Tuesday, March 25, 2008

Phỏng vấn về
Phong Trào Quốc Dân
Đòi Trả Tên Sài Gòn


Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn là một phong trào
đồng hành, song song với tất cả các phong trào tranh đấu chân chính khác
để đòi hỏi công bằng, tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam

(Linh Mục NGUYỄN HỮU LỄ)

Lời giới thiệu: Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn vừa công bố “Lời Kêu Gọi Đặc Biệt Số 3” gởi đến các Giáo dân Công giáo yêu cầu xóa bỏ các chữ “Hồ Chí Minh” trong các sách lễ, sách Kinh Thánh, các bài đọc trong Nhà Thờ.

Để tìm hiểu thêm về “Lời Kêu Gọi Đặc Biệt số 3” phổ biến ngày 15 tháng 4 năm 2006 nầy, Tiếng Nói Phục Hưng Việt Nam (TNPHVN) đã phỏng vấn LM NGUYỄN HỮU LỄ, đại diện Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn, hiện đang cư ngụ tại Tân Tay Lan. Sau đây là nguyên văn cuộc phỏng vấn do ĐPV QUANG DŨNG thực hiện và được phát trong chương trình phát thanh TNPHVN lúc 10 PM (giờ Hoa Thịnh Đốn) Thứ Năm, 20 tháng 4, 2006.

Quang Dũng: Kính chào LM NGUYỄN HỮU LỄ. TNPHVN rất hân hạnh được LM nhận lời tham dự cuộc trao đổi trong chương trình phát thanh hôm nay. Trong Lời Kêu Gọi Số 3, Phong Trào Sài Gòn (PTSG) đã kêu gọi “từ nay KHÔNG BAO GIỜ ĐẶT TRÊN BÀN THỜ VÀ TRÊN GIẢNG ĐÀI CÁC SÁCH LỄ, SÁCH KINH THÁNH, SÁCH BÀI ĐỌC NÀO CÓ IN CÁI TÊN “HỒ CHÍ MINH”. Thưa Cha, phải chăng đây chỉ là vấn đề biểu tượng bởi vì một cái tên in trên bìa sách, bìa một tài liệu đâu có đáng gì chúng ta phải để ý?

LM Nguyễn Hữu Lễ: Thưa anh, có những vấn đề nếu chúng ta không đặt ra thì như thế nó tuần tự tiến. Nhưng nếu mình đặt ra thì thấy vấn đề không đơn giản như mình nghĩ. Câu anh vừa hỏi, đây là vấn đề biểu tượng mà thôi, thật ra có nhiều người cũng đã thấy có những sách thánh, sách lễ, sách kinh in tên TGP thành phồ HCM hoặc “được kiểm duyệt bởi TGP thành phố HCM” chẳng hạn. Có nhiều người cho đây là chuyện bình thường cho nên cứ dùng nó đưa vào nhà thờ, đưa vào nơi thờ phượng, đặt trên bàn thờ tất cả mọi nơi...

Nếu mình coi đó là một biểu tượng, không gì để ý thì chính đó là điểm mà những người cộng sản muốn cho tên Hồ Chí Minh dần dần được chấp nhận ở khắp mọi nơi. Như tôi đã nói một lần trong Lời Kêu Gọi đặc biệt số 2, khi người cộng sản đổi tên thành phố Sài Gòn trở thành tên thành phố HCM là người ta muốn viết lại lịch sử. Mà muốn viết lại lịch sử là muốn cho tất cả mọi người đều mặc nhiên chấp nhận một cái tên mà họ muốn đưa vào đó để quen dần với cặp mắt, với sinh hoạt thường ngày của người dân.

Tôi nghĩ rằng việc cái tên HCM được in trên các sách lễ, sách thánh của giới Công giáo và vô tình được các giới Công giáo chấp nhận đặt ngay bàn thờ cũng nằm trong một ý đồ là từ từ nơi đó là được mọi người mặc nhiên chấp nhận.

