải biết sự thật” sẽ giúp người dân trong nước ngày càng hiểu rõ hơn về mặt thật gian ác của đảng CSVN, về con người họ Hồ, tội đồ thiên thu của dân tộc Việt, về những thủ đoạn gian trá, bịp bợm họ dùng để lừa mỵ dân, về những hành động bán nước buôn dân đời đời nguyền rủa. Và như ngục sĩ Nguyễn chí Thiện đã viết:

Khi nhân loại mọi người đều biết.
Cộng sản là gì, tự nó sẽ tan đi.

Khi người dân không còn sợ hãi chính quyền cộng sản và bộ máy đàn áp của nó nữa thì sớm muộn gì cũng:

Sẽ có một ngày con người hôm nay.
Vất súng, vất cùm, vất cờ, vất đảng. (NCT)

Để nuôi hy vọng:

Tôi mong mãi một tiếng gì như tiếng ầm vang của bể.
Đồng bào tôi cũng mong như thế.
Tôi lắng nghe. Hình như tiếng đó đã bắt đầu.
Nhưng tôi hiểu rằng đó là tiếng của lịch sử dài lâu.
Nên trời đêm dù thăm thẳm ngòm sâu.
Dường như vô giới hạn ở trên đầu,
Tôi vẫn nguyện cầu. Vẫn sống và tin.
Bình minh tới, bình minh sẽ tới”.

(Trích Đồng Lầy, NCT. 1972)

Xin cám ơn các chiến sĩ tiền phong của Tự Do đã gieo cho chúng tôi niềm hy vọng về một bình minh cho dân tộc Việt Nam.

Quốc Hận 2006

Nguyễn Thị Quảng Bình

TRỞ VỀ
TRANG ĐẦU TIÊN



______________________________________________________