Trong dân gian Việt Nam chúng ta có một câu nói rất dí dỏm để so sánh trường hợp này. Trong câu nói đó người ta nói là: “Để lâu cứt trâu cũng hóa bùn”. Tức là chuyện gì mà mình cứ để tự nhiên nó tiến hoài thì từ từ nó sẽ trở thành một việc mà người ta muốn. Như trường hợp tên HCM in trên sách thánh nếu chúng ta không ý thức, không lên tiếng, không ngăn chặn thì từ từ tất cả mọi nơi, mọi chốn của giáo hội Công giáo Việt Nam sẽ có tên HCM nằm lan tràn cả. Và tên đó nó quen mắt, quen tai trong tất cả các người công giáo, các trẻ con. Và sau này đó là điều mà người ta sẽ chấp nhận dễ dàng.

Đó chính là điều tai hại. Bao lâu mà tên đó còn hiện diện trong lòng dân tộc thì bấy lâu nó gây ra sự hận thù chia rẽ giữa những người Việt Nam với nhau.

Chính vì thế, qua câu anh vừa hỏi, đây chỉ là biểu tượng mà thôi thì không có gì đáng chú ý. Chính vì thế mà trong Lời Kêu Gọi Số 3, tôi biết có nhiều nơi người ta đã vô tình làm ô uế nơi cực thánh. Vô tình chứ không phải cố ý. Vô tình có nghĩa là vì không cần để ý nữa nên cứ ngang nhiên những sách lễ, sách thánh, sách kinh có đầy dẫy tên HCM. Có khi in ở ngoài trang bìa, có khi in trang hai... trang 3...và được đặt ngay bàn thờ.

Tôi cho đây là một hành động rất vô ý thức. Chính vì hành động này mà chúng tôi lên tiếng trong Lời Kêu Gọi Đặc Biệt số 3 là từ nay về sau không bao giờ đặt trên bàn thờ, trên giảng đài các sách lễ, sách kinh thánh, sách bài đọc nào có in tên HCM.

Bởi vì nếu chúng ta tiếp tục sử dụng, thứ nhất là tỏ ra mình rất vô tâm. Thứ hai nếu chúng ta tiếp tục sử dụng nó thì chứng tỏ là chúng ta hoàn toàn vô ý thức về sự tai hại mà tên HCM từ từ chiếm ngự trên các nơi, đáng lẽ không được phép hiện diện.

Quang Dũng: LKG có nói “Trong trường hợp phải dùng các sách đó xin hãy xóa tên Hồ Chí Minh hoặc xé bỏ bìa sách hoặc các trang có in cái tên này.” Điều nầy có thể áp dụng tại hải ngoại nhưng liệu có thể làm ở trong nước không?

LM Nguyễn Hữu Lễ: Theo tôi nghĩ thì điều này ai cũng có thể làm và làm bất cứ nơi nào anh ạ. Là bởi vì như tôi nói, không có một nơi nào mà người cộng sản đi từng nhà thờ, từng gia đình công giáo, từng cơ sở tôn giáo để kiểm soát coi cuốn sách thánh đó có tên HCM hay không, cuốn sách thánh đó có bị mất trang giấy nào hay không? Tôi không nghĩ như vậy.

Bởi vì LKGDB số 3 chủ yếu là để gây ý thức nơi lòng dân tộc. Trong bất cứ một việc gì chúng ta làm mình cũng phải thấy nó phải có mục tiêu của nó. Khi chúng tôi đưa ra Lời Kêu Gọi không có nghĩa là chúng ta hy vọng rằng tất cả mọi người sẽ thực hiện theo Lời Kêu Gọi đó bằng một nghĩa đen. Nhưng dầu sao đi nữa, khi Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn đưa ra từng lời kêu gọi như vậy là cố ý gây nên một ý thức trong dân chúng.

Thí dụ, từ trước đến nay có những người quen miệng mà khi viết, đọc tin tức, hoặc khi phổ biến tin tức hoặc viết lách thì người ta lại viết tên là thành phố HCM, hoặc TGP thành phố HCM. Nhưng sau khi Lời Kêu Gọi Đặc Biệt số 1 của Phong Trào đưa ra rồi thì từ từ cho thấy rằng đã có một sự chuyển biến là những tờ báo, những bản tin, hoặc những đài phát thanh dần dần đã không còn sử dụng tên thành phố HCM mà người ta gọi là Sài Gòn.

Rồi nó có những hiện tượng xảy ra, thí dụ như vấn đề viết thơ về Sài Gòn. Có những người cứ ngang nhiên đề tên thành phố HCM, nhưng vì thói quen thôi. Nhưng sau khi Lời Kêu Gọi Đặc Biệt số 2 đưa ra rồi thì mỗi lần người ta đặt bút xuống để viết tên thành phố HCM người ta phải thấy ngượng và người đó phải thấy thẹn với chính lương tâm của mình. Cho nên từ từ đồng bào đã mạnh dạn và đã ý thức được và khi viết thơ thì đề Sài Gòn thay vì thành phố HCM.

Và tôi nghĩ rằng LKGĐB số 3 này khi đưa ra cũng làm cho các giáo sĩ Việt Nam và những người có trách nhiệm trong các nhà thờ phải ý thức, phải thấy nhột nhạt và phải cảm thấy là mình phải có trách nhiệm, cảm giác rằng mình là người có tội khi đặt những cuốn sách có in tên HCM trên bàn thờ Thiên Chúa. Đây có thể là một hành động mà trước nay người ta chưa chú ý, nhưng bây giờ người ta phải chú ý và thấy rằng đây là một hành động không được phép làm.

Chính vì thế mà tôi nghĩ không những ở hải ngoại mà thôi mà ngay cả trong nước và bất cứ nơi nào, các giáo sĩ, các linh mục, các người phụ trách nhà thờ cũng có thể xé bỏ những bìa, trang sách có in tên HCM dễ dàng. Điều này không có nghĩa là người ta sẽ gặp sự khó khăn nào, hay sẽ bị tù đày, đánh đập, bắt bớ, giết chóc gì cả mà đây là hành động của lương tri chân chính của người Công giáo ở khắp nơi.

Quang Dũng: LKGĐB số 3 có trích dẫn điện thư của LM Nguyễn Văn Lý và LM Phan Văn Lợi thông báo thành qủa bản tin Hiệp Thông của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong nước đã thay tên HCM bằng tên Sài Gòn. Xin Cha nói rõ thêm chi tiết về sự việc nầy.

LM Nguyễn Hữu Lễ: Sự kiện này là một điều rất đáng cho chúng ta quan tâm. Một buổi sáng khi chúng tôi mở email ra thì nhận được thơ của LM Nguyễn Văn Lý và LM Phan Văn Lợi từ trong nước gởi ra mà tôi có cho trích hai đoạn trong LKGĐB số 3 để đồng bào chúng ta được biết.

Hai thơ đó cho chúng ta một cái nhìn là đã có một sự chuyển biến trong lối xưng hô, trong lối sử dụng ngôn từ của những bản văn chánh thức của HĐGMVN, đó là bản tin Hiệp Thông.

Khi nhận được tin tức như vậy, chúng tôi vẫn chưa công khai phổ biến là bởi vì luôn luôn chúng tôi cần có một sự kiểm chứng, cần có sự xác định cụ thể. Sau đó, qua sự liên lạc về trong nước, chúng tôi đã được trong nước “scan” ra hình những mẩu bản tin trước đây đều in TGP thành phố HCM. Nhưng bản tin số 33, tức là bản tin mới, sau khi Phong Trào Quốc Dân đòi trả tên Sài Gòn đưa ra Lời Kêu Gọi về việc vận động chữ ký để đổi tên TGP thành phố HCM trở về tên TGP Sài Gòn thì trong bản tin Hiệp Thông số 33 đã có sự thay đổi là TGP Sài Gòn.

Về hình thức thì nhìn ra nó chỉ đơn giản một chữ in từ TGP thành phố HCM trở qua TGP Sài Gòn mà thôi. Và có lẽ cũng rất nhiều người cũng không để ý rằng đây là một cái gì nó đặc biệt trong nội dung của tờ Hiệp Thông. Nhưng thưa anh, đối với những người quyết tâm theo đuổi mục tiêu là vận động khắp nơi, vận động lương tri, vận động ý thức của người Công giáo Việt Nam nói riêng và đồng bào Việt Nam nói chung để xin với Tòa thánh hãy hoàn trả lại tên TGP Sài Gòn mà tẩy trừ tên TGP thành phố HCM thì đây quả là một bước tiến rất đáng chú ý.

Dĩ nhiên, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam bị đặt trong tư thế rất khó khăn. Điều này tôi đã từng lên tiếng, và chính vì thế mà tôi đã nói là không bao giờ chúng tôi ép buộc hoặc có ý đụng chạm tới Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong vấn đề này cả.

Bởi vì tôi hiểu được sự khó khăn, hoàn cảnh trên đe dưới búa của HĐGMVN trong một vấn đề tế nhị như vấn đề phải mang cái tên HCM trong một Tổng giáo phận lớn của mình. Nhưng thưa anh, dầu sao đây là một điểm rất đáng mừng cho những người cố tâm vận động để đòi trả lại tên TGP Sài Gòn. Và chính điểm này làm cho một số người hăng hái hơn, mạnh dạn hơn và cảm thấy rằng con đường chúng ta đang đi đã được rất nhiều người hưởng ứng. Và đã có dấu hiệu của một sự chuyển biến rõ rệt trong ngôn từ, trong cách sử dụng danh từ của TGP Sài Gòn thay vì TGP thành phố HCM.

Quang Dũng: Theo Cha thì đây có phải là một sự thay đổi về lập trường của HDGMVN không?

LM Nguyễn Hữu Lễ: Nếu nói lập trường thì không đúng. Tôi không nghĩ rằng HĐGMVN có lập trường phải giữ tên TGP thành phố HCM cho giáo hội Công giáo Việt Nam. Tôi không nghĩ như vậy. Lập trường là khi người ta quyết tâm bảo vệ một vấn đề gì mà vấn đề đó người ta xét nghiệm nó là đúng, là chính xác, và có thể người ta sẽ theo đuổi đến cùng cho dầu phải trả giá cao hoặc là cho dầu phải trả giá bằng mạng sống đi nữa để bảo vệ thì người ta gọi đó là lập trường.

Trong trường hợp Giáo Hội Công giáo Việt Nam bị bắt buộc phải mang một tên đầy nhục nhã là tên TGP thành phố HCM, tôi không nghĩ đây là một lập trường của giáo hội Công giáo Việt Nam.

Trong bài phân tách đầu tiên tôi viết “Vài điều suy nghĩ về tên gọi TGP thành phố HCM”. Nay tôi muốn lập lại công khai một lần nữa để thính giả đang theo dõi chương trình này thấy được vấn đề về cái tên TGP thành phố HCM. Trong đó tôi có nói việc thay đổi từ tên TGP Sài Gòn qua TGP thành phố HCM không phải là lập trường của GHCGVN, cũng không phải là sự việc phải làm của HĐGMVN, cũng không phải là ý muốn của GHCG Hoàn Vũ bắt đầu từ Vatican trở xuống. Không phải như vậy, mà đây là việc làm của một số linh mục tai sai của chế độ CSVN nằm ngay trong lòng TGP Sài Gòn lúc đó.

Tôi đã nói rất rõ trong bản văn đó, đứng đầu danh sách những linh mục đó là linh mục Huỳnh Công Minh, hiện nay đang là Tổng Đại Diện của cái gọi là TGP thành phố HCM. Chính nhóm linh mục này đã lợi dụng danh nghĩa Công giáo để làm cho GHCGVN trở nên ô nhục trước mặt Dân Tộc Việt Nam qua hành động áp lực để đổi tên TGP Sài Gòn trở thành tên TGP thành phố HCM. Mà lúc đó vì hoàn cảnh chính trị, GHCGVN không làm cách gì hơn được, đành phải cúi đầu chấp nhận.

Đã 30 năm qua rồi, người ta cảm thấy ê chề, nhục nhã với sự việc đó nhưng không ai lên tiếng. Không ai công khai bày tỏ nguyện vọng, cho đến khi Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn đã công khai lên tiếng vận động trên toàn thế giới một chiến dịch để xin Tòa Thánh đổi trả lại tên TGP Sài Gòn.

Tôi nghĩ đây là cơ hội tốt nhất để cho HĐGMVN có thể có một lý do để từ từ tẩy rửa đi điều ô nhục trên mặt của GHCGVN. Tôi tin chắc rằng một ngày nào đó cái tên TGP thành phố HCM sẽ bị tẩy trừ và tên TGP Sài Gòn sẽ được phục hồi một cách chính thức.

Cho nên tôi nhắc lại, đây không phải là một sự thay đổi lập trường của HĐGMVN mà đây là một sự tác động mạnh mẽ trong hòan cảnh khó khăn của HĐGMVN. Và HĐGMVN phải nhìn thấy được đâu là ý muốn của quần chúng nói chung, và đâu là ý muốn của những người Công giáo Việt Nam chân chính nói riêng.

Quang Dũng: Nói đến vấn đề tôn giáo trong nước thì chúng ta không thể không đề cập đến Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ của 118 người ký tên vừa phổ biến ngày 8 tháng 4, trong đó có rất nhiều tu sĩ Công Giáo. Xin Cha cho biết nhận xét về bản Tuyên Ngôn nầy.

LM Nguyễn Hữu Lễ: Trong thời gian vừa qua, chắc chắn là đồng bào Việt Nam chúng ta trong cũng như ngoài nước, đều quan tâm đặc biệt đến một sự kiện như anh vừa nhắc tới. Đó là bản Tuyên Ngôn về Tự do Dân chủ được ký tên bởi 118 người ở trong nước. Sau đó đã có rất nhiều người ở hải ngoại đã lên tiếng hỗ trợ quảng bá bản tuyên ngôn đó. Trong đó cá nhân tôi cũng ký tên vào và chúng tôi cũng quảng bá rất rộng rãi về sự kiện đó.

Thưa anh, khi nhắc về vấn đề đó, chúng ta phải đi xa hơn chút xíu để tìm hiểu nguyên nhân của nó. Thật sự ra những hoạt động dân chủ trong nước không phải một sớm một chiều mà nó thành hình được. Ai cũng biết rằng chế độ CSVN cai trị bằng sự tận dụng khai thác sự sợ hãi, sự khủng bố và làm cho dân chúng rất kinh sợ chế độ. Và chính nhờ sự kinh sợ đó mà chế độ tồn tại.

Cho nên trong 30 năm qua, chúng ta cũng biết từ từ có những việc lên tiếng của một số người, rồi có sự phản đối của một vài cá nhân và một vài, mình cứ tạm gọi là một tổ chức, nhưng nó còn khá lẻ tẻ và rất dè dặt.

Như anh biết, đối với người CSVN, chúng ta phải cẩn thận và phải biết điều này, đừng vô tình rơi vào mê hồn trận của họ. Có nhiều người khi ở hải ngoại về trong nước trở ra nói rằng trong nước bây giờ tự do đến độ mà người ta chửi chế độ công khai, ngồi trên bàn tiệc cũng chửi, đi xe xích lô thì nghe những người đạp xích lô cũng chửi... đi vô chỗ công cộng thì cũng nghe người ta chửi công khai chế độ... chế độ bây giờ mất quyền lực rồi, nó sợ dân chúng, nó không còn giá trị gì nữa. Cho nên bây giờ tự do lắm rồi.

Chúng ta đừng lầm, và phải nói là chúng ta đừng dại dột nghe những chuyện như vậy. Bởi vì mọi người phải biết rằng đối với chế độ CSVN người ta sẵn sàng cho anh chửi, cho nói xấu, cho anh mạ lỵ chế độ đó. Nhưng đừng bao giờ dại dột mà cấu kết nhau để cố ý lật đổ chế độ - bọn cộng sản sẽ giết chết anh ngay.

Đó là điều mà người ta gọi là “xả sú-bắp”. Tức là người dân bực tức quá, đau khổ nhiều quá, người dân bị đè nén đến cùng cực thì phải tạo ra một lối thoát cho người ta chửi, cho người ta lên tiếng nhưng đừng có ai dại dột cấu kết nhau để mà cố ý lật đổ chế độ đó. Nó sẽ giết chết anh ngay tức khắc. Đó là điều mà chúng ta phải học cho rõ.

Chính vì thế mà sự việc như anh vừa hỏi là một bản công khai tuyên ngôn về tự do dân chủ 118 người ký tên trong nước. Tôi cho đây là một bước tiến rất lớn trong cuộc tranh đấu cho dân chủ, tự do cho Việt Nam. Bởi vì đây là lần đầu tiên có một số người đông đảo, ở khắp nơi và khắp các vị trí, trong đó có một số khá đông các tu sĩ công giáo cũng đã ký tên vào đó. Thì cho thấy rằng đã đến lúc những luồng gió dân chủ nhẹ đã thổi qua trong dân tộc Việt Nam ngay trong nước. Bây giờ những làn gió đó bắt đầu tập trung lại và dần dần nó thành một cơn lốc. Khi những luồng gió nhẹ mà tập trung lại được thành một cơn lốc rồi thì cơn lốc đó sẽ gây ảnh hưởng rất lớn. Đó là điều mà chúng ta vui mừng.

Như tôi đã từng nói khắp nơi, tất cả những cuộc hoạt động tranh đấu để đòi hỏi tự do, dân chủ và nhân quyền, quan trọng nhất là phải ngay trong nội địa, ngay trong lòng dân tộc Việt Nam ở trong nước. Và vai trò của những người, phong trào dân chủ ở hải ngoại là chúng ta phải hỗ trợ, quảng bá, đẩy mạnh và khai dụng thành quả đó bằng phương tiện mà chúng ta có trong xứ tự do này. Cho nên tôi đánh giá rất cao sự việc anh vừa hỏi qua Tuyên Ngôn tự do dân chủ trong nước. Và tôi thấy đây là một điều mà người dân Việt Nam chúng ta nên vui mừng, nên tập trung sức lực để hỗ trợ và đẩy mạnh hơn nữa phong trào của 118 người ký tên trong bản tuyên ngôn dân chủ trong nước.

Quang Dũng: Trong cao trào đấu tranh đòi tự do, dân chủ đang diễn ra một cách rất phấn khởi như vậy, xin Cha cho biết vị trí của Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn? Nói rõ hơn, PT đóng góp được gì cho cao trào đòi tự do, dân chủ nầy?

LM Nguyễn Hữu Lễ: Nếu chúng ta nhìn toàn diện cuộc đấu tranh dân chủ thì mình sẽ có kết luận này, không có cuộc đấu tranh của nhóm nào gọi là thiếu. Mà cũng không có cuộc đấu tranh của một nhóm nào gọi là thừa. Tức là tất cả mọi sự đấu tranh của từng nhóm khác nhau đều chú trọng vào một mục tiêu chung. Đó là mang lại sự tự do, dân chủ và nhân quyền cho dân tộc Việt Nam chúng ta.

Chính vì thế mà trước đây cũng có một vài người đã lên tiếng trên internet để chỉ trích Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn, nói rằng khi phong trào này đánh lạc hướng dư luận, để làm cho người ta không còn chú ý đến những sự kiện xảy ra trong nước v.v... Nhận định như thế thì rất là nông cạn

Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn là một phong trào đồng hành, song song với tất cả các phong trào tranh đấu chân chính khác để đòi hỏi công bằng, tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Chính vì thế mà những cố gắng nào của đồng bào khắp nơi trong các phong trào tranh đấu khác đều có mục đích như vậy đều được sự hỗ trợ, hưởng ứng của Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn.

Thưa anh, mỗi người chúng ta đều có một vị trí trong cuộc tranh đấu này. Không ai nói rằng người đó là người có thể nắm độc quyền, nắm toàn diện sự tranh đấu của dân tộc. Và cũng không ai có thể nói rằng mình không có một vị trí nào trong hàng ngũ những người chiến đấu cho dân chủ, tự do cho Việt Nam. Chính vì thế mà mỗi một cuộc tranh đấu trong mỗi phạm vi đều có một giá trị khác nhau. Mà tất cả giá trị đó đều tập trung vào một hướng duy nhất là phá tan đi những cơ cấu chánh quyền bất công, đầu dẫy sự áp bức cho dân tộc, mang lại nền tự do dân chủ và nhân quyền đích thực cho dân tộc Việt Nam.

Đó là con đường mà tất cả những người tranh đấu Việt Nam chúng ta đang đi và sẽ đi.

Thưa anh, Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn đang đồng hành với các phong trào khác trong mục tiêu này, và chắc chắn phong trào này sẽ hỗ trợ rất mãnh liệt tất cả những hoạt động chân chính nào đưa đến mục đích như tôi vừa nói. Cho nên không có điều mà người ta gán cho là sự trở ngại, sự đánh lạc hướng, làm cho dân chúng bớt quan tâm về những sự việc trong nước. Mà ngược lại Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn là một phong trào hỗ trợ rất mãnh liệt cho những sự lên tiếng của những người dân chủ đòi tự do nhân quyền và tự do tôn giáo trong nước.

Quang Dũng: Trước khi chấm dứt chương trình hội luận này, Cha còn điếu gì muốn tâm tình thêm với thính giả hôm nay?

LM Nguyễn Hữu Lễ: Trước tiên xin cám ơn anh rất nhiều đã cho tôi có cơ hội để lên tiếng trên làn sóng điện hôm nay để thưa chuyện cùng với đồng bào đứng trước một thời điểm mà dân tộc Việt Nam chúng ta đang chú ý về nhiều sự kiện xảy ra, trong đó có vấn đề bản Tuyên ngôn Tự do Dân chủ do 118 nhà dân chủ trong nước ký tên và đã được rất nhiều người hỗ trợ.

Nhân cơ hội này, đặt trọng tâm vào Lời Kêu Gọi Đặc Biệt số 3 của Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn, tôi thiết tha kêu gọi toàn thể đồng bào Việt Nam chúng ta hãy ý thức hơn về những vị trí mà chúng ta đang chiến đấu. Ý thức đó là có một chế độ luôn luôn muốn dùng một hình ảnh uy quyền để đặt trên đầu trên cổ dân tộc Việt Nam và làm cho dân tộc Việt Nam cảm thấy rằng người ta đã không còn một lối nào thoát cả. Là phải sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, sống dưới một cơ cấu chính quyền là đại diện, là tay sai của một chủ nghĩa quốc tế đã lỗi thời. Và người ta cố ý đánh bóng tên HCM như là một biểu tượng để cho dân tộc Việt Nam chúng ta phải chấp nhận, phải cúi đầu xuống và coi như đó là một lối sống không còn lối thoát nào khác. Đó là ý đồ rất tai hại để đồng bào Việt Nam không còn nhìn thấy mục tiêu tối hậu của dân tộc mình.

Vậy kính thưa đồng bào thân mến, nhân dịp LKGDB số 3 của Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn cố ý tẩy trừ cái tên HCM, phục hồi tên Sài Gòn, phục hồi công bằng cho dân tộc, nó phù hợp với lời kêu gọi trong bản Tuyên ngôn Tự do Dân chủ do 118 vị trong nước ký tên đã được rất nhiều đồng bào hải ngoại hỗ trợ, tôi xin thiết tha kêu gọi đồng bào Việt Nam chúng ta hãy cố gắng ý thức hơn về vai trò của mình và đồng thanh lên tiếng đòi trả lại công bằng cho dân tộc. Trong sự công bằng đó nó có tên gọi Sài Gòn, nó có tên gọi TGP Sài Gòn, nó có sự công bằng về tự do tôn giáo, công bằng về xã hội, công bằng về chánh trị, và đặc biệt nhất là công bằng trong sự đối xử giữa người với người Việt Nam chúng ta.

Đó là điều mà tôi rất vui mừng và phải nói là hết lòng xin kêu gọi toàn thể đồng bào Việt Nam chúng ta: thời cơ của dân tộc Việt Nam chúng ta đã đến và mỗi người chúng ta đều có một vai trò trong sự đóng góp lớn lao này, đó là sự cố gắng tranh đấu để mang lại sự công bằng cho dân tộc.

Tôi xin cám ơn anh Quang Dũng, cám ơn chương trình phát thanh TNPHVN, và xin cám ơn tất cả quý thính giả thương mến đã theo dõi, lắng ngheo và chia sẻ với cá nhân tôi, và chia sẻ với những hoạt động của Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn trong Lời Kêu Gọi Đặc Biệt số 3 này.

Quang Dũng: Thay mặt thính giả TNPHVN, chúng tôi chân thành cám ơn Linh Mục NGUYỄN HỮU LỄ đã dành thời giờ tham dự buổi thảo luận hôm nay để trình bầy về LKGDB số 3 của PTSG. Chúng tôi kính chúc LM được dồi dào Sức Khoẻ và PTSG đạt được thành quả mong muốn./.

* TIẾNG NÓI PHỤC HƯNG VIỆT NAM, phát thanh mỗi Thứ Năm hàng tuần vào 10 giờ tối (giờ Hoa Thịnh Đốn) trên tần số của Hệ Thống Đài Phát Thanh VIỆT NAM HẢI NGOẠI. Thính giả có thể nghe lại các buổi phát thanh nầy trong website www.phvn.org


TRỞ VỀ
TRANG ĐẦU TIÊN



______________________________________________________